Multimedia Đọc Báo in

Những học trò dân tộc thiểu số chăm ngoan học giỏi

15:57, 14/04/2019

Hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng nhiều học sinh người dân tộc thiểu số luôn nỗ lực vượt khó, vươn lên trở thành con ngoan trò giỏi…

Nữ sinh người Nùng say mê Địa lý

Em Phùng Thị Hồng Thơm (dân tộc Nùng), học sinh lớp 12C6, Trường THPT Trần Quốc Toản (huyện Ea Kar) luôn được các bạn nể phục bởi chăm ngoan, học giỏi và đặc biệt rất say mê Địa lý.

Em Phùng Thị Hồng Thơm.
Em Phùng Thị Hồng Thơm.

Gia đình Thơm sống ở thôn 3, xã Cư Prông (huyện Ea Kar). Nhà cách trường gần 30 km, em phải ở trọ để thuận tiện cho việc học tập. Bằng ý chí vượt lên hoàn cảnh, Thơm luôn nỗ lực vươn lên học tập thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của gia đình. Em liên tục đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi toàn diện nhiều năm liền. Học đều tất cả các môn song Thơm lại đặc biệt say mê môn Địa lý và đạt nhiều thành tích đáng khâm phục ở môn học này. Năm 2015, khi đang là học sinh lớp 9 em đã giành giải Ba môn Địa lý trong Kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và tiếp tục đoạt giải Khuyến khích tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm học 2017 - 2018, Thơm giành Huy chương Bạc ở môn Địa lý lớp 11  trong Kỳ thi Olympic 10-3 do Sở GD-ĐT tổ chức. Năm học này, em lại tiếp tục gặt hái thành quả với giải Ba môn Địa lý trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh vừa qua.

Thơm tâm sự, ngay từ nhỏ em đã luôn ao ước lớn lên sẽ được đi khắp mọi nơi để tìm hiểu về cuộc sống, thiên nhiên và con người, được khám phá những vùng đất mới và những điều bí ẩn xung quanh mình. Thơm chia sẻ, để học tốt các môn xã hội thì trước hết phải chăm chỉ học tập, lắng nghe, tập trung học nghiêm túc từ các thầy cô giảng bài, theo đó cần xác định các phương pháp học đúng đắn, phù hợp với lực học của mình. Bên cạnh đó, rèn luyện kỹ năng tổng hợp kiến thức cơ bản từ sách giáo khoa, và những kiến thức nâng cao do thầy cô cung cấp. Riêng môn Địa lý, ngoài việc học kỹ các kiến thức cơ bản, nắm chắc các phương pháp xử lý số liệu để giải các bài tập thì phải thường xuyên xem tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng như: ti vi, sách, báo, các tài liệu nâng cao.

Mơ ước của Thơm là trở thành một hướng dẫn viên du lịch để được khám phá mọi miền Tổ quốc.

Cô trò nhỏ yêu dân ca 

Không chỉ học giỏi, H'Misa Niê, học sinh lớp 9A Trường THCS Ngô Quyền, xã Cư Mta (huyện M'Đrắk) còn có tài năng biểu diễn các bài hát và điệu múa của dân tộc truyền cảm, mượt mà.

H’Misa là con út trong gia đình có hai anh em tại buôn Ắk, xã Cư Mta. Cha mẹ em đều làm nông, kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng luôn tạo mọi điều kiện cho con trong học tập và tham gia các hoạt động văn hóa ở trường. Không phụ lòng mong mỏi của thầy cô và cha mẹ, suốt 9 năm học H'Misa đều là học sinh giỏi, tiên tiến và là nhân tố tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường và phong trào Đội.

 Em H'Misa Niê  (thứ ba từ phải sang) cùng các bạn tập múa.
Em H'Misa Niê (thứ ba từ phải sang) cùng các bạn tập múa.

Từ khi còn nhỏ, H’Misa đã được nghe những làn điệu dân ca, những tiết tấu, nhịp điệu cồng chiêng, điệu múa xoang Êđê từ bà và mẹ. Người truyền cảm hứng nhiều nhất cho em chính là bà ngoại với những câu chuyện về hát dân ca, hát Ayray và văn hóa truyền thống của đồng bào Êđê. Niềm đam mê múa hát dân tộc ngày càng lớn dần lên trong những dịp em cùng các bạn tham gia các lễ hội rộn ràng trong buôn làng. Năm 10 tuổi, H’Misa bắt đầu học hát, học múa từ các chị trong buôn, rồi tự học trên mạng. Nhờ yêu thích, có năng khiếu, tiếp thu nhanh và kiên nhẫn rèn luyện, em nhanh chóng thuộc những bài hát dân ca và những bài múa cồng chiêng, múa xoang. Em thường được chọn vào đội văn nghệ xung kích của trường, của xã để tham gia biểu diễn văn nghệ phục vụ trong các dịp lễ hội của buôn, xã.

Nhận xét về cô học trò H'Misa học giỏi, hát hay, múa dẻo, nhiệt tình trong các hoạt động Đội, thầy Nguyễn Văn Hiếu, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Ngô Quyền trìu mến nhận xét: "Em H'Misa Niê là một học sinh giỏi, rất năng nổ trong các phong trào Đội. Em luôn sống chan hòa với bạn bè cùng trang lứa, lễ phép với thầy cô và được các bạn gọi là: Bông hoa nhỏ của buôn làng".

Đoàn Hân - Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.