Sôi nổi giao lưu "Hùng biện tiếng Anh" cấp tiểu học
Nhằm góp phần thúc đẩy phong trào dạy học tiếng Anh và nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh cấp tiểu học, Sở GD-ĐT đã tổ chức nhiều chương trình sôi nổi, thiết thực và hiệu quả. Điển hình là chương trình giao lưu “Hùng biện tiếng Anh” bậc tiểu học cấp tỉnh năm học 2018-2019 vừa diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua.
Tham gia chương trình giao lưu năm nay có 34 đội với 136 học sinh (khối lớp 4 và lớp 5) đang học chương trình tiếng Anh đến từ 15 phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các đội giao lưu hai phần: thuyết trình và trả lời câu hỏi. Ở phần thuyết trình, các đội bốc thăm để giới thiệu 1 trong 4 chủ đề: địa lý, ẩm thực, con người, địa danh nơi mình sinh sống bằng tiếng Anh. Sau khi thuyết trình, các đội trả lời một số câu hỏi của đội bạn bằng tiếng Anh. Mỗi lượt có 2 đội đến từ 2 địa phương khác nhau tham gia giao lưu.
Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Thái Thị Mỹ Bình trao Giấy khen tặng các thí sinh xuất sắc của chương trình. |
Phần hùng biện của đội Krông Năng đem đến nhiều ấn tượng cho khán giả bởi sự tự tin, phát âm tốt cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các em khi trình chiếu trên phần mềm Powerpoint. Với chủ đề ẩm thực nơi bạn sinh sống, các em đã giới thiệu một số đặc sản của địa phương như: rượu men lá, quả mắc ca, bánh khảo, bánh trôi…
Còn các em học sinh của đội TP. Buôn Ma Thuột lại có phần thuyết trình hấp dẫn, cuốn hút khi một thành viên trong đội đóng vai du khách nước ngoài đến tham quan thành phố. Các thành viên còn lại lần lượt giới thiệu về Tượng đài Ngã Sáu, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Bảo tàng tỉnh… cho vị du khách ấy. Phần giới thiệu của các em được giám khảo đánh giá cao không chỉ bởi khả năng hùng biện đầy thuyết phục mà còn đưa ra những câu hỏi và câu trả lời thông minh, thể hiện rõ ràng quan điểm cá nhân cũng như phong thái tự tin, đĩnh đạc.
Em Phạm Thủy Tiên, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, (huyện Krông Năng) tự tin bày tỏ: “Em rất vui được tham dự chương trình giao lưu cấp tỉnh. Ngoài sự hướng dẫn, dạy dỗ của các thầy cô giáo, em thường lên mạng Internet để tìm kiếm các tài liệu bằng tiếng Anh để tăng cường vốn từ vựng cũng như học cách phát âm chuẩn xác”. Nhờ đó, em Thủy Tiên đã xuất sắc đoạt 3 giải dành cho cá nhân (kỹ năng thuyết trình tốt nhất; kỹ năng ngôn ngữ tốt nhất; câu trả lời hay nhất).
Còn em Nguyễn Minh Uyên, học sinh lớp 5E, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: "Học tiếng Anh thì quan trọng nhất là kỹ năng giao tiếp. Được tham gia chương trình là cơ hội để em hoàn thiện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh". Mr. Tobias Hugh Daniell, Giám khảo đến từ Công ty cổ phần giáo dục iSMART đánh giá: “Các em đã đem đến rất nhiều điều thú vị và những trải nghiệm mới mẻ đối với chúng tôi cũng như tất cả mọi người. Nhà trường, thầy cô và các bạn cùng lớp có quyền tự hào về các em, bởi hùng biện là một nghệ thuật mà không phải ai cũng dám đương đầu để thực hiện, chúng tôi rất trân trọng nỗ lực của các em khi tham gia chương trình”.
Phần thi hùng biện của các học sinh đến từ huyện Krông Bông. |
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh, các trường tiểu học tổ chức dạy tiếng Anh đạt tỷ lệ 97,2%, trong đó có 217 trường dạy học với số lượng 4 tiết/tuần. Tại các trường tiểu học có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên cũng đã tổ chức cho học sinh làm quen môn tiếng Anh ngay từ lớp 1, lớp 2.
Dù là lần đầu tiên tổ chức, nhưng chương trình giao lưu "hùng biện tiếng Anh" đã góp phần thực hiện thành công Kế hoạch triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2019 - 2025” của tỉnh, cũng như tạo sân chơi để phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Anh cho học sinh tiểu học. Chương trình đã góp phần rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm và hùng biện bằng tiếng Anh cho học sinh. Đây cũng là cơ hội giúp nhà trường, các cấp quản lý giáo dục đánh giá chất lượng hoạt động giảng dạy tiếng Anh bậc tiểu học trên địa bàn tỉnh.
Theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2019 - 2025” của tỉnh thì đến năm 2020 sẽ có 20% trẻ mầm non được làm quen với ngoại ngữ, 30% học sinh lớp 1 và lớp 2 tự chọn chương trình ngoại ngữ; đến năm 2024 thì 100% học sinh lớp 3, 4, 5 học tiếng Anh bắt buộc và chuẩn bị các điều kiện triển khai dạy và học môn Toán, Khoa học tự nhiên khác bằng tiếng Anh… |
Bảo Chi
Ý kiến bạn đọc