Multimedia Đọc Báo in

Thư viện thân thiện "hút" học sinh đến với sách

10:46, 25/04/2019
Từ Chương trình “Thư viện thân thiện trường tiểu học”, nhiều trường học trên địa bàn huyện Cư M’gar đã nỗ lực phát huy các tủ sách, mua thêm nhiều đầu sách mới để giới thiệu đến học sinh những cuốn sách hay. Qua đó thu hút nhiều học sinh đến với thư viện.
 
Năm 2016, Sở GD-ĐT hợp tác với Tổ chức Room to Read thực hiện Chương trình “Thư viện thân thiện trường tiểu học” tại huyện Cư M’gar. Với việc thay đổi cách bố trí sách, không gian đọc đã tạo điều kiện cho học sinh có thể tiếp cận và sử dụng sách nhiều hơn, giúp cải thiện khả năng đọc hiểu và thói quen đọc sách mọi lúc, mọi nơi của các em học sinh. 

Theo Phòng GD-ĐT huyện Cư M'gar, mô hình này đã giúp cho các thư viện “lột xác” hoàn toàn về hình ảnh, từ những kho chứa sách ban đầu, thư viện đã mở rộng diện tích, thiết kế sáng tạo, đẹp mắt, tạo ra một không gian, môi trường đọc sách thân thiện với học sinh.

Giờ đọc sách của học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản.
Giờ đọc sách của học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản.

Là một trong tám trường được thụ hưởng Chương trình “Thư viện thân thiện trường tiểu học” vào năm 2016, đến nay thư viện Trường Tiểu học Trần Phú (thị trấn Quảng Phú) đã thực sự trở thành điểm đến của nhiều học sinh mỗi giờ ra chơi. Thư viện được trang trí với nhiều hình vẽ và màu sắc tươi sáng, chỗ ngồi đọc sách thoải mái, sách được đặt trên kệ mở vừa tầm với các em. Đáng chú ý là sách được phân loại theo màu sắc cho từng độ tuổi và đặt trên kệ ngăn nắp, giúp tìm kiếm dễ dàng.

Cô Nguyễn Thị Vân, Cán bộ phụ trách thư viện Trường Tiểu học Trần Phú cho biết, mỗi ngày thư viện đón nhận hàng trăm lượt học sinh đến đọc sách ngoài giờ học. Với mô hình mới này, quy trình mượn sách cũng đơn giản hơn rất nhiều để khuyến khích các em chủ động mượn sách. “Có những hôm học sinh đến mượn sách đông, nhà trường phải thành lập một tổ cộng tác viên thư viện gồm 4 - 5 em học sinh lớp 5 để giúp các cô trong việc hỗ trợ các bạn mượn sách về nhà”, cô Vân phấn khởi chia sẻ.

Thú vị hơn, không chỉ đọc sách, thư viện còn có nhiều góc hoạt động như vẽ tranh "từ câu chuyện em thích", "tiết học thân thiện". Nhân Ngày Sách Việt Nam (21-4) sắp tới, nhà trường đã đầu tư thêm sách mới, tăng số đầu sách lên 4.000 cuốn với đủ thể loại, đáp ứng nhu cầu đọc cho giáo viên và học sinh.

Giáo viên Trường Tiểu học Trần Phú giúp học sinh chọn sách theo mã màu phù hợp.
Giáo viên Trường Tiểu học Trần Phú giúp học sinh chọn sách theo mã màu phù hợp.

Những hiệu quả rõ rệt từ Chương trình “Thư viện thân thiện trường tiểu học” đã giúp thêm 8 trường nữa trên địa bàn huyện mạnh dạn nhân rộng mô hình. Đơn cử như năm học 2017 – 2018, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thị trấn Ea Pốk) xây dựng và chính thức đưa thư viện thân thiện vào hoạt động dưới sự giúp đỡ của phụ huynh học sinh. Ngôi trường có tỷ lệ 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ mô hình này đã góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh tiếp cận và đọc sách.

Thầy Lê Văn Nhung, Hiệu trưởng nhà trường tỏ ra khá tâm đắc về mô hình “Thư viện thân thiện trường tiểu học”: “Bản chất các em rất ham đọc sách, nhưng lượng sách ở thư viện cũ của trường đa số đều cũ và nhiều chữ, ít hình ảnh minh họa nên không thể lôi kéo nhiều em tới đọc. Do đó nhà trường quyết định “thay áo mới” cho thư viện, bổ sung hơn 4.000 đầu sách mới trong năm học vừa rồi để khuyến khích các em đọc nhiều hơn”. Thầy Nhung còn cho rằng, hiện tại mô hình Thư viện thân thiện là một giải pháp, một sân chơi hữu ích giúp các em tránh xa những trò giải trí vô bổ và tiêu cực.

Có thể thấy, mô hình “Thư viện thân thiện trường tiểu học” đã tạo ra những đột phá so với thư viện truyền thống trước đây. Chính những thay đổi này đã tạo được sự lôi cuốn cho trẻ tìm đến với thư viện nhiều hơn, thích đọc sách hơn, từng bước đưa văn hóa đọc trở thành thói quen “khó bỏ” của học sinh.

Room To Read là tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ giáo dục cho trẻ em. Mỗi mô hình “Thư viện thân thiện trường tiểu học” được Room To Read tài trợ với tổng trị giá 100 triệu đồng. Khi tham gia chương trình, các trường được tập huấn phương pháp hoạt động thư viện; được tài trợ sách, các kệ xếp sách, bàn đọc và đệm ngồi cho học sinh; mỗi học sinh được cấp từ 2 đến 3 quyển sách mỗi năm trong vòng 3 năm. 

Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.