Multimedia Đọc Báo in

Trường THCS Trần Hưng Đạo: Nỗ lực ngăn chặn nguy cơ học sinh bỏ học

08:30, 27/04/2019

Mấy năm trở lại đây, số học sinh bỏ học giữa chừng ở Trường THCS Trần Hưng Đạo (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) đã giảm đi nhiều, một phần nhờ nỗ lực vận động học sinh ra lớp của thầy cô, Ban giám hiệu nhà trường.

Trường THCS Trần Hưng Đạo có 296 học sinh, trong đó hơn 95% là con em đồng bào Êđê. Bố mẹ các em chủ yếu làm nông hoặc làm thuê, chỉ đủ sống qua ngày. Đời sống khó khăn, cộng với nhận thức còn hạn chế nên tình trạng học sinh vắng học liên tục xảy ra, nguy cơ các em bỏ học giữa chừng là rất cao.

Cô giáo Trần Thị Mai Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A1 cho hay, vào thời điểm mùa vụ, nhất là mùa thu hoạch cà phê hay đến mùa hái tiêu thì các em lại ở nhà đi hái nông sản phụ giúp bố mẹ hoặc đi làm lấy ngày công. Vì thế, lớp học thường vắng nhiều hơn, có bữa lớp vắng đến 5 học sinh. Nhiều em nghỉ học gần cả tuần lễ nên bị hổng kiến thức, không theo kịp các bạn trong lớp nên giáo viên chủ nhiệm phải luôn tìm cách phụ đạo phù hợp cho các em.

Cô giáo Phan Nguyễn Tố Tố Trâm ( thứ hai từ trái sang), chủ nhiệm lớp 8A2 đến tận nhà vận động học sinh  đến lớp.
Cô giáo Phan Nguyễn Tố Tố Trâm ( thứ hai từ trái sang), chủ nhiệm lớp 8A2 đến tận nhà vận động học sinh đến lớp.

Còn theo cô Phan Nguyễn Tố Tố Trâm, chủ nhiệm lớp 8A2 thì có em bị mất kiến thức căn bản từ những năm học trước đó nên không có khả năng tiếp thu bài, dẫn tới chán nản rồi vắng học nhiều buổi. Và cũng có nguyên nhân do nhận thức còn hạn chế, cả phụ huynh và học sinh đều nghĩ phải lo kiếm cái ăn trước đã hoặc tính đến việc lấy chồng sinh con, việc học vì thế bị coi nhẹ.

Như trường hợp của hai chị em H'Rẻn Adrơng và H’Miển Adrơng học lớp do cô Tố Trâm làm chủ nhiệm. Từ năm vào cấp 2, hai chị em cùng chung một lớp, nhưng đến cuối năm lớp 7 thì người chị H’Rẻn Adrơng đã bỏ dở việc học để lập gia đình rồi sinh con, giờ chỉ còn mỗi H’Miển Adrơng là theo con chữ. Với vai trò là giáo viên chủ nhiệm, cô luôn để ý kèm cặp nhiều hơn cho H’Miển Adrơng để em thích thú với việc học. Còn đối với trường hợp Y Mốt Niê (lớp 8A2) thì lại rơi vào đối tượng học yếu, không theo kịp bạn bè trên lớp rồi chán nản, đi học bữa được bữa mất.

 
"Năm học vừa qua, số học sinh bỏ học giữa chừng đã giảm xuống chỉ còn 1 em, nhưng tỷ lệ chuyên cần thì vẫn là vấn đề cần nhiều cố gắng, tâm huyết của thầy và trò. Việc duy trì đều đặn sĩ số học sinh gắn liền với nỗ lực rất lớn của mỗi giáo viên chủ nhiệm lớp".
 
Thầy Nguyễn Tiến Hoàn, Hiệu phó Trường THCS Trần Hưng Đạo chia sẻ

Trước tình hình đó, giáo viên chủ nhiệm phải đến “gõ cửa” từng nhà để tìm hiểu nguyên nhân, tìm cách giúp đỡ, làm công tác tư tưởng với phụ huynh học sinh, vận động cha mẹ tạo điều kiện cho các em đi học. Vì thế, chuyện giáo viên đến từng nhà, "canh" để gặp được phụ huynh, học sinh, vận động các em trở lại lớp không còn là chuyện lạ ở đây. Và hầu như giáo viên chủ nhiệm nào cũng kiêm luôn công tác “dân vận” sau giờ lên lớp là chuyện bình thường. Để gặp được phụ huynh, các cô, thầy phải chọn những giờ xế trưa hoặc chiều tối, lựa lời nói để bà con đồng bào Êđê "thông" tư tưởng, cùng phối hợp với nhà trường tạo điều kiện cho con em mình đến lớp.

Đưa được các em đến trường rồi, giáo viên chủ nhiệm phải bám sát, phân công các bạn có học lực khá hơn kèm cặp, giúp đỡ. Đồng thời, bản thân giáo viên chủ nhiệm phối hợp với giáo viên bộ môn lên kế hoạch dạy phụ đạo, kèm thêm cho các em để theo kịp bạn bè trong lớp. Cô Trần Thị Mai Phương, chủ nhiệm lớp 6A1 chia sẻ: “Chúng tôi đang phải bám sát các em từng tí, chỉ lơ là một chút là học sinh vắng học liền”.

Theo thầy Nguyễn Tiến Hoàn, Hiệu phó Trường THCS Trần Hưng Đạo, trước đây học sinh bỏ học rất nhiều, những năm trở lại đây, tình trạng này được kéo giảm đáng kể, một phần nhờ vào công tác vận động của nhà trường, kết hợp với chính quyền, các đoàn thể ở địa phương. Hiện tình trạng học sinh bỏ học luôn đã được khắc phục, nhưng việc các em vắng học vẫn xảy ra thường xuyên. Vì thế, vấn đề bảo đảm sĩ số 100% các em đến lớp là nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho nhà trường.

Để làm được điều đó, ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu đã họp, triển khai đồng bộ các biện pháp được xem là thiết thực nhất trong việc chống bỏ học, duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh như: Phát động phong trào dạy học bằng chính tâm huyết của người thầy; tổ chức ký cam kết giữa nhà trường, địa phương và Hội Phụ huynh học sinh. Trường còn phối hợp với chính quyền, đoàn thể ở địa phương rà soát, tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ, tặng xe đạp, quần áo, cặp sách… cho các em học sinh nghèo. Nhờ vậy, số học sinh bỏ học ngày càng giảm dần.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.