Để ôn thi hiệu quả môn Địa lý
Trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, Địa lý được đánh giá là môn thi “dễ ăn điểm” đối với người học. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, có đến hơn 31% thí sinh dưới điểm trung bình, 621 thí sinh bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống) môn Địa lý. Vì vậy, để đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới, các em học sinh cần phải có phương pháp và kỹ năng ôn tập hiệu quả.
Trước hết, mỗi học sinh cần bám sát cấu trúc đề thi để có định hướng đúng trong việc ôn tập. Tránh ôn tập tràn lan, dàn trải và không hiệu quả. Theo cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT công bố, số lượng câu hỏi để đánh giá ở mức độ “nhận biết” và “thông hiểu” của thí sinh chiếm đến 60%, còn lại số câu hỏi ở mức độ “vận dụng” và “vận dụng cao” chiếm 40% nhằm đánh giá và phân loại thí sinh. Kiến thức thi sẽ có cả ở lớp 11 và 12, trong đó chủ yếu là kiến thức của lớp 12. Do vậy, học sinh cần dành nhiều thời gian và tập trung ôn những chương, bài chiếm nhiều điểm như: địa lý các ngành kinh tế, địa lý các vùng kinh tế; địa lý tự nhiên...
Để có thể ghi nhớ hiệu quả các đơn vị kiến thức bài học hoặc các chủ đề ôn tập, học sinh nên trình bày dưới dạng sơ đồ tư duy cho từng bài, từng chương. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến các mối liên hệ hoặc sự tác động qua lại giữa các đối tượng địa lý. Chẳng hạn, yếu tố khí hậu có ảnh hưởng như thế nào đến địa hình, sông ngòi, sinh vật? hoặc vị trí địa lý của từng vùng, miền có thuận lợi và khó khăn gì trong việc phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng?… Bên cạnh việc ôn tập theo sơ đồ tư duy, người học có thể ôn tập từng bài học theo các bước: gạch ý chính, ý phụ của từng đơn vị nội dung kiến thức; sau đó, nghiên cứu xem nội dung đó sẽ có những câu hỏi nào liên quan để trả lời. Việc tự đặt và tự trả lời các câu hỏi đó sẽ giúp người học khắc sâu kiến thức bài học hơn.
Ảnh minh họa: Internet |
Xác định dạng biểu đồ và xử lý số liệu hay phân tích, nhận xét biểu đồ là một trong những câu hỏi khiến nhiều học sinh lúng túng và hay bị nhầm lẫn. Để làm tốt những câu hỏi này, các em cần nắm vững các dạng biểu đồ thông qua các “từ khóa” có trong câu hỏi. Chẳng hạn, trong câu hỏi có các từ khóa như: tỷ lệ, tỷ trọng, cơ cấu, kết cấu thì xác định ngay đó là biểu đồ hình tròn; các từ khóa: thể hiện sự phát triển, tốc độ tăng trưởng qua các mốc thời gian thì nên lựa chọn biểu đồ đường; để thể hiện các đối tượng khác nhau về đơn vị nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau thì chọn biểu đồ kết hợp... Ngoài việc xác định đúng dạng biểu đồ, học sinh cần phải thành thạo trong việc tính toán, xử lý số liệu cũng như kỹ năng phân tích, nhận xét biểu đồ.
Bên cạnh ôn tập kiến thức trong sách giáo khoa, các em cần phải biết cách sử dụng Atlat địa lý vì đây được coi là “cuốn sách thứ hai” của môn học. Việc sử dụng Atlat thường xuyên không chỉ giúp người học ghi nhớ khắc sâu kiến thức mà còn củng cố kỹ năng sử dụng nhằm huy động kiến thức để làm bài thi đạt kết quả cao. Học sinh cần nắm được cấu trúc của Atlat địa lý Việt Nam bởi điều này giúp các em tổng hợp kiến thức một cách khoa học để trả lời và tiết kiệm được thời gian làm bài. Chẳng hạn, phần địa lý tự nhiên (từ trang 4 đến trang 14), phần địa lý dân cư (từ trang 15 đến trang 16), phần địa lý các ngành kinh tế (từ trang 17 đến trang 25),… Bên cạnh đó, học sinh cần nắm nắm chắc các ký hiệu về địa hình, khoáng sản… trong chú thích của bản đồ và biết khai thác biểu đồ có trong các bản đồ của Atlat.
Trong những năm gần đây, đề thi môn Địa lý thường hướng đến các vấn đề thời sự, mang tính thực tiễn cao. Vì vậy, khi ôn tập, học sinh không nên học thuộc lòng các nội dung một cách máy móc, mà cần phân tích, mở rộng các nội dung, vận dung kiến thức giữa các chương để giải thích vấn đề. Ngoài ra, cần thu thập, cập nhật thêm các kiến thức thực tế, kiến thức mới thông qua các nguồn tư liệu như sách, báo, ti vi, mạng Internet.
Hà Văn
Ý kiến bạn đọc