Multimedia Đọc Báo in

Những cô giáo "hai giỏi" ở M'Đrắk

06:19, 25/05/2019

Gương mẫu, trách nhiệm với công việc, “vừa giỏi việc trường lại đảm việc nhà” là cảm nhận của đồng nghiệp về hai cô giáo ở huyện M’Đrắk: cô Đỗ Thị Hồng Huệ, Phó hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Krông Jing) và Nguyễn Thị Hường, giáo viên Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (xã Krông Á).

Cô hiệu phó tận tụy

Năm 1994, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, cô Đỗ Thị Hồng Huệ về nhận  công tác tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Cư Mta, huyện M'Đrắk). Năm 2008, cô Huệ về công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Krông Jing) cho đến nay. Ở môi trường mới với trên 70% học sinh là người dân tộc thiểu số, cô Huệ luôn tận tụy bám trường, bám lớp, tận tình trong công tác giảng dạy. Bằng sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, năm 2009 cô Huệ được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Trên cương vị cán bộ quản lý, cô Huệ vẫn không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, cùng với tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường xây dựng quy chế, nền nếp học tập, tổ chức sinh hoạt, nhiều hội thảo chuyên đề về nâng cao chất lượng dạy học. Đến nay, 100% giáo viên trong trường có trình độ chuẩn và trên chuẩn, hằng năm có trên 98% học sinh hoàn thành chương trình lớp học, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học. Nhiều năm gần đây, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; đặc biệt, năm học 2018 - 2019, trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn I.

Cô Đỗ Thị Hồng Huệ (giữa) trao đổi chuyên môn cùng giáo viên trong trường.
Cô Đỗ Thị Hồng Huệ (giữa) trao đổi chuyên môn cùng giáo viên trong trường.

Công đoàn Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi hiện có 42 đoàn viên tham gia sinh hoạt tại 6 tổ. Với đặc thù đơn vị phần lớn là cán bộ, nhân viên nữ, thời gian đứng lớp nhiều nên việc triển khai các hoạt động công đoàn gặp khó khăn. Một số nữ giáo viên vì điều kiện, hoàn cảnh gia đình nên còn e ngại khi tham gia công tác công đoàn. Với vai trò Chủ tịch Công đoàn trường, cô Huệ đã quan tâm, chia sẻ, động viên chị em cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn để yên tâm công tác, tham gia các hoạt động, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Từ những việc tưởng chừng rất nhỏ nhưng đã tạo dựng được niềm tin, sự gần gũi gắn bó giữa các đồng nghiệp, đoàn viên, động viên khuyến khích mọi người cùng nhau hưởng ứng tích cực các phong trào do các cấp các ngành phát động. Hằng năm, Công đoàn trường đã vận động từ 4 - 5 đoàn viên tham gia hiến máu tình nguyện; xây dựng các loại quỹ như: quỹ tương trợ công đoàn, quỹ khuyến học, quỹ phúc lợi, quỹ mái ấm công đoàn ... trên 50 triệu đồng. Công đoàn hằng năm xếp loại vững mạnh xuất sắc.

25 năm gắn bó với sự nghiệp "trồng người", 10 năm trên cương vị Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, cô Đỗ Thị Hồng Huệ đã nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen. Trong đó, 3 năm liên tục (2016 - 2018) đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; năm học 2012 - 2013, 2017 - 2018, cô được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen; năm 2017 được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp nhân đạo. Nhiều năm liền cô đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Cô giáo đảm đang

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk (hệ 12+2 trung cấp tiểu học) năm 1995, cô giáo Nguyễn Thị Hường về công tác tại Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (xã Krông Á) cho đến nay.

23 năm đứng trên bục giảng là chừng ấy thời gian cô Hường phấn đấu, tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học. Mỗi tiết giảng do cô đứng lớp đều tạo cho học sinh sự say mê, hào hứng. Trong quá trình giảng bài, cô Hường thường xuyên áp dụng nhiều cách học mới giúp học sinh hiểu bài nhanh hơn; cô còn tự làm đồ dùng dạy học để sử dụng trong các bài giảng của mình. Ngoài thời gian trực tiếp giảng dạy trên lớp, cô Hường còn trò chuyện, tâm sự với các em học sinh, khuyên bảo các em trở thành “con ngoan, trò giỏi”. Từ những nỗ lực trong công tác chuyên môn, trong suốt quá trình công tác cô Hường luôn đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt giải các cấp.

Cô Nguyễn Thị Hường trong gia trại chăn nuôi heo của gia đình.
Cô Nguyễn Thị Hường trong gia trại chăn nuôi heo của gia đình.

Ngoài công việc giảng dạy ở trường, ở nhà cô Hường là người vợ đảm, mẹ hiền, đặc biệt cô cũng là điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Gia đình có hơn 6 ha đất đồi cằn cỗi, cô đã mạnh dạn đầu tư vốn trồng rừng và thuê máy múc cải tạo, san phẳng một phần diện tích xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng. Ban đầu chưa có nhiều vốn, cô tập trung chăn nuôi lợn, thả cá giống quy mô nhỏ “lấy ngắn nuôi dài”. Năm 2015, sau khi bán 5 ha rừng trồng và vay mượn thêm, cô mạnh dạn đầu tư hơn 250 triệu đồng mở rộng chuồng trại chăn nuôi heo nái kết hợp nuôi heo thương phẩm, xây dựng hệ thống biogas, lắp đặt hệ thống máng ăn tự động và trồng hơn 1 ha cây ăn quả. Đến nay, mô hình kinh tế của gia đình cô giáo Hường cho thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng mỗi năm.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.