Multimedia Đọc Báo in

Phòng chống bạo lực học đường: Trách nhiệm không của riêng ai

09:03, 27/05/2019
Trong những năm qua, công tác xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ) luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện.
 
Với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo được ban hành khá đầy đủ, chặt chẽ, kịp thời đã tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục trong toàn quốc bảo đảm tốt an ninh, an toàn trường học cũng như môi trường giáo dục an toàn… Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng BLHĐ hiện đang là đề tài “nóng” trên các phương tiện truyền thông.

Điển hình như mới đây, đầu tháng 4-2019, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một đoạn clip dài gần 1 phút quay lại cảnh hai học sinh dùng mũ bảo hiểm đánh tới tấp một nữ sinh khác. Qua xác minh thì địa điểm nhóm học sinh này đánh nhau xảy ra tại đường vành đai phía sau hồ Tân An (tổ dân phố 9, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc), ba người trong clip là học sinh của các trường THPT trên địa bàn huyện.

Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Cẩm Phong (thôn Noh Prông, xã Hòa Phong.
Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Cẩm Phong (thôn Noh Prông, xã Hòa Phong.

Trước đó, vào tháng 10-2018, tại huyện Krông Bông cũng xảy ra tình trạng tương tự khi hai nhóm nữ sinh đang theo học tại các trường THPT trên huyện vì có mâu thuẫn với nhau nên hẹn nhau ra khu vực hoa viên huyện Krông Bông để giải quyết. Khi hai bên xảy ra cự cãi và ẩu đả thì em M.L. (là cờ đỏ của một trường THPT) biết sự việc tới can ngăn. Trong lúc xô xát, nữ sinh tên T. đã dùng dao đâm em L. bị thương phải nhập viện cấp cứu.

 

Phòng, chống BLHĐ là trách nhiệm của không chỉ các bộ, ngành, địa phương, ban giám hiệu nhà trường… mà là trách nhiệm của từng thầy cô giáo, từng cán bộ, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và toàn xã hội. Nếu xem nhẹ bất cứ khâu nào trong mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội thì hiệu quả công tác phòng, chống BLHĐ sẽ không cao.”

 

 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

Nghiêm trọng hơn là sự việc diễn ra vào tháng 1-2019 ở huyện Krông Pắc đã để lại những hậu quả hết sức đau lòng. Do có mâu thuẫn với nhau, nên hai nhóm học sinh hẹn nhau ra khu vực xưởng chế biến cà phê ở thôn Tân Thành, xã Ea Yông (huyện Krông Pắc) để giải hòa. Quá trình hòa giải không thành, hai nhóm xảy ra hỗn chiến khiến một người tử vong, một em bị thương nặng.

Cũng như các địa phương khác trong cả nước, thời gian qua ngành GD-ĐT Đắk Lắk đã quan tâm chỉ đạo bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, toàn diện cho học sinh.

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, đây là nội dung quan trọng mà ngành GD-ĐT tỉnh yêu cầu các trường phải thường xuyên thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Hằng năm, 100% đơn vị trường học trong tỉnh (1.040 trường) đều được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và luôn thực hiện nghiêm túc công tác bảo đảm an ninh trật tự trường học; 100 các cơ sở Đoàn trường học tổ chức ký cam kết giữa học sinh, phụ huynh và nhà trường về việc không vi phạm các tệ nạn xã hội, an ninh trật tự trường học.

Bên cạnh đó Sở GD-ĐT cũng phối hợp tổ chức cấp phát hàng trăm cuốn tài liệu về phòng, chống BLHĐ, phòng chống ma túy, khoảng 35.000 sổ tay tuyên truyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cho các trường học trên địa bàn… Theo ông Khoa, các trường đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng BLHĐ, tuy nhiên bạo lực ở ngoài nhà trường vẫn còn xảy ra, gây dư luận không tốt trong xã hội và ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục.

Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao góp phần quan trọng trong việc phòng chống bạo lực học đường. (Trong ảnh: Một tiết mục văn nghệ tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 14, năm 2018).
Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao góp phần quan trọng trong việc phòng chống bạo lực học đường. (Trong ảnh: Một tiết mục văn nghệ tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 14, năm 2018).

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã ban hành Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT ngày 12-4-2019 về việc tăng cường giải pháp phòng, chống BLHĐ trong cơ sở giáo dục. Chỉ thị nêu rõ: Tại các cơ sở giáo dục, thủ trưởng là người chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trong cơ sở giáo dục; cần lựa chọn, bồi dưỡng và cử giáo viên có kinh nghiệm, năng lực và trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm để thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục học sinh; quan tâm các em học sinh cá biệt, học sinh yếu thế để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, bảo vệ phù hợp... Bên cạnh đó, cần thiết lập các kênh thông tin về BLHĐ của cơ sở giáo dục (hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát,…) để chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về BLHĐ; phối hợp với công an, các lực lượng chức năng để khẩn trương điều tra, xác minh các vụ BLHĐ, vi phạm pháp luật xảy ra ở cả trong và ngoài nhà trường; xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với học sinh có hành vi BLHĐ theo quy định...

Bảo Chi

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.