Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh
UBND tỉnh vừa có Quyết định số 877/QĐ-UBND ban hành Đề án sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi là Đề án).
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, học sinh
Theo Đề án, giai đoạn 2018 - 2030 toàn tỉnh sáp nhập 115 trường học (13 trường mầm non, 95 trường tiểu học, 7 trường trung học cơ sở); xóa bỏ 223 điểm trường (146 điểm trường mầm non, 76 điểm trường tiểu học và 1 điểm trường trung học cơ sở). Cụ thể: đến năm 2021 sáp nhập 61 trường, xóa bỏ 184 điểm trường; đến năm 2025 sáp nhập 42 trường, xóa bỏ 33 điểm trường và đến năm 2030 sáp nhập 12 trường, xóa bỏ 6 điểm trường. Sau khi thực hiện Đề án, đến năm 2021, toàn tỉnh còn 906 trường học các cấp và 1.210 điểm trường (giảm 42 trường, 25 điểm trường so với năm 2015); đến năm 2025 còn 864 trường, 1.180 điểm trường và đến năm 2030 chỉ còn 852 trường, 1.177 điểm trường.
Giáo viên Trường Tiểu học Đinh Núp (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) hướng dẫn học sinh viết chữ. |
Việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo tính kế thừa và phát triển bền vững; giữ vững tính ổn định về mạng lưới trường lớp, chất lượng GD-ĐT và bảo đảm nhu cầu học tập của người dân, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi vùng, phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, khắc phục tình trạng trường lớp có quy mô nhỏ và chất lượng giáo dục chưa cao, từ đó tạo điều kiện tập trung đầu tư nguồn lực kể cả về đội ngũ lãnh đạo quản lý, giáo viên, nhân viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục.
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT
|
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định: “Chỉ sáp nhập các trường có quy mô nhỏ ở cùng địa bàn cấp xã; các trường tiểu học có quy mô dưới 10 lớp, xem xét ghép với trường THCS trên cùng địa bàn xã; các xã có 2 - 3 trường tiểu học, xem xét sáp nhập thành một trường nhưng đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Việc sáp nhập để hình thành các trường có nhiều cấp học phải phân khu vực riêng biệt cho từng cấp học nhằm đảm bảo tính đặc thù (về thời lượng tiết học, hình thức tổ chức dạy học…) tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của mỗi cấp học. Không sáp nhập các cơ sở giáo dục mầm non với các cơ sở giáo dục phổ thông. Đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy định, đồng thời có giải pháp phù hợp, thuận lợi, an toàn cho việc đi lại của học sinh khi đến trường, không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học do phải đi lại quá xa”.
Cần có sự đồng thuận cao
Đề án này được thực hiện đối với 15 huyện, thị xã, thành phố từ bậc học mầm non đến phổ thông, bắt đầu thực hiện từ năm học 2018 - 2019 đến năm học 2029 - 2030. Bên cạnh thuận lợi, công tác sáp nhập, sắp xếp mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn nhất định, trước hết là chỉ tiêu về đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập phấn đấu giảm theo từng giai đoạn (đến năm 2021, 2025 và 2030) không đạt theo yêu cầu của Kế hoạch được ban hành theo Quyết định số 756/QĐ-UBND, ngày 12-4-2018 của UBND tỉnh. Thứ hai là việc sắp xếp, bố trí đội ngũ lãnh đạo quản lý, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục được sáp nhập, xóa bỏ. Theo lộ trình thực hiện Đề án, đến năm 2021 giảm 2.664 lãnh đạo, giáo viên, nhân viên so với năm 2015, đến năm 2025 giảm 239 người so với năm 2021 và đến năm 2030 tăng 149 người so với năm 2025. Thứ ba, việc sáp nhập các trường sẽ giúp giảm bớt được số lượng trường nhưng lại làm tăng thêm điểm trường tại một số huyện do không thể xóa bỏ mà chỉ chuyển từ trường chính thành điểm trường lẻ.
Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Đinh Núp, xã Ea Yiêng (huyện Krông Pắc). |
Để thực hiện thành công việc sáp nhập, xóa bỏ các điểm trường trên phạm vi toàn tỉnh theo từng giai đoạn, tất yếu từng địa phương đã có các nhóm giải pháp, tuy nhiên khó tránh khỏi khó khăn. Bên cạnh các nhóm giải pháp về quản lý, về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ; về xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực hợp pháp, theo ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT, mấu chốt là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận cao. Về phía Sở GD-ĐT sẽ tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ lãnh đạo quản lý, giáo viên, nhân viên và nhân dân về sự cần thiết thực hiện Đề án để nâng cao chất lượng giáo dục; chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng văn bản hướng dẫn việc sắp xếp, bố trí lãnh đạo quản lý, giáo viên, nhân viên dôi dư; đồng thời phối hợp với Sở Tài chính tham mưu chính sách đối với lãnh đạo quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh để triển khai thực hiện Đề án.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc