Multimedia Đọc Báo in

Trường mầm non tư thục: Góp phần giảm tải cho trường công tại thị trấn Buôn Trấp

08:49, 21/05/2019

Hiện nay, nhiều trường mầm non công lập tại khu vực thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) đang trong tình trạng quá tải. Do đó, việc hình thành các trường mầm non tư thục ở địa phương đã và đang góp phần giảm tải cho trường công trên địa bàn và khu vực lân cận.

Hiện trên địa bàn thị trấn Buôn Trấp và vùng lân cận, nhu cầu gửi trẻ của các bậc phụ huynh ngày càng nhiều, nhưng trường mầm non công lập không đủ chỗ để nhận trẻ. Cầu lớn hơn cung nên trong những năm qua, đặc biệt trong 2 năm gần đây, tại địa phương có khá nhiều trường mầm non tư thục hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con em của các gia đình. Các trường này có quy mô lớn, được đầu tư, sửa chữa, cải tạo, xây mới phòng học, khu vực bếp, khu vệ sinh đúng quy cách, an toàn và thuận tiện cho việc sử dụng trong công tác chăm sóc cũng như tổ chức các hoạt động cho trẻ.

Đơn cử như Trường Mầm non tư thục Âu Lạc tọa lạc tại khu Đông Nam thị trấn Buôn Trấp đi vào hoạt động từ tháng 7–2018, quy mô hơn 6.000 m2, trong đó diện tích xây dựng hơn 1.800 m2 gồm khu nhà hành chính, khối phòng học, khu phục vụ học tập, sân chơi, bể bơi… tổng kinh phí 30 tỷ đồng. Trường có 18 phòng học, năm học 2018 – 2019 có 200 em (từ 12 tháng đến 5 tuổi) theo học tại đây.

Bà Trần Thị Kim Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Âu Lạc cho biết, việc gửi trẻ trước đây chủ yếu chỉ yêu cầu có nơi để trẻ học và ăn uống. Hiện nay, ngoài nhu cầu đó, nhiều phụ huynh còn mong muốn gửi gắm con em mình ở những cơ sở có điều kiện về cơ sở vật chất như khu vui chơi, khu dạy năng khiếu… Từ thực tế đó, ngoài các hạng mục thiết yếu như phòng học, sân chơi, trường còn chú trọng thiết kế khu vui chơi phù hợp với độ tuổi, các đồ dùng được bố trí, sắp xếp hợp lý, bảo đảm trẻ chơi an toàn.

Giờ học của trẻ tại Trường Mầm non Đông Nam.
Giờ học của trẻ tại Trường Mầm non Đông Nam.

Tương tự, Trường Mầm non Đông Nam (tổ dân phố 3) được xây dựng trên quy mô hơn 1.000 m2, kinh phí 7,5 tỷ đồng. Hiện nay trường có 10 lớp, với 200 trẻ theo học, thực tế khả năng có thể đáp ứng cho 250 em. Từ năm 2017 đến nay, trường là địa chỉ tin cậy để phụ huynh gửi gắm con em.

Chị Nguyễn Thị Mai Trang (xã Ea Bông) cho hay, ngay từ khi trường đi vào hoạt động chị đã đăng ký cho con gái học tại đây. Đến nay, sau 2 năm theo học (từ lớp mầm đến lớp chồi) con chị không những phát triển tốt về chiều cao, cân nặng mà bé còn tự tin hơn trong các hoạt động như hát, múa. Mỗi ngày đón con về đều thấy con vui cười nên chị cảm thấy rất yên tâm. Dù khoảng cách từ nhà chị đến trường khá xa nhưng đổi lại có một môi trường học tốt nên chị sẽ cho con theo học tại trường đến lúc lên lớp 1.

Bên cạnh các trường mầm non tư thục, thị trấn Buôn Trấp còn có khoảng 10 hộ mở các nhóm trẻ tư thục, nhận giữ trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi. Tuy nhiên, những nhóm trẻ này hầu hết không bảo đảm về điều kiện vật chất, bằng cấp của người đứng lớp. UBND thị trấn Buôn Trấp cho biết, qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở chỉ là nhóm trẻ tự phát, khu vực chơi, học tập chủ yếu đều được tận dụng không gian phòng khách của gia đình chật hẹp, không bảo đảm an toàn… Thêm vào đó, những người trực tiếp nuôi dạy trẻ đều không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ.

Theo quy định, những nhóm trẻ này chỉ được nhận tối đa là 7 trẻ, nhưng qua kiểm tra thực tế hầu hết đều vượt quá số lượng cho phép. Để khắc phục tình trạng này, năm 2018, UBND thị trấn Buôn Trấp đã phối hợp với đơn vị liên quan mở lớp tập huấn cho các hộ, cấp giấy chứng nhận sơ cấp, đồng thời đề nghị chủ nhóm trẻ cam kết thực hiện những quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho trẻ. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi việc đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất đối với nhóm trẻ tự phát rất khó thực hiện.

Khu vui chơi của trẻ tại Trường Mầm non tư thục Âu Lạc.
Khu vui chơi của trẻ tại Trường Mầm non tư thục Âu Lạc.

Ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch UBND thị trấn Buôn Trấp cho biết, theo thống kê, thị trấn hiện có khoảng 1.532 trẻ từ 0 đến 5 tuổi. Trong khi đó, trên địa bàn chỉ có 3 trường mầm non công lập, gồm các trường: Mẫu giáo Hoa Cúc, Mẫu giáo Hoa Phượng và Mầm non Krông Ana, với 33 lớp học, đáp ứng cho hơn 900 trẻ (chủ yếu từ 3 đến 5 tuổi). Do đó, việc hình thành các trường mầm non ngoài công lập đã và đang góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của phụ huynh về một môi trường học tập, bảo đảm "chơi mà học, học mà chơi", với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phương pháp giáo dục kỹ năng…

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.