Multimedia Đọc Báo in

Cùng con vượt "vũ môn"

08:37, 27/06/2019

Khi con vào phòng thi, ở bên ngoài mặc dù thời tiết nắng nóng, nhưng rất nhiều bậc phụ huynh vẫn “đội nắng” ngồi lề đường hoặc vỉa hè đợi con, trong lòng cũng như “lửa đốt”…

Hội đồng thi huyện Krông Năng có 1.314 thí sinh tham gia thi tại 2 điểm là Trường THPT Nguyễn Huệ (xã Ea Toh) 522 thí sinh và Trường THPT Phan Bội Châu (thị trấn Krông Năng) có 792 thí sinh. Chị Lã Thị Thanh (thôn Tam Đa, xã Ea Tam) có cô con gái đầu là Nông Thị Huệ (học sinh lớp 12A2 Trường THPT Tôn Đức Thắng - xã Tam Giang) dự thi tại điểm Trường THPT Phan Bội Châu. Nhà cách trường hơn 15 km nên ngay từ sáng sớm hai mẹ con đã thức dậy để đến cho kịp giờ thi.

Chị Thanh chia sẻ, con gái chị bảo đưa đến điểm thi sớm để có thời gian làm quen với không khí, đồng thời giảm bớt áp lực trước khi vào phòng thi hoặc lỡ có quên gì thì về lấy còn kịp giờ thi. Trước khi con vào phòng thi, chị có dặn dò, động viên con cố gắng làm bài hết khả năng của mình, đừng áp lực quá mà dẫn đến kết quả không tốt.

Các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (thị trấn Krông Năng). Ảnh: T.Hùng
Các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (thị trấn Krông Năng). Ảnh: T.Hùng

Tương tự, anh Hồ Ngọc Mạnh (thôn Xuân Thành, xã Phú Xuân) cũng thức dậy từ tờ mờ sáng để đưa con gái Hồ Thị Mai Thi (học sinh lớp 12A4 Trường THPT Lý Tự Trọng - xã Phú Xuân) đến điểm thi Trường THPT Nguyễn Huệ để dự thi. Anh Mạnh cho biết, nhà cách điểm thi trên 25 km nên hai bố con phải dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị đồ đạc và đi cho sớm vì sợ trễ giờ. Đến điểm thi hai bố con mới kịp ăn sáng. Đêm trước khi thi, cả gia đình gần như thức trắng đêm, con trằn trọc lo lắng, bố mẹ cũng không thể chợp được mắt. Dù con gái là học sinh tiên tiến những năm THPT nhưng anh vẫn không an tâm và dặn dò con đọc kỹ đề, làm bài cẩn thận.

Vì lo cho cô con gái đầu là Bùi Thị Hạnh Huyên (học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ) nên gương mặt chị Trần Thị Thanh Tuyền (SN 1974, trú tại xã Dliê Ya) lộ vẻ mệt mỏi, căng thẳng. Chị Tuyền tâm sự: “Gia đình có 3 người con, Huyên là con gái đầu và đây là lần đầu tiên dẫn con đi thi. Trước lúc bước vào phòng thi, con có dặn mẹ về nhà nghỉ ngơi, khi nào con thi xong lại đến đón, nhưng tôi chỉ gật đầu cho con yên lòng chứ về nhà đợi cũng giống như đứng ngồi trên đống lửa”.

Tại điểm thi ở Trường THPT Hồng Đức (TP. Buôn Ma Thuột), một nhóm các bà mẹ đang ngồi ở bồn cây ven đường phía bên kia cổng trường bỗng “hóa lạ thành quen”. Họ rôm rả chuyện trò những câu chuyện về mùa thi. Chị Lê Thị Yến (50 tuổi, ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Ngày thi đầu tiên của con, tôi dậy từ 4 giờ sáng để nấu xôi gà, trước để con ăn lấy sức làm bài. Cháu học vất vả và căng thẳng lắm. Nhìn con vậy, tôi chỉ biết động viên con, rằng ba mẹ sẽ luôn đồng hành cùng con”.

Còn chị Hồ Thị Huyền (43 tuổi, ở xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) lại lo lắng: “Sức học của cháu một năm nay giảm hẳn. Con có nguyện vọng thi vào Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Hôm qua con làm bài môn Ngữ văn và Toán chỉ nói “tàm tạm” mà tôi sốt ruột. Nhưng cũng không dám hỏi nhiều vì sợ con áp lực”. Hầu hết các bậc phụ huynh đưa con em đi thi đều phải thu xếp công việc, gác lại chuyện nương rẫy ở nhà. Ông Y Pánh Niê (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) cho hay: “Nhà tôi có 2 ha cà phê không có ai trông coi nhưng tôi cũng không mấy lo lắng vì trời thỉnh thoảng có mưa nên không lo tưới tiêu. Giờ chỉ mong con làm bài tốt”.

Phụ huynh đợi con tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (thị trấn Krông Năng).  Ảnh: T.Hùng.
Phụ huynh đợi con tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (thị trấn Krông Năng). Ảnh: T.Hùng

Tại điểm thi ở Trường THCS & THPT Đông Du (TP. Buôn Ma Thuột), ngồi trầm ngâm một mình ở quán cà phê, chị Đoàn Thị Vân Anh (38 tuổi, ở thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông) tâm sự, con trai học ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột). Trước ngày thi của con, chị chạy xe máy từ nhà đến đây 3 tiếng đồng hồ để có thể đưa đón con đi thi, lo bữa ăn giấc ngủ cho con. Sáng nay, vì con nôn nao không ngủ được, hai mẹ con lại cùng nhau “ôn bài” ở quán cà phê từ lúc 5 giờ sáng. “Dù mệt nhưng lo được cho con là tôi thấy vui” chị Vân Anh bày tỏ.

Còn ở điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột), khi chỉ còn một tiếng nữa là kết thúc buổi thi sáng của ngày thi thứ 2, rất đông phụ huynh tập trung trước cổng trường để chờ con. Một hiệu lệnh trống vang lên, kết thúc môn thi thứ 2, các bậc phụ huynh nháo nhác tìm con phía trong trường thi. Ông Nguyễn Tấn Khánh (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) nói: “Chưa thi hết đâu, vẫn còn môn Sinh nữa. Tụi nhỏ còn ở trong phòng thi kìa”. Chở con đi thi 2 buổi nay, ông Khánh nắm rõ hết các hiệu lệnh trống. Hễ vang lên hồi ngắn hay dài, mấy tiếng trống là ông sẽ đoán ngay được những hoạt động chính của buổi thi.

Mặc trời nắng gắt, các bậc phụ huynh vẫn cố gắng chịu đựng, mắt luôn hướng về các phòng thi, rồi hồi hộp liếc nhìn chiếc đồng hồ, đợi tiếng trống báo hiệu hết giờ làm bài để gặp con hỏi han, động viên tinh thần. Trong lúc ngồi chờ con, nhiều bậc phụ huynh còn tranh thủ đọc báo hoặc ngồi tại các quán nước nói chuyện với nhau nhưng đều có chung tâm trạng lo lắng, hồi hộp. Khi cổng trường mở ra, những khuôn mặt mệt mỏi của các bậc phụ huynh vì chờ đợi bỗng vui vẻ rạng rỡ. Các bậc cha mẹ tiến lên trước cổng trường tìm con trong dòng thí sinh đang ùa ra. Họ cầm theo chai nước, hộp bánh để vừa gặp con lại rối rít trao ngay. Sự động viên giản dị mà thân thương này chắc hẳn giúp các thí sinh vững tâm hơn trên hành trình vượt vũ môn khó khăn này…

Thế Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.