Multimedia Đọc Báo in

Để phát huy hiệu quả ý thức xây dựng bài của học sinh

08:11, 15/06/2019

Để có một tiết dạy học thành công và hiệu quả, bên cạnh vai trò “cầm trịch” của người thầy thì sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, trong đó việc làm sao khuyến khích học sinh bày tỏ quan điểm, trao đổi ý kiến, hay giơ tay phát biểu xây dựng bài là một yếu tố đóng vai trò quan trọng.

Đổi mới phương pháp dạy và học hiện nay chính là nhằm phát huy các năng lực học tập chung của người học, trong đó có việc giúp các em có thể tự tin trình bày ý kiến, mạnh dạn trao đổi những trăn trở hay thắc mắc của mình về kiến thức hoặc nội dung… của bài học trên lớp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà vai trò của người học chưa được chú ý. Trên lớp, giáo viên còn giảng dạy theo lối “độc thoại”, “độc diễn” hay “chiếu – chép” hoặc chỉ tập trung giảng bài theo giáo án có sẵn của mình. Vô tình, người dạy đã bỏ quên những suy nghĩ, tư duy của học sinh đối với bài học đó.

Bên cạnh đó, một số giáo viên mang tâm lý sợ “cháy” giáo án nên không dám đặt câu hỏi cho học sinh, hoặc có giáo viên thiếu kỹ năng và phương pháp đặt câu hỏi vì thế đã đưa ra những câu hỏi quá khó khiến cho các em không thể trả lời hoặc đặt câu hỏi quá dễ khiến cho các em mang tâm lý không muốn trả lời. Tất cả những điều trên đã triệt tiêu tính tò mò, sáng tạo của học sinh, vô hình trung tạo thói quen ỷ lại, thiếu chủ động, tích cực cũng như tư duy trong giờ học của học sinh.

Hiện nay, học sinh có ý thức giơ tay phát biểu ý kiến, xây dựng bài không nhiều và có thói quen đợi chờ thầy cô giảng giải rồi chép vào vở. Một số học sinh do thiếu tự tin, rụt rè nên không dám thể hiện trước đám đông. Hệ quả là, tiết học vô tình rơi vào trạng thái: giáo viên thì “độc diễn” trên bục giảng còn học sinh chỉ biết ngồi im lặng. Một số học sinh còn có suy nghĩ nếu trả lời không đúng thì sẽ bị giáo viên phê bình, còn các bạn trong lớp thì chê cười. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả cũng như sự thành công của một tiết dạy học, gây ức chế và áp lực cả cho người dạy và người học.

Để phát huy vai trò và hiệu quả việc phát biểu xây dựng bài của học sinh, người thầy phải luôn nắm bắt thông tin, đổi mới phương pháp dạy học; tạo cho các em tâm thế tốt để học bài, rút ngắn khoảng cách giữa thầy và trò. Chẳng hạn, trước mỗi giờ dạy, giáo viên có thể tạo không khí cởi mở, gần gũi, vui vẻ cho lớp học như kể một câu chuyện vui, hài hước có tính giáo dục, kể một mẩu chuyện nhỏ về cuộc sống xung quanh hoặc tạo một tình huống gắn liền với bài học, từ đó sẽ giúp các em bớt căng thẳng, khuyến khích các em yêu thích môn học và chăm phát biểu hơn.

Học sinh tích cực, chủ động phát biểu xây dựng bài sẽ là một thành công của mỗi tiết học. (Ảnh minh họa)
Học sinh tích cực, chủ động phát biểu xây dựng bài sẽ là một thành công của mỗi tiết học. (Ảnh minh họa)

Muốn khai thác nội dung bài học và kích thích học sinh phát biểu, giáo viên cần phải xây dựng hệ thống câu hỏi và phương pháp vấn đáp mang tính tư duy, phù hợp với trình độ, tâm lý của học sinh; cần đặt câu hỏi theo hướng gợi mở, tạo ra những tình huống có vấn đề để thu hút các em tham gia. Trong mỗi tiết học, giáo viên cần phải kết hợp nội dung bài giảng với các trò chơi, đố vui; xây dựng các buổi thảo luận nhóm hay chia đội trong lớp học nhằm kích thích tính sáng tạo của các em. Bên cạnh đó, thầy cô cũng cần đưa ra các hình thức khen thưởng, cho điểm kịp thời đối với những học sinh có câu trả lời hay và đúng; đối với những học sinh trả lời chưa tốt, thầy cô cũng cần khéo léo trong việc nhắc nhở, khuyến khích các em tham gia lần sau.

Nhà trường và bộ môn cần xây dựng các câu lạc bộ môn học, tổ chức cho học sinh tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, nói chuyện chủ đề, các phong trào Đoàn - Đội để tăng cường khả năng giao tiếp, ứng xử của các em ngay từ ban đầu. Từ đó sẽ giúp các em mạnh dạn trước đám đông, chủ động bày tỏ ý kiến cũng như những suy nghĩ của mình.

Thiết nghĩ, việc phát huy hiệu quả năng lực học tập của người học, trong đó có việc giúp học sinh phát biểu, xây dựng bài trong giờ học không chỉ giúp các em từng bước chiếm lĩnh kiến thức mà còn giúp rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, giao tiếp, qua đó người dạy cũng có thể điều chỉnh phương pháp dạy học sao cho phù hợp và hiệu quả.Cao Nguyên

Cao Nguyên


Ý kiến bạn đọc