Sinh viên sư phạm được miễn học phí, cấp tiền sinh hoạt: Lo nhiều hơn mừng!
Luật Giáo dục năm 2019 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020 gồm 9 chương, 115 điều, thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009. Điểm đáng chú ý nhất trong Luật Giáo dục mới là quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm.
Theo đó, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học; sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo. Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí. Đây là quy định nhằm khắc phục những hạn chế của chính sách không phải đóng học phí của học sinh, sinh viên sư phạm quy định tại Luật Giáo dục hiện hành. Chính sách này được đề ra với hy vọng sẽ thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. Khi được miễn học phí và cấp chi phí sinh hoạt, sinh viên sư phạm sẽ đủ tài chính để yên tâm học chứ không phải lo lắng vừa học vừa làm thêm để chi trả cho khóa học.
Ảnh minh họa: Internet |
Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra lo nhiều hơn mừng với quy định mới này bởi nguy cơ sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp sẽ ôm “cục nợ” dường như đang hiện hữu trước thực tế tuyển dụng giáo viên hiện tại. Tại Hội thảo khoa học quốc gia về đào tạo giáo viên (tháng 5-2016), Bộ GD-ĐT dự tính đến năm 2020 Việt Nam sẽ thừa trên 70.000 cử nhân sư phạm. Trong khi đó cũng theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT thì năm 2019 này các trường sư phạm sẽ tuyển mới 46.285 chỉ tiêu, cao hơn năm 2018 khoảng 30,05%. Nghĩa là trong tương lai sẽ có rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường trong khi hiện tại rất nhiều địa phương trong cả nước đang phải “đau đầu” tìm cách giải quyết số lượng giáo viên hợp đồng dôi dư sao cho hợp tình hợp lý nhất.
Vì vậy, trong tương lai gần, những sinh viên sư phạm mới ra trường khó có thể xin được công việc dạy học. Vậy nếu sinh viên sư phạm sau khi ra trường không xin được công việc trong ngành giáo dục thì món nợ học phí, sinh hoạt phí của suốt 4 năm học lấy gì để trả? Nhìn thấy trước nguy cơ “mang nợ” như vậy, liệu các em học sinh giỏi có yên tâm thi vào sư phạm?
Nếu các địa phương phân công công việc cho sinh viên đã tốt nghiệp ngành sư phạm mà họ không chịu nhận công tác thì việc đòi lại kinh phí đào tạo là hoàn toàn hợp lý. Song, nếu sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc vì địa phương không có chỉ tiêu tuyển dụng thì việc bị đòi nợ có thấu tình đạt lý không? Thiết nghĩ, những điều chỉnh của Luật Giáo dục 2019 là vì mục đích tốt đẹp tuyển người giỏi cho ngành sư phạm cần phải đi kèm với những thay đổi tương ứng trong chính sách tuyển dụng giáo viên thì mới đạt mục tiêu như kỳ vọng!
Lại Thị Ngọc Hạnh
Ý kiến bạn đọc