Multimedia Đọc Báo in

Đồng bào Công giáo tích cực tham gia xã hội hóa giáo dục

08:38, 31/08/2019

Hoạt động xã hội hóa giáo dục luôn được các giáo phận, giáo xứ, dòng tu và đông đảo đồng bào Công giáo trong tỉnh đón nhận với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần chung tay cùng cộng đồng xã hội thúc đẩy sự nghiệp "trồng người" phát triển.

Được thành lập từ năm 1997, trung bình mỗi năm học, Trường chuyên biệt Vi Nhân (162 Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột) tiếp nhận khoảng 150 học sinh khuyết tật thiểu năng trí tuệ, vận động; khiếm thính, khiếm thị và nhiều loại khuyết tật khác. Năm học 2019 - 2020, trường có gần 200 học sinh chuyên biệt với 16 lớp, trong đó có 120 em ở nội trú.

Anh Đỗ Xuân Hải (ở xã Đắk Ha, tỉnh Đắk Nông), phụ huynh em Đỗ Tiến Sang (8 tuổi) bị câm điếc bẩm sinh trò chuyện: “Sau thời gian nghỉ hè, tôi đưa con trai lên nhập học để chuẩn bị khai giảng năm học mới. Năm nay cháu tiếp tục theo học lớp 1, nhưng so với hai năm học trước cháu tiến bộ hơn hẳn, biết vâng lời bố mẹ và không còn khóc nhè nữa”. Còn sr Huỳnh Thị Trinh, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Vi Nhân chia sẻ: “Dạy trẻ khuyết tật rất vất vả, phải thật sự có tâm huyết và kiên nhẫn. Một sự tiến bộ của trẻ khuyết tật dù là nhỏ nhất cũng cần được phát hiện, theo dõi kịp thời... và sự thay đổi đó không chỉ làm cho các bậc cha mẹ và ngay cả giáo viên vỡ òa vui sướng”.

Sr Agnes Huỳnh Thị Trinh, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Vi Nhân trò chuyện với các em học sinh.
Sr Agnes Huỳnh Thị Trinh, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Vi Nhân trò chuyện với các em học sinh.

Bên cạnh dạy văn hóa, Trường chuyên biệt Vi Nhân còn được Giáo xứ Thánh Tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng 3 cơ sở hướng nghiệp để dạy nghề cho học sinh khuyết tật với các nghề: may mặc, làm tranh gỗ mỹ nghệ và massege, bấm huyệt, xông hơi. Với tình yêu thương của các nữ tu, sự dạy dỗ của đội ngũ giáo viên thiện nguyện, nhiều học sinh khuyết tật của Trường chuyên biệt Vi Nhân đã trưởng thành, hòa nhập tốt với cộng đồng. Tiêu biểu có thể kể đến em Lê Hoàng Gia Hưng – một học sinh khiếm thị, sau khi tốt nghiệp ngành nhạc họa của một trường cao đẳng đã quay trở lại “mái nhà” Vi Nhân dạy đàn, thanh nhạc cho các em kém may mắn như mình.

 

Phát huy tinh thần "kính Chúa, yêu nước", sống “tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào Công giáo đã đóng góp tích cực  trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thực hiện tốt xã hội hóa giáo dục, chăm lo cho trẻ mồ côi, cơ nhỡ  được đến trường… Những đóng góp thiết thực đó đã khẳng định tinh thần “đồng hành cùng dân tộc” của người Công giáo hôm nay”.

 

Sr Đặng Thị Loan, Phụ trách Cộng đồng Phao Lô, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh

 

Lớp tình thương của Dòng Bác Ái Vinh Sơn (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) thành lập năm 1995, ban đầu chỉ có 4 học sinh là trẻ lang thang, cơ nhỡ nhưng đến nay đã có hơn 220 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 theo học, trong đó trên 85% thuộc diện nghèo, mồ côi. Cơ sở này được Tòa Giám mục hỗ trợ kinh phí xây dựng 7 phòng học để có chỗ học, chỗ vui chơi cho các em; đồng thời nhận được sự quan tâm chỉ đạo về chuyên môn từ Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột và Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm. Cơ sở có 7 giáo viên đứng lớp và một đội ngũ giáo viên thiện nguyện dạy các môn tiếng Anh, vi tính, nhạc họa…

Sr Đặng Thị Loan, Phụ trách Cộng đồng Phao Lô, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh cho biết, ngoài các cơ sở giáo dục chuyên biệt, các lớp tình thương, xóa mù chữ, bổ túc văn hóa được mở tại các giáo xứ, các dòng tu, đồng bào Công giáo và các cơ sở Công giáo ở nhiều địa phương trong tỉnh còn rất tích cực tham gia vào hoạt động phát triển giáo dục.

Tiêu biểu có thể kể đến các trường mầm non, mẫu giáo Họa Mi, Hoa Cúc, Sơn Ca và trên 12 trường mầm non do các giáo xứ, họ đạo đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng. Các cơ sở giáo dục này đang đồng hành cùng ngành Giáo dục, góp sức giảm tải cho giáo dục công lập, cùng thực hiện thành công Đề án Phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Cô và trò Trường chuyên biệt Vi Nhân.
Cô và trò Trường chuyên biệt Vi Nhân.

Ngoài ra, các giáo xứ, giáo họ còn thành lập Quỹ Khuyến học, hằng năm tổ chức khen thưởng, trao tặng học bổng, tặng hiện vật cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích cao trong học tập, thi đỗ đại học; tổ chức chương trình “Tiếp sức mùa thi” động viên tinh thần, chia sẻ khó khăn, giúp thí sinh yên tâm hoàn thành tốt kỳ thi... Với nhiều hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, cộng đồng Công giáo đã có những đóng góp tích cực, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục đào tạo của tỉnh phát triển.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.