Những giáo viên truyền cảm hứng học tập cho học sinh
Giỏi chuyên môn, tâm huyết với công việc, nhiều thầy cô giáo đã tìm tòi, sáng tạo những phương pháp giảng dạy truyền cảm hứng cho học sinh với môn học, mang lại hiệu quả cao…
Cô giáo Nguyễn Thị Tăng, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Chuyên Nguyễn Du (TP. Buôn Ma Thuột) được biết đến là người đã giảng dạy và ôn tập học sinh giỏi đạt được nhiều thành tích cao trong nhiều năm liền.
Theo cô Tăng, môn Ngữ văn là môn khoa học xã hội rất thú vị và bổ ích song nhiều học sinh chưa thiết tha và gặp khó khăn với môn học này bởi các em không nắm được cách học phù hợp. Để học sinh yêu thích môn văn, cô đã nghiên cứu, tìm tòi và ứng dụng phương pháp kích thích tính sáng tạo, tự học, tự tìm hiểu về kiến thức thông qua hệ thống các câu hỏi tư duy, câu hỏi mở để học sinh tự tìm hiểu ở các tài liệu. Vì vậy, cách giảng dạy của cô là theo lối gợi mở, thảo luận nhóm. Để học sinh hiểu nhanh nội dung bài học, cô đã vận dụng nhiều phương tiện dạy học: sử dụng giáo án điện tử với các hình ảnh sinh động, các đoạn video... và khai thác tốt hơn các tài liệu phục vụ cho môn học này.
Cô Nguyễn Thị Tăng (bìa phải) và các đồng nghiệp. |
Phương pháp giảng dạy của cô Tăng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Những giờ học của cô luôn sôi nổi, thu hút, lôi cuốn các em học sinh. Đặc biệt, nhiều học sinh do cô bồi dưỡng đã đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi. Từ năm 2015 – 2018, cô Tăng đã bồi dưỡng 6 học sinh đoạt Huy chương Vàng môn Ngữ văn tại các kỳ thi Olympic 10-3; 3 học sinh đoạt Huy chương Vàng tại các kỳ thi Olympic 30-4; 1 học sinh giỏi Quốc gia. Trong năm học 2018 – 2019, học sinh do cô bồi dưỡng đã giành được 1 giải Nhì, 3 giải Ba trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia.
Với những thành tích trong công tác, cô Nguyễn Thị Tăng đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen; được Sở GD-ĐT công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”. Với cô, phần thưởng lớn nhất là truyền được cảm hứng học Văn cho các em học sinh; giúp các em cảm nhận được các tác phẩm văn học, yêu hơn tiếng Việt của mình.
Cô Nguyễn Thị Ánh Ngọc (Trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Ea Kar), bằng sự tận tình, tâm huyết với học sinh, đã khiến các em yêu thích, quan tâm đến môn Công nghệ, không còn xem môn học này là “môn phụ”.
Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, cô Ngọc được phân công về giảng dạy tại Trường THPT Ngô Gia Tự. Công nghệ vốn là môn học liên quan trực tiếp đến cuộc sống, rất gần gũi, phục vụ nhu cầu cơ bản hằng ngày cho con người song nhiều học sinh còn thờ ơ với môn học này vì cho rằng đó là môn phụ.
Để học sinh yêu thích môn Công nghệ, cô đã vạch cho mình một kế hoạch cụ thể trong bài giảng, xác định trọng tâm bài học; tìm tòi những đồ dùng dạy học phù hợp nội dung bài giảng, giúp học sinh hệ thống vấn đề cụ thể, rõ ràng. Cô cũng xây dựng hệ thống câu hỏi và các tình huống có vấn đề hợp lý; trong suốt buổi học cô chủ yếu đặt các câu hỏi để học sinh tìm hướng giải quyết.
Cô còn thường xuyên tự tìm tòi, nghiên cứu, vận dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực đối với học sinh. Cô còn chủ động đăng ký tham gia hai khóa học “Vận dụng phương pháp dạy học” và “Sứ mệnh người thầy – giáo viên chủ nhiệm” để áp dụng hiệu quả vào việc giảng dạy.
Cô Nguyễn Thị Ánh Ngọc. |
Cô Ngọc còn có thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi Quốc gia, hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” đoạt giải Khuyến khích; tham gia cuộc thi “Thực hiện ước mơ” lần 7 năm học 2018 – 2019 được vào vòng bán kết; tham gia cuộc thi “Giao thông học đường” lần thứ IV, năm học 2018 – 2019 đoạt giải Nhất tỉnh và được tham gia vòng thi chung kết toàn quốc... Với 14 năm trong nghề dạy học, cô Ngọc đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được tặng nhiều giấy khen, bằng khen…
Đoàn Hân
Ý kiến bạn đọc