Multimedia Đọc Báo in

Những người thầy "truyền lửa" đam mê nghiên cứu khoa học

06:58, 01/09/2019

Mặc dù giảng dạy ở các bậc học khác nhau nhưng thầy Võ Văn Viên (Trường Đại học Tây Nguyên) và thầy Đào Xuân Dũng (Trường THPT Ngô Gia Tự) đều có điểm chung là đam mê nghiên cứu khoa học và luôn nhiệt tình “truyền lửa” niềm đam mê ấy đến học sinh, sinh viên của mình…

Giảng viên đam mê khoa học

“Tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, mẫu mực, có khả năng làm việc độc lập, có phương pháp nhận thức khoa học cao” là nhận xét của đồng nghiệp và sinh viên khi nhắc đến thầy Võ Văn Viên (Trường Đại học Tây Nguyên). Thầy Viên là một trong số những ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư năm 2016, khi tròn 36 tuổi.

Sau khi tốt nghiệp khoa Vật lý (Trường Đại học Vinh), từ năm 2004 thầy Viên công tác tại Trường Đại học Tây Nguyên, giảng dạy ở Bộ môn Vật lý. Sau đó, thầy lần lượt bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Luận án tiến sĩ chuyên ngành Vật lý lý thuyết và Vật lý Toán tại Viện Vật lý - Hà Nội.

Thầy Võ Văn Viên.
Thầy Võ Văn Viên.

Trong quá trình giảng dạy, thầy Viên luôn truyền niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên, học viên cao học. Thầy thường định hướng chọn đề tài nghiên cứu gần gũi với thực tiễn, các vấn đề mới được các nhà khoa học quan tâm và các vấn đề có tính khả thi, vừa sức người học. Bên cạnh đó, thầy còn khuyến khích sinh viên đọc các đề tài nghiên cứu, tạp chí khoa học bằng tiếng Anh để tìm ý tưởng; gợi ý cho các em đi sâu tìm hiểu những mảng đề tài nghiên cứu mới mà khoa học đang quan tâm để tiếp tục phát triển ở mức độ cao hơn. Điển hình như học viên Nguyễn Văn Sồi (lớp cao học K25 ngành Sư phạm Vật lý) do thầy Viên hướng dẫn đã đạt điểm tuyệt đối khi bảo vệ luận văn. Sau khi bảo vệ, Sồi tiếp tục làm việc với thầy Viên và đã có một bài báo được chấp nhận đăng trên tạp chí khoa học quốc tế ISI-Modern Physics Letters A.

Đến nay, thầy Viên đã viết 30 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí chuyên ngành, trong đó có 22 bài công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/SCOPUS. Thầy còn viết 1 giáo trình giảng dạy đại học, làm chủ nhiệm và tham gia 3 đề tài khoa học do Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia tài trợ. Bên cạnh đó, thầy đã hướng dẫn 7 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ; tham gia phản biện các bài báo khoa học, giáo trình giảng dạy, đề tài, luận án... Các đề tài, giáo trình, tài liệu này đều có ý nghĩa cao, nhiều đề tài đã được vận dụng tốt vào thực tiễn giảng dạy, hướng dẫn sinh viên và học viên cao học, góp phần cải tiến phương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy ở đơn vị. Với những thành tích trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, năm 2015 thầy Viên vinh dự được Hội Vật lý lý thuyết – Hội Vật lý Việt Nam tặng Bằng khen Giải thưởng nghiên cứu trẻ.

Giúp học sinh ứng dụng kiến thức vào thực tiễn

Là giáo viên dạy môn Sinh học, thầy Đào Xuân Dũng (giáo viên Trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Ea Kar) rất quan tâm và nhiệt tình hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, xem đó là phương pháp quan trọng giúp các em ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn.

Trong quá trình hướng dẫn học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, thầy Dũng cũng có nhiều trăn trở bởi công tác này trong trường phổ thông chưa được xem trọng như ở các trường đại học và cao đẳng mà vẫn chỉ là hoạt động mang tính phong trào, lập thành tích, chưa được lan tỏa rộng rãi; giáo viên không có đủ điều kiện thời gian, nhân lực và kinh phí cho việc thí nghiệm…

Năm học 2017 - 2018, thầy Dũng đã hướng dẫn các em Nguyễn Tấn Đạt và Trầm Duy Anh (lớp 12B8) nghiên cứu đề tài thuộc lĩnh vực Kỹ thuật môi trường: “Sản xuất phân sinh học từ rác hữu cơ bằng giun quế và men vi sinh quy mô hộ gia đình”. Đề tài đã đoạt giải Nhất cấp tỉnh, được lựa chọn tham gia thi cấp Bộ và giành giải Ba cấp quốc gia. Với kết quả này, học sinh Trầm Duy Anh đã được tuyển thẳng vào học lớp chất lượng cao do Trường Đại học Duy Tân liên kết với một trường đại học nước ngoài tổ chức, được miễn học phí toàn phần (trị giá 5 tỷ đồng). Cùng hướng nghiên cứu đề tài trên, năm học 2018 - 2019 thầy hướng dẫn tiếp 2 em học sinh Phạm Hồng Nhung và Trần Văn Tài (lớp 12C5) phát triển lên thành đề tài: “Nghiên cứu và sản xuất sản phẩm sinh học từ chất thải trong chăn nuôi gà bằng giun quế và men Biômix1 quy mô nông hộ”. Kết quả đề tài đã đoạt giải Nhì cấp tỉnh. Những đề tài hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học của thầy Dũng được Hội đồng khoa học tỉnh đánh giá cao về tính hiệu quả, ứng dụng trong thực tiễn.

Thầy Đào Xuân Dũng (bìa phải) cùng các em học sinh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học do thầy hướng dẫn.
Thầy Đào Xuân Dũng (bìa phải) cùng các em học sinh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học do thầy hướng dẫn.

Theo thầy Dũng, công tác nghiên cứu khoa học và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học ở trường phổ thông là việc làm rất quan trọng giúp các em biết cách ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất ở địa phương. Qua nghiên cứu khoa học, các em còn phát triển được các kỹ năng sống, kỹ năng làm việc theo nhóm, thu thập, phân tích, xử lý thông tin, hình thành ý tưởng, lên kế hoạch nghiên cứu...; đồng thời, giúp giáo viên và học sinh tự học, tự nâng cao trình độ và kỹ năng làm việc làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, tích cực chủ động vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề nảy sinh trong nghiên cứu như: xử lý số liệu, thống kê, phân loại...

Đoàn Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.