Multimedia Đọc Báo in

Khi tóc thầy bạc…

14:13, 25/11/2019

Tình cảm thầy trò như một sợi dây kết nối thiêng liêng, giúp thầy giáo Nguyễn Đình Định (thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) vượt qua lằn ranh sinh tử, chiến thắng bệnh tật lúc tuổi già.

Thầy Phạm Đình Định là giáo viên dạy toán của Trường THPT Ea H’leo, về hưu vào năm 2009. Với trình độ chuyên môn vững vàng, thầy được Ban Giám hiệu nhà trường phân công làm tổ trưởng Tổ Toán nhiều năm liền. Dưới sự dìu dắt của thầy, nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành, đạt được mơ ước của bản thân, nhiều học trò đang kế tục sự nghiệp trồng người, công tác tại chính ngôi trường mình từng học tập.

Thầy Phạm Đình Định và vợ vẫn thường xuyên theo dõi, liên lạc với học trò cũ qua mạng xã hội.
Thầy Phạm Đình Định và vợ vẫn thường xuyên theo dõi, liên lạc với học trò cũ qua mạng xã hội.

Suốt hơn hai mươi năm cầm phấn trắng, thầy Định luôn giữ lối sống thanh bạch, cống hiến trọn vẹn cho nghề giáo. Vì vậy, khi về hưu, tài sản lớn nhất của thầy là sự tin yêu, kính trọng của học trò. Mỗi dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, Tết Nguyên đán, ngôi nhà nhỏ của thầy lại đón tiếp nhiều học trò cũ đến tri ân và cùng ôn lại những kỷ niệm xưa.

Thông qua Báo Đắk Lắk, thầy Phạm Đình Định gửi lời cảm ơn đến Ban Giám hiệu Trường THPT Ea H’leo, Hội Cựu giáo chức thị trấn Ea Đrăng, đồng nghiệp và các thế hệ học trò từng theo học tại trường THPT Ea H’leo đã động viên, chia sẻ cùng thầy trong những lúc khó khăn.

Khi tuổi cao càng cao, sức khỏe ngày một giảm sút, thầy nhiều lần mắc bệnh nặng, phải điều trị dài ngày. Giữa tháng 8-2019, thầy bị tái phát chứng bệnh tắc động mạch ngoại biên, cấp cứu tại Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Đà Nẵng. Trong vòng 3 ngày, thầy phải trải qua 2 lần phẫu thuật, một lần mổ 4 vị trí trên cơ thể để đặt stent (ống đỡ động mạch), một lần mổ cắt cụt 2/3 chân trái để bảo toàn tính mạng. Lúc này, chị Nguyễn Thị Nguyệt Nguyên, học trò cũ từ niên khóa đầu tiên thầy Định dạy tại Trường THPT Ea H’leo, hiện đang công tác tại Đà Nẵng đã đứng ra chăm lo cho thầy và vợ thầy từ việc đi lại, chăm sóc đến thực hiện các thủ tục, viện phí trong quá trình điều trị. Chị cũng là người giữ mối liên lạc với con của thầy Định đang làm việc ở xa và các thầy cô giáo khác ở trường cũ. Biết hoàn cảnh của thầy Định rất khó khăn, thầy Lê Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Chu Trinh đã gửi lời nhắn thông qua mạng xã hội để kêu gọi học trò cùng tiếp sức cho hành trình chiến đấu với bệnh tật của thầy Định.

Từ thông điệp của thầy Sơn, bức ảnh thầy Định nằm lọt thỏm giữa giường bệnh và các thiết bị y tế được các thế hệ học trò chia sẻ. Ngay sau đó, nhiều người đã góp kinh phí thông qua tài khoản của chị Nguyệt Nguyên để giúp thầy chữa bệnh. Nhiều người đang công tác tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk cũng trực tiếp đến thăm và động viên thầy tại bệnh viện. Nhờ đó, sức khỏe thầy ngày một tốt hơn, nỗi hụt hẫng về sự thiếu vắng một phần cơ thể cũng dần vơi bớt. Sau 1 tháng rưỡi điều trị, thầy được xuất viện, chị Nguyệt Nguyên cùng chồng đưa thầy về đến tận Ea H’leo mới yên tâm trở lại Đà Nẵng công tác.

Nhớ lại những ngày nằm giữa lằn ranh sinh tử, thầy Định xúc động cho biết, sự quan tâm, động viên của học trò đã tiếp thêm nguồn sức mạnh rất lớn để thầy vượt qua bạo bệnh. Thầy mừng vì được thấy học trò đã trưởng thành, vững vàng trên nhiều vị trí công tác. Thầy vui vì sau nhiều năm xa cách, học trò vẫn luôn nhớ và dành tình cảm cho thầy như những người ruột thịt. Tình cảm ấy chính là quả ngọt lớn nhất, đáng tự hào nhất của những người theo nghề sư phạm có được trong sự nghiệp trồng người.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc