Ngành Giáo dục Đắk Lắk tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học
Thực hiện mục tiêu “Đổi mới căn bản và toàn diện” theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, 5 năm qua với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, sự đồng thuận của phụ huynh học sinh ngành GD-ĐT tỉnh đã gặt hái nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển nền giáo dục đất nước.
Nhìn lại những năm qua, mạng lưới trường, lớp học phát triển nhanh, nhất là hệ thống các trường học, cơ sở giáo dục ngoài công lập được mở rộng góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và nhân dân.
Đến đầu năm học 2019 - 2020, toàn ngành có 1.040 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông (tăng 53 trường so với năm học 2014 - 2015), trong đó có 82 trường ngoài công lập.
Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục được đầu tư theo hướng kiên cố hóa và chuẩn hóa. Tỷ lệ phòng học kiên cố ở các cấp học, bậc học đạt 64,73%; 100% thôn, buôn có trường, lớp mẫu giáo. Cuối năm 2019, toàn ngành có 46,5% trường học từ mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu năm 2020 đạt 50%.
Cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: N.Hoa |
Đội ngũ giáo viên cơ bản đủ về số lượng, cơ cấu, chất lượng ngày một nâng cao đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tính đến đầu năm học 2019 - 2020, toàn ngành có 36.204 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó có 66,95% cán bộ, giáo viên đạt trên chuẩn (tăng 9,22% so với năm học 2014 - 2015), toàn ngành có 7 tiến sĩ, 757 thạc sĩ.
Các chính sách cho nhà giáo, học sinh được quan tâm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa góp phần tạo điều kiện cho học sinh đến trường, nâng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp. Tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2016, kết quả này tiếp tục duy trì và phát triển. Đồng thời đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, phổ cập THCS mức độ 1, đạt mức độ 1 về xóa mù chữ.
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa tặng quà học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Vicrory. Ảnh: N.Hoa |
Thực hiện đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất năng lực của người học; đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”, chất lượng giáo dục đại trà ở các cấp học, bậc học duy trì ở mức ổn định và có chiều hướng phát triển, giảm dần chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng, địa phương trong tỉnh.
Số trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp đạt tỷ lệ 99,4%; tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt trên 99,8%; tỷ lệ trẻ 11 tuổi vào lớp 6 đạt 98,72%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học hằng năm học đạt trên 99,5%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm duy trì ở mức từ 84% đến 96% và đỗ vào đại học, cao đẳng ở mức trên 58%. Các trường THPT Chuyên Nguyễn Du, THPT thực hành Cao Nguyên, THCS và THPT Đông Du có tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trên 90%).
Chất lượng giáo dục mũi nhọn có bước phát triển vượt bậc. Hằng năm duy trì số học giỏi quốc gia THPT từ 23 đến 36 giải. 2 năm liền (2018, 2019), Đắk Lắk dẫn đầu khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên về thành tích chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia.
Năm học 2017 - 2018 có 31/66 học sinh đạt giải, tăng 8 giải so với năm học 2016 - 2017. Năm học 2018 - 2019, có 36 học sinh đạt giải, tăng 5 giải so với năm học 2017 - 2018; có 1 học sinh lọt vào đội tuyển Quốc gia dự thi học sinh giỏi khu vực châu Á - Thái Bình Dương môn Tin học.
Học sinh các trường phổ thông của tỉnh cũng đã giành giải cao trong các kỳ thi Olimpic 30-4 các tỉnh phía Nam, cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật quốc gia và các hội thi, cuộc thi cấp quốc gia và khu vực khác.
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa thăm học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (huyện Lắk). Ảnh: N.Đạt |
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số khó khăn, hạn chế như: nguồn kinh phí đầu tư, cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển và thực hiện đổi mới giáo dục; tỷ lệ phòng học kiên cố còn thấp; công tác phân luồng học sinh phổ thông, nhất là sau cấp THCS chưa thực sự hiệu quả; vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương, đơn vị; …
Trong thời gian tới, ngành Giáo dục Đắk Lắk tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua; phấn đấu vượt mọi khó khăn, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo hoạt động; nâng cao chất lượng GD-ĐT. Đặc biệt, tích cực chuẩn bị và triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh.
Ngày 20-12-2018, Chủ tịch nước ký Quyết định số 2404/QĐ-CTN tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho ngành GD-ĐT Đắk Lắk. Đây là phần thưởng cao quý, niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là động lực để toàn ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục khắc phục khó khăn, thực hiện thi đua “Dạy tốt, học tốt”, chuẩn bị mọi điều kiện để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, kế hoạch giai đoạn 2015 - 2020 của Đảng bộ tỉnh và Chương trình giáo dục phổ thông 2018. |
Phạm Đăng Khoa
Giám đốc Sở GD-ĐT
Ý kiến bạn đọc