Multimedia Đọc Báo in

Giáo dục học sinh từ những mô hình trải nghiệm thực tế

11:14, 01/02/2020
Những năm gần đây, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tích cực đổi mới phương pháp giáo dục bằng ứng dụng các mô hình trải nghiệm thực tế, không chỉ giúp các giờ học trở nên sinh động, lý thú hơn mà còn giáo dục hiệu quả kỹ năng sống cho học sinh…
 
Thời gian qua, mô hình trồng rau sạch ở Trường THCS Hoàng Diệu (huyện Ea Kar) đã trở nên quen thuộc với các em học sinh. Các thầy cô giáo đã cải tạo một phần góc sân trường với diện tích khoảng 30 m2 thành vườn rau thủy canh trong nhà kính.
 
Hằng ngày, các em học sinh thay phiên nhau tưới nước, chăm sóc rau. “Góc trải nghiệm nông nghiệp” sáng tạo khiến các thầy cô và học sinh làm việc rất hào hứng. Nhờ sự nhiệt tình, siêng năng, trách nhiệm của các em, vườn rau của trường phát triển xanh tốt, với các loại rau như: rau muống, cải bẹ xanh, xà lách…;  các em có thêm nguồn rau sạch trong bữa ăn, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng. Vườn rau còn góp phần xây dựng trường học “xanh - sạch - đẹp”, an toàn, thân thiện, từ đó giúp học sinh thêm gắn bó, yêu thương trường lớp. Góc trải nghiệm còn có ý nghĩa phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của mỗi đội viên trong từng lớp học.
 
Thầy Đậu Xuân Hải, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Hoàng Diệu, người phụ trách trồng rau và hướng dẫn học sinh kỹ thuật chăm sóc rau chia sẻ: “Mô hình trồng rau thủy canh là mô hình giáo dục thiết thực, hiệu quả và gần gũi, giúp các em học sinh được trải nghiệm thực tế và trau dồi kiến thức đã học.
 
Việc chăm sóc rau hằng ngày giúp các em học sinh có ý thức yêu lao động, biết trân trọng những thành quả do mình làm ra, học đi đôi với hành. Việc làm này tuy nhỏ nhưng thông qua đó đã tạo cho các em tâm lý vui vẻ thoải mái sau mỗi ngày học cũng như thấy được lợi ích từ thành quả của các em làm ra, tạo điều kiện thuận lợi để các em có cơ hội trải nghiệm thực tế, có ý thức bảo vệ môi trường”.
 
Học sinh Trường THPT Thực hành Cao Nguyên trải nghiệm sáng tạo pin.
Học sinh Trường THPT Thực hành Cao Nguyên trải nghiệm sáng tạo pin.
Trước đây, việc giảng dạy theo kiểu “thầy cô giảng, học sinh lắng nghe và ghi chép” khiến nhiều học sinh Trường THPT Thực hành Cao Nguyên (thuộc Trường Đại học Tây Nguyên) cảm thấy các giờ học “khô khan”, không hấp dẫn. Từ khi nhà trường áp dục phương pháp giáo dục STEM (tên viết tắt tiếng Anh của 4 từ: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) - phương pháp giảng dạy nhằm trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng theo cách tiếp cận liên môn – khiến các em hào hứng hơn hẳn. Đây là mô hình giáo dục giúp học sinh tiếp cận với phương pháp học mới có tính ứng dụng cao và gắn với thực tiễn.
 
Em Nguyễn Đặng Quang Tuấn lớp 12A2 (chuyên Lý) cho biết: “Em thấy kiến thức Vật lý rất hữu ích. Chẳng hạn, em có thể sử dụng ống nhựa PVC cũ kết hợp với tròng kính viễn cùng băng keo hai mặt, vỏ lon bia để chế tạo kính thiên văn”. Còn em Lê Nguyễn Diệu Anh (lớp 12A2) cho biết thêm: “Qua các buổi trải nghiệm, thầy cô tổ chức trò chơi rất sinh động, từ đó liên hệ vào bài học giúp chúng em tiếp thu kiến thức rất nhanh, chúng em khám phá các hiện tượng khoa học lý thú như: chanh có thể làm điện thắp sáng, cà chua và chuối có thể tạo thành nhạc như đàn organ, biết cách làm xà phòng, thí nghiệm làm núi lửa phun trào, thực hành cách lấy ven máu…”.
 
Đối với các môn xã hội, phương pháp giáo dục STEM cũng được áp dụng như trong môn Ngữ văn, học sinh được hóa thân vào những nhân vật trong tác phẩm văn học để ghi nhớ sâu hơn kiến thức. Trong giờ học Văn, không chỉ có kiến thức văn học mà còn cả âm nhạc, hội họa, công nghệ thông tin.
 
Cô Nguyễn Thị Danh, tổ trưởng tổ hóa - sinh (Trường THPT Thực hành Cao Nguyên) chia sẻ: “Trước đây, nhiều học sinh rất nhút nhát, không dám nói lên suy nghĩ, quan điểm của mình. Từ khi đổi mới phương pháp học, các em tích cực tham gia, hợp tác và tương tác với nhau rất tốt. Khi áp dụng phương pháp giáo dục STEM, học sinh được đặt trước những tình huống có vấn đề cần giải quyết. Muốn giải quyết tốt những tình huống đó, học sinh phải tự tìm tòi, nghiên cứu, vận dụng kiến thức liên môn. Nhờ vậy, các em cảm thấy các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học không còn trừu tượng, mà trở nên trực quan, dễ hiểu”.
 
Đoàn Dũng   
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.