Multimedia Đọc Báo in

Giúp trẻ có hứng thú đọc sách

17:34, 14/03/2020

Với sự bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, việc đọc sách của trẻ bị hạn chế bởi trẻ có nhu cầu tìm đến các phương tiện giải trí thay thế như: Điện thoại, ipad, ti vi, các trang mạng xã hội… Làm thế nào để trẻ có niềm đam mê đọc sách và dành thời gian đọc sách là vấn đề mà nhiều bậc cha mẹ quan tâm.

Để giúp trẻ yêu thích và có nhu cầu đọc sách, trước hết cần tạo sự hứng khởi và tò mò cho trẻ khi tiếp cận với sách. Muốn làm điều này, cha mẹ có thể bố trí trong không gian sinh hoạt hoặc khu vực đồ chơi của trẻ một số quyển sách nhằm kích thích trí tò mò của trẻ. Hoặc cha mẹ có thể đặt riêng một tủ sách nhỏ trong phòng ngủ của trẻ để trẻ làm quen với sách.

Bên cạnh đó, cha mẹ có thể kết hợp việc cho trẻ chơi đồ chơi với xem đồ chơi, đồ vật có trong sách. Việc làm này đòi hỏi cha mẹ phải khéo léo và kiên trì, lâu dần theo thói quen, trẻ sẽ thích tìm hiểu về những thứ có trong sách hơn là chơi đồ chơi. Cha mẹ có thể kết hợp với việc mang sách ra chỉ và mô tả cho trẻ những thứ mà chúng ưa nhìn và thích thú hằng ngày. Để tập trung sự chú ý của trẻ vào sách, cha mẹ có thể khen hoặc giới thiệu những điều lý thú có trong sách như: “Ôi! cuốn sách này đẹp quá!”, “Màu cuốn sách đẹp chưa kìa!”, “Trong cuốn sách này có những gì nào?”...

Các em nhỏ  đọc sách trong Nhà sách Fahasa Buôn Ma Thuột.
Các em nhỏ đọc sách trong Nhà sách Fahasa Buôn Ma Thuột. Ảnh: Lan Anh

Cha mẹ cũng cần chú ý đến sở thích, nhu cầu của trẻ để lựa chọn sách sao cho phù hợp. Theo các nhà tâm lý giáo dục, tư duy của trẻ em mầm non là trực quan - hình ảnh; tư duy của trẻ cấp tiểu học là trực quan - cụ thể. Dù thế, đa số trẻ ở độ tuổi này đều ưa thích những cuốn sách sinh động, nhiều màu sắc và hình ảnh hoặc những câu chuyện gần gũi, sống động, dễ hiểu. Vì vậy, ban đầu cha mẹ có thể chọn những quyển sách mô tả về các loại cây cối, hoa quả, đồ vật, con vật hoặc phương tiện giao thông… nhằm kích thích sự tò mò, thích thú của trẻ. Để mở rộng chủ đề sách, cha mẹ cũng có thể cho trẻ đến các hiệu sách để giới thiệu hoặc hướng dẫn cho trẻ tự lựa chọn những cuốn sách mà trẻ yêu thích.

Khi trẻ đã biết đọc, cha mẹ hãy tương tác với trẻ nhiều hơn để trẻ khám phá những nhân vật, nội dung và ý nghĩa có trong sách. Có thể đặt ra những câu hỏi đơn giản như: “Con thích đọc truyện gì nào?”, “Con yêu thích ai nhất trong câu chuyện này?”, “Theo con thì nhân vật này có điểm gì tốt?”, hoặc “Con hãy tóm tắt lại nội dung câu chuyện mà con đã đọc?", “Qua câu chuyện này con học được điều gì nhỉ?… Nhờ sự khám phá này, ngoài việc đọc, trẻ sẽ phát huy trí não, phát triển về ngôn ngữ và cách diễn đạt. Từ đó, trẻ sẽ hăng hái trình bày với bạn bè cùng mọi người về những gì chúng nghĩ hoặc đọc được. Mỗi lần trẻ trả lời đúng hoặc rút ra được ý nghĩa bài học thông qua câu chuyện, tấm gương trong sách thì cha mẹ nên động viên trẻ bằng nhiều cách như: khen trẻ thông minh và nhanh trí, tạo động lực cho trẻ bằng những phần thưởng nhỏ bé mà trẻ thích thú,…

Khi còn nhỏ, trẻ thường có thói quen bắt chước, học theo những gì xung quanh, nhất là làm theo những gì cha mẹ làm, vì thế, để giúp trẻ hứng thú với đọc sách thì cha mẹ cũng cần nêu gương. Có thể, vào buổi tối hoặc những lúc rảnh rỗi, cha mẹ nên lấy sách ra để vừa đọc vừa kể chuyện cho trẻ nghe. Bên cạnh đó, cần liên hệ với những nhân vật hoặc câu chuyện trong cuộc sống hằng ngày để trẻ hứng thú và hiểu biết. Một số cha mẹ thường hóa thân vào các nhân vật trong sách để kích thích trẻ chơi cùng hoặc đóng vai. Khi trẻ cảm thấy hứng thú với những nhân vật đó thì chúng sẽ chủ động tìm đọc và học được những điểm hay trong sách.

Có thể nói, việc đọc sách chính là một trong những phương thức giúp trẻ rèn luyện tính cách ngay từ nhỏ. Cha mẹ cần ý thức tầm quan trọng của sách, hãy hình thành nhu cầu đọc sách, thói quen đọc sách cho trẻ ngay từ nhỏ, từ đó sẽ giúp trẻ hình thành được kỹ năng tự đọc và tự học sau này.

Cao Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.