Dạy và học trực tuyến: Những khó khăn từ thực tế (Kỳ 1)
Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, dạy và học trực tuyến là lựa chọn tối ưu để bảo đảm học sinh không xao nhãng việc học, không quên kiến thức. Tuy nhiên, việc dạy và học trực tuyến ở tỉnh ta gặp không ít những bất cập, khó khăn qua thực tế triển khai.
Kỳ1: Nền tảng công nghệ thiếu đồng bộ
Sau gần 3 tháng học sinh nghỉ học và triển khai dạy - học trực tuyến (qua mạng Internet và đài truyền hình), việc dạy và học đã bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó một khó khăn đáng kể là nền tảng công nghệ thông tin thiếu đồng bộ, đó là chưa kể những trường ở vùng sâu, vùng xa chưa có kết nối Internet, wifi.
Thiếu phương tiện, điều kiện
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Giáo dục tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn đối với các cơ sở giáo dục, chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh và nhân dân trong công tác phòng dịch, đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng phương án điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp khung thời gian năm học và đảm bảo chất lượng dạy học, chủ động rà soát, tinh giản nội dung dạy học theo chỉ đạo của Bộ.
Để duy trì nền nếp và rèn luyện ý thức tự học tập, ngành đã phối hợp VNPT và Viettel Đắk Lắk trong việc cung cấp phần mềm hỗ trợ học trực tuyến miễn phí cho các trường học, hướng dẫn các cơ sở giáo dục lựa chọn, sử dụng công cụ dạy học qua Internet phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc tổ chức dạy học trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Bước đầu đã giúp học sinh được học theo chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian nghỉ học ở trường để phòng, chống dịch Covid-19; phát triển năng lực tự học của học sinh và nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình của giáo viên; tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình trong việc tổ chức, hỗ trợ học sinh trong học tập; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, việc dạy và học trực tuyến bộc lộ nhiều hạn chế liên quan đến nền tảng công nghệ.
Cô Vũ Thị Nhung (bìa phải), giáo viên Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, xã Ea M'droh (huyện Cư M'gar) đến nhà học sinh hướng dẫn phụ huynh kèm con làm bài tập. Ảnh: Lê Hương |
Thầy Võ Duy Hòa, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám, xã Cư Dliê M'nông (huyện Cư M'gar)
|
Việc học trực tuyến yêu cầu học sinh phải có máy tính hoặc điện thoại có kết nối Internet. Song thực tế, không phải học sinh nào cũng đáp ứng được điều kiện này. Cô Mai Thị Chuyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc cho biết, trong nỗ lực chung của toàn ngành củng cố kiến thức cho học sinh trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, Ban Giám hiệu nhà trường đã yêu cầu các giáo viên tận dụng mọi nền tảng công nghệ để triển khai dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện gặp khá nhiều khó khăn, nhất là trong vấn đề tiếp cận công nghệ thông tin cũng như thiếu phương tiện học tập. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, tận dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, phần mềm Zoom nhưng sĩ số lớp học chỉ đạt khoảng 60 - 70%. Với mục đích là củng cố kiến thức nên nhà trường cũng không đặt nặng vấn đề học trực tuyến, tránh tạo áp lực cho giáo viên cũng như đối với phụ huynh học sinh. Đối với những học sinh thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn (khoảng 15%) không có điều kiện trang bị máy tính nên không tiếp cận được với việc học trực tuyến thì giáo viên chỉ có cách liên lạc với phụ huynh hướng dẫn các em ôn tập.
Khó tiếp cận đối với học sinh vùng sâu, vùng xa
Tại Trường THCS Hoàng Hoa Thám (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar), mặc dù đã triển khai học trực tuyến suốt 3 tuần qua song tỷ lệ học sinh tham gia chưa tới 20%. Nhà trường đã xây dựng lịch học cụ thể, phân công 17 giáo viên phụ trách giảng dạy ở các nhóm lớp, song toàn trường chỉ mới có 98/592 học sinh có tài khoản học trực tuyến. Số học sinh có máy tính để học rất thấp, chủ yếu là mượn điện thoại của cha mẹ để sử dụng nên nhiều em không tham gia được các lớp học vào ban ngày, buộc thầy cô phải linh động bố trí giờ học vào buổi tối. Đơn cử như lớp 7A1, dù là lớp có tỷ lệ học trực tuyến đông nhất trường với 25/32 em tham gia thì mỗi buổi học vào ban ngày, số lượng học sinh tham gia điểm danh cũng chỉ đạt khoảng 60 – 70%. Thầy Trần Huỳnh Tạo, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A1 nhận xét, so với giảng dạy trực tiếp trên lớp, học sinh học trực tuyến “lười” tương tác, trả lời câu hỏi của giáo viên hơn. Tốc độ đường truyền cũng khiến cho việc tương tác giữa thầy và trò có “độ trễ” nhất định, ảnh hưởng đến thời lượng cũng như hứng thú học tập của các em.
Trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19, nhiều học sinh ở xã Đắk Phơi, huyện Lắk thường lên nương lên rẫy phụ gia đình. Ảnh: Lê Hương |
Còn ở các xã vùng sâu của huyện Krông Bông như Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao thì “học trực tuyến” gần như là thuật ngữ xa lạ đối với học sinh. Thời gian nghỉ học, các em chủ yếu tham gia lao động giúp gia đình và giải trí bằng các trò chơi vận động. Khi đề cập đến vấn đề học trực tuyến, các em đều lắc đầu không biết. Theo thầy Phan Ngọc Tuấn, giáo viên Trường THCS Cư Pui, phương pháp dạy học trực tuyến không triển khai được, bởi học sinh phần lớn là người dân tộc H’mông, M'nông, Êđê có hoàn cảnh rất khó khăn, hầu hết các gia đình không kết nối mạng Internet, cũng không có điện thoại thông minh nên không còn cách nào khác là giáo viên phải mang bài tập đến tận gia đình cho các em làm để bớt quên kiến thức.
Lê Kim Nga
Ý kiến bạn đọc