Multimedia Đọc Báo in

Giúp học sinh học tốt qua Internet, trên truyền hình

07:02, 12/04/2020

Như Báo Đắk Lắk đã phản ánh, nhằm giúp các em học sinh lớp 12 ôn tập, củng cố kiến thức đã học, dạy học bài mới trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở GD-ĐT phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng, phát sóng các chuyên đề ôn thi cho Kỳ thi THPT quốc gia, hệ thống hóa kiến thức của 3 môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh từ ngày 1-4 trên kênh DRT; đồng thời tăng cường dạy học qua Internet. 

Sau gần 10 ngày triển khai chương trình , có nhiều vấn đề đặt ra xung quanh việc dạy - học để đạt hiệu quả tốt nhất. Báo Đắk Lắk ghi nhận những ý kiến, chia sẻ của một số cán bộ quản lý, giáo viên đứng lớp về vấn đề này.

°Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Tường Hiệp

Cần sự nỗ lực của cả “4 bên”

Dạy học từ xa (qua Internet, trên truyền hình…) là giải pháp tất yếu, hữu hiệu nhất trong bối cảnh hiện nay. Hình thức dạy học từ xa này giúp các em học sinh củng cố kiến thức cũ, vận dụng thực hành qua các bài tập, dạng đề kiểm tra, đề thi và cả bài học mới với những giáo viên có trình độ, kinh nghiệm chuyên môn, nhiều kỹ năng sư phạm, thời gian học linh hoạt giúp học sinh hứng thú học tập. Không chỉ vậy, kể cả phụ huynh cũng có thể theo dõi, kèm cặp con em mình học tập trong thời gian được nghỉ học ở trường để phòng, chống dịch Covid-19.

Vì vậy, hơn lúc nào hết sự đồng hành của phụ huynh là rất quan trọng. Bên cạnh ưu điểm trên, việc dạy học trên truyền hình vẫn mang tính chất truyền thụ, phổ biến kiến thức nhiều hơn, khó kiểm soát được mức độ tiếp nhận của học sinh, do đó các thầy cô giáo sẽ hỗ trợ các em bằng cách giao bài tập tương ứng, sửa bài cho học sinh qua hình thức online sau đó…

Với phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, giáo viên bộ môn kết nối và giao nhiệm vụ học tập cho học sinh theo các bài học trước khi được phát sóng trên truyền hình; đồng thời tương tác, quản lý, giám sát, kiểm tra và đánh giá mức độ tiếp thu bài học của học sinh trong và sau quá trình học trên truyền hình.

Sở GD-ĐT đã gửi hệ thống bài tập theo các chủ đề dạy học thông qua hộp thư nội bộ OMS để các trường, giáo viên bộ môn chuyển đến học sinh chuẩn bị trước khi tham gia học tập. Đối với  những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, giáo viên có phương án gửi trực tiếp bài tập cho học sinh để các em tham gia và hoàn thành nhiệm vụ học tập.

Vì vậy, để việc học từ xa đạt hiệu quả điều quan trọng nhất là học sinh phải có sự chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng bài học, nắm bắt, ghi chép bài học đầy đủ, chi tiết, tự đặt ra các câu hỏi, tự giải đáp thắc mắc. Điều này có nghĩa là mỗi em học sinh cần tích cực, tự giác, sáng tạo trong quá trình học tập, nếu không sẽ khó tiếp thu bài giảng, bởi thời lượng giờ giảng trên sóng truyền hình giới hạn 30 phút, nội dung bài học có tính tổng quát. Cùng với đó, các em học sinh cần chủ động liên hệ giáo viên giảng dạy trực tiếp tại trường học để trao đổi những kiến thức còn thiếu hụt, giải đáp những thắc mắc, băn khoăn trong quá trình học từ xa.

°Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du

Theo dõi kỹ, đầy đủ 16 chuyên đề phát sóng trên truyền hình

 
Khi dạy trên truyền hình, chúng tôi hướng dẫn cho các em vùng kiến thức trọng tâm và bám sát theo tinh giản nội dung, cấu trúc chương trình của Bộ GD-ĐT đưa ra. Đồng thời hướng dẫn các em những kỹ năng cơ bản về làm văn, cấu trúc bài thi, những dạng bài tập gắn sát với đề thi. Đặc biệt, với xu hướng hiện nay là phát triển năng lực học sinh, đề thi thường chủ yếu ra dạng đề mở, chỉ có “đóng khung” ở phần giới hạn tác phẩm trong chương trình, do đó các em cần nắm kiến thức cơ bản, kỹ năng trọng tâm về các dạng bài và tăng cường nắm “thủ thuật” về làm bài đọc hiểu.
 
Riêng phần nghị luận xã hội phải nắm được phương pháp làm bài, yêu cầu cần của một đoạn văn nghị luận xã hội. Trên thực tế, không ít em viết rất dài, thành bài văn chứ không phải đoạn văn, do đó cần lưu ý cấu trúc viết một đoạn văn, hình thức trình bày. Nếu như các em học sinh theo dõi kỹ và đầy đủ 16 tiết học của bộ môn Ngữ văn trên truyền hình do Sở GD-ĐT phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh triển khai sẽ nắm vững các kiến thức cơ bản, bởi đây là những vùng kiến thức đã được tinh lọc, trọng tâm, xoáy vào kỹ năng vận dụng.
 
Và điều quan trọng nhất vẫn là việc tự học của các em cần phải thực hiện tốt; trong đó tập trung các kỹ năng nghe, nhìn, ghi chép (hoặc chụp lại) những vấn đề các thầy cô giáo đã lưu ý; vận dụng vào làm những bài tập tương tự mà thầy cô hướng dẫn…
 
*Trần Văn Hùng - Phó Trưởng Phòng THPT Sở GD-ĐT, giảng dạy môn Toán

Tập trung theo dõi, kiểm tra, đối chứng,khắc sâu nội dung bài học

Để nâng cao hiệu quả học tập môn Toán lớp 12 trên truyền hình, học sinh cần bám sát lịch phát sóng trên truyền hình các chuyên đề/bài học cụ thể, dưới sự hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập của thầy cô giáo bộ môn, rồi hệ thống lại kiến thức của chuyên đề/bài học đó, bao gồm: các định nghĩa, tính chất, định lý, các dạng bài tập liên quan đến chuyên đề; ghi chú những vấn đề chưa rõ, cần phải tìm hiểu thêm.

Khi học trên truyền hình phải tập trung theo dõi, kiểm tra, đối chứng, khắc sâu nội dung bài học; ghi chú những nội dung cần phải trao đổi thêm với giáo viên bộ môn ở trường về những vấn đề chưa rõ; cần thiết có thể xem lại chương trình để suy nghĩ thêm; tiếp tục làm các bài tập nâng cao mà chương trình đề xuất và giáo viên bộ môn giao.

Để học tập tốt, đặc biệt là đạt điểm cao  môn học này trong Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, các em cần tăng cường tự học sau khi đã được thầy cô giáo hướng dẫn trên truyền hình, qua Internet, rồi xây dựng kế hoạch ôn tập với các chuỗi kiến thức được sắp xếp theo chủ đề, bám sát chương trình lớp 12 và những nội dung kiến thức có tính kế thừa từ lớp 10 - 11. Việc ôn tập các chủ đề có thể hệ thống hóa qua các mô hình, sơ đồ để có tính xâu chuỗi các mạch kiến thức, giúp bao quát và dễ hình dung.

Với mỗi chủ đề, học sinh nên tự học theo hai bước. Bước 1: kiến thức cơ bản, học trong sách giáo khoa hay Internet. Bước 2: làm bài tập liên quan đến kiến thức đó theo mức độ từ dễ đến khó; làm bài tập giúp các em hiểu sâu sắc về lý thuyết, rèn luyện tốt các kỹ năng. Học chắc kiến thức cơ bản và không được chủ quan về lý thuyết. Nội dung đề thi có đến 60% dùng để xét tốt nghiệp. Bởi vậy, nắm chắc kiến thức cơ bản là các em đã có cơ hội đạt trên 6 điểm.

* Cô giáo Huỳnh Ánh Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Buôn Ma Thuột, giảng dạy môn tiếng Anh

Phân bổ thời gian học tập, làm bài khoa học

Từ năm 2015, Bộ GD-ĐT kết hợp Kỳ thi tốt nghiệp THPT và Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng thành Kỳ thi THPT quốc gia (còn gọi kỳ thi 2 trong 1). Các môn: Toán, Văn, ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) thi trắc nghiệm khách quan, duy nhất môn Ngữ văn thi tự luận. Thông thường, đề thi có 50% mức độ thấp, 50% mức độ vận dụng và vận dụng cao để chọn được những em có học lực khá, giỏi đỗ vào đại học, cao đẳng.

Đối với bài thi ngoại ngữ nói chung và bài thi tiếng Anh nói riêng, đề thi có 50 câu (0,2 điểm/câu), thời gian làm bài 60 phút. Từ năm 2017 trở lại đây, đề thi môn tiếng Anh có độ phân hóa rõ rệt. Do vậy, các em học sinh học lực trung bình, khá có thể đạt điểm 6 - 8, trong đó: mức độ nhận biết và thông hiểu chiếm 50%; còn lại 50% là mức độ vận dụng và vận dụng cao.

Đề thi gồm 8 dạng bài: Ngữ âm, tìm lỗi sai, hoàn thành câu, chức năng giao tiếp, từ đồng nghĩa – trái nghĩa, tìm câu đồng nghĩa, nối câu, hoàn thành đoạn văn - đọc hiểu. Các câu hỏi dễ "ăn điểm" chủ yếu ở các dạng bài: ngữ âm, câu giao tiếp, nối câu, tìm lỗi sai, câu đồng nghĩa. Bên cạnh đó, các câu hỏi khó sẽ nằm rải rác ở các dạng bài, nghĩa là mỗi dạng đều có thể xuất hiện câu hỏi khó. Ngoài ra, dạng bài đọc hiểu thường dùng để phân hóa học sinh thì các bài đọc hiểu các năm trở lại đây có chủ đề cũng khá quen thuộc nên các em vẫn có thể ghi điểm ở phần này.

Do đó để học tốt môn tiếng Anh trên truyền hình, qua Internet và đạt điểm cao trong Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, thứ nhất các em cần nắm vững cấu trúc của đề thi, phân bổ thời gian ôn luyện cũng như thời gian làm bài. Cụ thể: phần Ngữ âm: (Phát âm + Trọng âm): 4 câu; ngữ pháp - từ vựng: 19 câu; chức năng giao tiếp: 2 câu; kỹ năng đọc (điền từ vào bài đọc: 5 câu, đọc hiểu: 15 câu); kỹ năng viết (câu có nghĩa gần nhất với câu đã cho: 3 câu, nối 2 câu thành 1 câu: 2 câu).

 

  Nguyên Hoa - Lan Anh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.