Học sinh an toàn, an tâm khi trở lại học (Kỳ 2)
Kỳ 2: Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học
Vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, vừa bảo đảm chương trình, khung thời gian năm học (đã được điều chỉnh), nhưng vẫn bảo đảm chất lượng dạy học là áp lực không nhỏ đối với mỗi cơ sở giáo dục trong tỉnh khi các em học sinh trở lại trường.
Giúp học sinh bắt nhịp sau kỳ nghỉ dài
Tâm lý, nhịp độ học tập của các em học sinh bị ảnh hưởng sau thời gian dài được nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 là điều khó tránh khỏi; chưa kể ở trường vùng sâu, vùng xa, vùng có đông học sinh dân tộc thiểu số có một số em chưa trở lại trường do nhiều nguyên nhân. "Các nhà trường phải thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu để duy trì sĩ số, sớm ổn định công tác dạy học, đồng thời nhanh chóng giúp học sinh nhanh chóng vượt qua sự uể oải trong những ngày đầu trở lại trường", ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh.
Trường THCS Hồ Tùng Mậu (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và tặng khẩu trang cho học sinh ngay cổng trường. |
Để học sinh trở lại học đầy đủ, Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện M'Đrắk) đã tăng cường kết nối giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh, bạn bè học sinh trong mỗi lớp học nhằm kịp thời nắm bắt tâm lý, tình hình học tập trực tuyến cũng như hoàn cảnh của từng em. Nếu có học sinh nào gặp khó khăn, ngay lập tức, giáo viên chủ động liên lạc với phụ huynh trò chuyện, phân tích để phụ huynh động viên, cam kết cho con em trở lại trường đúng thời gian quy định.
Cô Võ Đặng Mỹ Hảo, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, việc tổ chức dạy học trực tuyến đối với học sinh của trường là giải pháp tình thế trong điều kiện các em không thể tới trường. Dẫu đã nỗ lực, song còn khoảng 10% học sinh không có điều kiện tiếp cận với hình thức dạy học còn khá mới này. Vì vậy, nhà trường quyết định trong tuần đầu tiên không dạy kiến thức mới mà dành toàn bộ thời gian ôn tập, củng cố kiến thức, giúp các em lấy lại tinh thần học tập. “Nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lập danh sách những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ít tương tác trong thời gian học trực tuyến để trong tuần đầu tiên đi học, trường sẽ tổ chức các lớp bổ túc kiến thức cho các em, nhất là học sinh khối lớp 12”, cô giáo Hảo thông tin thêm.
Để phòng, chống dịch bệnh, Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory bố trí mỗi lớp học 15 học sinh. Ảnh: Đức Hoàn |
Còn tại Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory, thầy Trương Văn Tỵ, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trong 3 ngày đầu đi học trở lại, nhà trường chỉ ôn tập, củng cố kiến thức, không tổ chức kiểm tra, hay ra bài tập khó khiến học sinh thấy “ngộp”. Em Đặng Ngọc Hân, học sinh lớp 12 A1 háo hức trong ngày đầu tiên trở lại học: “Chúng em vẫn ôn tập và học trực tuyến khi nghỉ học ở nhà. Nhưng đi học lại giúp em vững tin hơn khi được các thầy cô giáo củng cố kiến thức, trang bị kỹ năng làm bài để đạt kết quả cao trong 2 kỳ thi quan trọng sắp tới".
Tương tự, tại một trường vùng sâu, học sinh dân tộc thiểu số chiếm 59% tổng số học sinh như Trường THCS Ngô Quyền (xã Cư M’ta, huyện M’Đrắk) đã xây dựng kế hoạch dành từ 1-2 tiết/môn trong tuần học đầu để bổ trợ, ôn tập kiến thức cũ cho học sinh, đồng thời tổ chức khảo sát lại kiến thức của các em trước khi bước vào học.
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa kiểm tra công tác phòng, chống dịch, tổ chức dạy học tại Trường THPT Buôn Ma Thuột vào sáng 27-4. Ảnh: Hương Lý |
Trong khi đó, Trường THPT Lắk (huyện Lắk) đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục học kỳ II năm học 2019 - 2020 trên cơ sở khung thời gian năm học đã điều chỉnh và hướng dẫn tinh giản chương trình, bảo đảm kết thúc trước ngày 15-7 và bảo đảm chất lượng giáo dục. Riêng khối học sinh lớp 12, nhà trường tiến hành đánh giá kết quả học trực tuyến, kết hợp dạy chính khóa. Trên cơ sở đó, tăng thêm thời lượng học vào buổi chiều để bổ trợ kiến thức cho các em.
Giáo viên chủ động, học sinh tích cực
"Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học" đã được nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh trong tỉnh nỗ lực thực hiện trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua. Song theo đánh giá của Sở GD-ĐT, tỷ lệ học sinh tham gia học tập qua Internet, trên truyền hình - hình thức dạy học khá mới đối với bậc phổ thông - ở các trường, bậc học trong tỉnh không đồng đều. Cụ thể ở những trường thuận lợi, tỷ lệ học sinh tham gia học tập cao; đơn cử đối với khối THPT: các trường Hồng Đức, Cao Bá Quát (đạt 90%), Trần Phú (89,1%), Hùng Vương (78%); đối với khối phòng GD-ĐT: TP. Buôn Ma Thuột (đạt 50%), huyện Ea Kar (40%)… Trong khi đó, các trường học ở vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ học sinh học tập đạt thấp, như: Trường THPT Lắk (20%), Trường THPT Trần Hưng Đạo (25%); phòng GD-ĐT: huyện Ea H’leo (20%), Krông Bông (19,6%), Ea Súp (10%.) Theo thống kê của Sở GD-ĐT, tỷ lệ học sinh THPT được học tập trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch đạt khoảng 70 - 90%, trong khi đó học sinh khối tiểu học chỉ đạt tỷ lệ 15 - 20%.
“Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường rà soát, có những biện pháp tích cực, hiệu quả vận động học sinh đến trường, duy trì tốt sĩ số; đặc biệt không tạo áp lực khi các em đi học lại. Đồng thời tiếp tục duy trì dạy học trực tuyến để nâng cao trình độ Tin học và các kỹ năng khác cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để bắt nhịp, ứng dụng có hiệu quả những tiện ích của Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào giảng dạy". Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa
|
Xuất phát từ thực tế trên, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường THCS, THPT, Trung tâm GDNN - GDTX trong tỉnh tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá quá trình tổ chức dạy học trong mùa dịch. Trên cơ sở đó, căn cứ vào khung thời gian năm học đã điều chỉnh và nội dung chương trình giáo dục đã được tinh giản, từng trường học, từng giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp bảo đảm đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình. Cụ thể: Đối với cấp THPT các em học sinh đã học được gần 7 tuần, khối THCS học gần 4 tuần chương trình của học kỳ II năm học 2019 - 2020, do đó khi học sinh đi học trở lại, nhà trường căn cứ vào thực tế tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức đã học từ xa trong thời gian nghỉ ở nhà; đồng thời tiếp tục dạy bài mới bảo đảm thực hiện đủ, đúng chương trình và bảo đảm chất lượng giáo dục.
“Không ai khác, nhà trường, giáo viên nắm rõ tình hình, năng lực, kết quả học tập của học sinh mình từ đó chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy có sự kết hợp giữa việc ôn tập, hệ thống hóa kiến thức và việc vận dụng kiến thức. Về phía học sinh, nhất là học sinh các lớp cuối cấp, từng em phải xác định rõ mục tiêu trong học tập để tích cực hơn nhằm đạt kết quả cao ở kỳ thi tuyển sinh đầu cấp vào trường chuyên hoặc trường đặc thù (đối với học sinh lớp 9); còn học sinh lớp 12 là thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học cao đẳng” - Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa nhấn mạnh.
Hoa Linh Ân
Ý kiến bạn đọc