Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn cô giáo mầm non mùa dịch

06:26, 10/05/2020

Tất bật đón trẻ từ sáng sớm và khép lại một ngày mệt nhoài cho đến khi trời tối, tuần đầu tiên đón trẻ trở lại trường sau thời gian dài được nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, áp lực, cường độ công việc khiến cô giáo mầm non phải xoay như chong chóng mỗi ngày.

Trường Mẫu giáo Cư Pui (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) có 616 em học sinh học tại một điểm trường chính và nhiều điểm trường lẻ. Nhà trường đã huy động giáo viên tổng dọn vệ sinh, lau chùi, sát khuẩn thiết bị dạy học, đồ chơi bằng dung dịch sát khuẩn Cloramin B 25%; lắp đặt thêm một số vòi nước rửa tay; trang bị nước sát khuẩn khô để đón trẻ trở lại trường. Mỗi ngày 2 lượt, các cô giáo tiến hành đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát khuẩn khô cho từng trẻ ngay cổng trường rồi đón các cháu vào lớp. Cuối ngày, các cô giáo lại tất bận dọn vệ sinh, lau chùi, sát khuẩn thiết bị dạy học, đồ chơi bằng dung dịch sát khuẩn để chuẩn bị sáng mai đón trẻ. Với giáo viên ở điểm trường chính công tác chăm sóc, giáo dục trẻ trong mùa dịch có phần đỡ vất vả hơn, còn tại các điểm lẻ giáo viên phải xoay như chong chóng mỗi ngày.

Giáo viên Trường Mẫu giáo Cư Pui (xã Cư Pui, huyện Krông Bông)
Giáo viên Trường Mẫu giáo Cư Pui (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) hướng dẫn trẻ rửa tay sát khuẩn ngay cổng trường.  Ảnh: Hoàng Thu

Cô HLoan Mlô gắn bó với điểm trường lẻ buôn Phung (Trường Mẫu giáo Cư Pui) 16 năm qua. Năm học  2019 - 2020, điểm trường có 43 cháu 4 và 5 tuổi ra lớp, nhưng chỉ mỗi mình cô HLoan đảm trách tất thảy mọi việc từ công tác phòng, chống dịch bệnh như: khử khuẩn, vệ sinh môi trường lớp học, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ; đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn cho từng trẻ mỗi ngày 2 lần; hướng dẫn, rửa tay cho trẻ khi sau khi đi vệ sinh và tổ chức lớp học. Trẻ 4 - 5 tuổi chưa ý thức được việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, thậm chí  chưa biết rửa tay đúng cách với xà phòng hay dung dịch sát khuẩn, cô giáo lại phải thực hành quy trình 6 bước rửa tay và một số kỹ năng phòng, chống dịch bệnh cho các cháu. Buổi sáng đầu tiên, cô HLoan mất hơn 2 giờ để đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và ổn định nền nếp lớp học. "Trời nóng bức, lớp học đông, đo thân nhiệt, rửa tay xong cho các em học sinh, tôi thấm đẫm cả mồ hôi. Hơn 11 giờ 30 tôi vội vàng về nhà để còn kịp lên lớp đón trẻ bắt đầu buổi học chiều bắt đầu lúc 13 giờ " - cô HLoan tâm sự.

Tại Trường Mầm non Hoa Sen (xã Cư M’ta, huyện M’Đrắk) để đón 360 trẻ trở lại học, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm 61%, công việc của các cô giáo cũng nhọc nhằn, vất vả không kém. Cô Bùi Thị Xuân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trẻ mầm non chưa tự giữ gìn vệ sinh cá nhân, hoặc được hướng dẫn nhưng các cháu chưa thực hiện đúng. Do vậy, trong ngày học đầu tiên, giáo viên thực hành hướng dẫn các bước phòng, chống dịch bệnh trước khi đến trường, vào lớp học. Trong thời gian ở trường, giáo viên chủ nhiệm phải giúp các cháu rửa tay thường xuyên. Nhà trường chia học sinh thành 13 lớp (mỗi lớp từ 18 - 20 em); buổi sáng có 8 lớp lá (khoảng 120 cháu 5 tuổi), buổi chiều là 7 lớp mầm, chồi (trẻ 3 và 4 tuổi). Với trẻ 5 tuổi, ngoài học bài mới, nhà trường chỉ đạo giáo viên dành nhiều thời giúp các cháu nhận diện được chữ cái, đồ theo nét có sẵn, đếm số…, cách cầm bút viết, ngồi đúng tư thế, viết được tên mình dù nguệch ngoạc, mục đích giúp trẻ tự tin, mạnh dạn để sẵn sàng vào lớp 1.

Trẻ lớp mầm Trường Mầm non Sơn Ca (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) được giáo viên hướng dẫn cách rửa tay tại lớp học.
 Giáo viên Trường Mầm non Sơn Ca (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) hướng dẫn  trẻ đeo khẩu trang đúng cách.

Tương tự, Trường Mầm non Sơn Ca (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) đã đón 370 trẻ trở lại học. Vấn đề an toàn sức khỏe cho trẻ được nhà trường nghiêm túc thực hiện. Ngay cổng vào, nhà trường phân luồng học sinh, phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên đo thân nhiệt, hướng dẫn rửa tay sát khuẩn và đón trẻ vào trường, phụ huynh không đưa con vào trường. Cô giáo Bùi Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường thông tin, trước đó trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tổng vệ sinh trường lớp, rửa đồ dùng, dụng cụ học tập, đồ chơi… bằng nước sát khuẩn, dọn phòng máy vi tính và phòng học nhạc để bố trí lại lớp học nhằm bảo đảm khoảng cách học sinh; vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên tặng 800 khẩu trang kháng khuẩn miễn phí cho trẻ trong ngày đầu tiên đi học trở lại. Nhà trường cũng đã xây dựng chương trình học hợp lý, giảm tải các hoạt động ngoài trời, tập trung đông đúc, chủ yếu tập trung vào chương trình học chính.

 
"Chọn nghề nuôi dạy trẻ, chúng tôi chắt chiu từng niềm vui qua ánh mắt, nụ cười của trẻ, của phụ huynh. “Quả ngọt” từ nghề cũng theo đó dịu ngọt hơn, giáo viên mầm non gắn bó hơn với trẻ, vượt qua áp lực và cường độ làm việc".
 
Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cư Pui

Sự cống hiến, tận tụy với nghề của những giáo viên mầm non trong mùa dịch bệnh Covid-19 đã cho "quả ngọt" khi phụ huynh an tâm, tin tưởng cho con trở lại trường. Chị H’Ngọc Niê, phụ huynh em Hoàng Mỹ Linh Niê, lớp ghép 5, Trường Mẫu giáo Cư Pui tin tưởng: “Đến trường con được học tập, vui chơi, ăn ngủ đúng giờ giấc, thực hành vệ sinh cá nhân bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn khô để phòng, chống dịch bệnh chu đáo hơn ở nhà". Hay như tại huyện Buôn Đôn, hầu hết phụ huynh đã chủ động chuẩn bị chu đáo các vật dụng cần thiết để phòng, chống dịch cho con em mình trong thời gian đầu đi học trở lại. Chị Nguyễn Thị Bé, phụ huynh em Đặng Thị Gia Hân, lớp chồi 2 (phân hiệu II, Trường Mầm non Hoa Sen) nói:  “Tuần đầu tiên, nhà trường chỉ tổ chức học một buổi, từ 10 giờ 30 đến 11 giờ phụ huynh phải đón trẻ. Việc học một buổi khá bất tiện, nhưng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho con, tôi đã sắp xếp công việc để đón con. Khi con đến trường, tôi đã chuẩn bị khẩu trang, mua nước sát khuẩn và chuẩn bị nước uống riêng cho con theo đúng căn dặn của nhà trường”.

Sự háo hức của trẻ được gặp lại cô giáo, bạn bè sau thời gian được nghỉ học ở nhà; nét rạng rỡ của phụ huynh mỗi buổi đón con về là những trải nghiệm, cung bậc cảm xúc thú vị của các cô giáo mầm non trong mùa dịch bệnh. Dẫu còn đó những khó khăn, nhọc nhằn nhưng với tình thương trẻ, cùng sự thấu hiểu và đồng hành từ phía phụ huynh, xã hội là điểm tựa quan trọng để các cô giáo mầm non gắn bó với nghề.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.