Multimedia Đọc Báo in

Động lực nội tại của việc học

09:29, 21/06/2020

Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ lo lắng con mình có nguy cơ sao nhãng việc học, thiếu năng lực tự học khi xung quanh có quá nhiều mối quan tâm, sự hấp dẫn như truyền hình, mạng xã hội hay phim ảnh…

Thực tế giảng dạy ở bậc đại học hiện nay cũng cho chúng tôi thấy rằng, năng lực tự học của nhiều sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu của việc học tập và nghiên cứu bậc đại học.

Năng lực tự học là một trong những yếu tố quan trọng trong việc duy trì niềm yêu thích và lòng ham hiểu biết tri thức. Tuy nhiên, năng lực tự học cần được hình thành từ khi ở những bậc học thấp hơn bằng việc duy trì động lực nội tại của việc học.

Sinh viên Trường Đại học Buôn Ma Thuột  trong giờ thực hành.  Ảnh: Gia Nguyên
Sinh viên Trường Đại học Buôn Ma Thuột trong giờ thực hành. Ảnh: Gia Nguyên

Chúng tôi thường đặt câu hỏi cho các bạn sinh viên rằng, vì sao khi học đại học, nhiều bạn đã từ bỏ việc ôn bài cũ, xem bài mới trước khi tới lớp – một việc mà bạn đã thực hiện trong suốt 12 năm học phổ thông? Thông thường, một thói quen nào đó đã duy trì trong thời gian dài thì khó mà thay đổi được. Vậy mà tại sao ngay khi bước vào học kỳ 1 của giảng đường đại học, nhiều sinh viên đã từ bỏ công việc mà tưởng như đã thành thói quen đó trong trạng thái tâm lý cảm thấy mình như được giải thoát.

Chúng tôi đã nhận được những chia sẻ rằng, sinh viên không học bài cũ là vì ở bậc đại học, không có… thầy cô nào dò bài, không… bị ghi tên vào sổ đầu bài, không có cảnh bị bêu gương trong giờ sinh hoạt lớp, không bị dọa gọi bố mẹ. Lối sinh hoạt của những người sống tự lập trong ký túc xá hay trong các khu nhà trọ khiến cho họ tự cho phép mình thích làm gì thì làm. Nhìn ra xung quanh, các bạn sinh viên thấy nhiều người tới gần kỳ thi mới học. Và việc không đọc tài liệu, không học bài, không thảo luận gì liên quan tới môn học dẫn tới việc điểm thi không cao là điều dễ hiểu. Như vậy, trong suốt thời gian dài ở bậc phổ thông, người học đã học không phải vì nhu cầu của chính mình mà học vì sợ bố mẹ la mắng, vì sợ thầy cô điểm danh, dò bài, học để lấy thưởng, học vì sợ bị phạt…

Nói cách khác, người học đã thực hiện việc học nhằm chủ yếu đáp ứng động lực ngoại lai (từ bên ngoài) chứ không phải đáp ứng động lực nội tại (từ bên trong). Vì thế, thường thì ngay ở học kỳ 1 của năm thứ nhất, nhiều sinh viên đã không đủ thời gian và các điều kiện để hình thành động lực nội tại trong lúc động lực ngoại lai không còn. Vậy, làm thế nào để hình thành động lực nội tại cho việc học?

Các bậc cha mẹ dễ thấy rằng, con chúng ta sẽ học vì động lực nội tại khi mà việc học được thực hiện vì niềm yêu thích ngành học, yêu thích môn học. Khi đó, người học sẽ học vì chính mình chứ không phải học vì sợ phạt hay mong chờ được thưởng. Hành động vì động lực nội tại còn ở chỗ người ta làm điều mà họ thấy bắt buộc phải làm, chẳng hạn như những hành động tuân thủ luật pháp hoặc các chuẩn mực đạo đức. Nhiều khi không thích vẫn phải làm vì chúng ta đã nhận thức được đó là điều bắt buộc phải làm, không làm sẽ bị trừng phạt. Rõ ràng, người học không thể học tủ cũng như không được gian dối trong thi cử. Việc học vì động lực nội tại còn thể hiện ở những trường hợp người học đã nhận thức được đó là điều nên làm. Việc chúng ta học hành đàng hoàng, sống tử tế đương nhiên là những điều mà bố mẹ, gia đình và cộng đồng mong muốn.

Các bạn trẻ hiện nay có thể đang chịu nhiều áp lực trong cuộc sống. Bởi vậy, để quản lý thời gian hiệu quả nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu học tập thì việc quan trọng là cần hình thành được động lực nội tại, từ đó được làm điều mình thích, mình thấy cần làm, nên làm và phải làm. Điều này không chỉ có ý nghĩa riêng cho việc học mà còn đúng trong nhiều lĩnh vực khác, kể cả trong đời sống thường nhật.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.