Multimedia Đọc Báo in

Khơi dậy niềm yêu sách

13:55, 07/06/2020

Trường THCS Ngô Mây (xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar) có 12 lớp với 328 học sinh, trong đó học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 94%.

Là một trường vùng sâu, điều kiện học tập còn khó khăn nên bên cạnh học văn hóa, nhà trường luôn mong muốn hướng đến rèn luyện những kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt là xây dựng văn hóa đọc.

Năm 2019, nhà trường được đón nhận Dự án “Thư viện về buôn” do Ban quản lý Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột phối hợp với cộng đồng khởi nghiệp tỉnh thực hiện. Qua đó, 500 đầu sách đã “về buôn”, làm phong phú số lượng đầu sách trong thư viện nhà trường.

Thầy Mai Văn Chuyền, Tổng phụ trách Đội, Bí thư Chi đoàn Trường THCS Ngô Mây cho biết, ngay khi tiếp nhận 500 đầu sách từ Dự án và được các em học sinh hào hứng đón nhận, nhà trường cảm thấy vừa vui mừng, vừa trăn trở. Vui vì đã có thêm nhiều sách cho các em, nhưng làm sao để vận hành hiệu quả thư viện để góp phần lan tỏa văn hóa đọc cho học sinh, giáo viên vẫn là một câu hỏi khó.

Tiết đọc sách của học sinh Trường THCS Ngô Mây (xã Ea M'droh, huyện  Cư M'gar).
Tiết đọc sách của học sinh Trường THCS Ngô Mây (xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar).

Để làm phong phú thêm đầu sách trong thư viện của nhà trường, Liên đội đã vận động các nguồn quỹ thông qua kết nối với cộng đồng yêu sách: “Tủ sách lớp em Đắk Lắk”, Doanh nghiệp xã hội “Tủ sách nhân ái”... qua đó đã huy động được gần 25 triệu đồng (theo giá bìa sách) để xây dựng 13 tủ sách với nhiều đầu sách phong phú như: sách thiếu nhi, truyện tranh, sách kỹ năng sống, lịch sử, khoa học...Liên đội cũng học hỏi các kinh nghiệm để xây dựng, vận hành hiệu quả thư viện cũng như hình thành kỹ năng đọc cho các em học sinh trong nhà trường.

Theo đó, để tiện lợi cho học sinh, trường cũng đã xây dựng mô hình “Tủ sách lớp em” ở 12/12 lớp học của nhà trường và 1 tủ sách ở “Lớp học tình thương” buôn Ea M’droh (xã Ea M’droh). Với mô hình này, mỗi lớp sẽ có một tủ sách nho nhỏ với khoảng 40 - 50 đầu sách đủ thể loại và có một học sinh làm cộng tác viên của thư viện, có trách nhiệm giữ chìa khóa và quản lý tủ sách của lớp mình cũng như việc mượn sách trong tủ của các bạn trong lớp. Sau một thời gian, các tủ sẽ được luân chuyển sách để các em không bị nhàm chán.

Mô hình này đi vào hoạt động đã hình thành được thói quen đọc sách cho nhiều học sinh. Cứ mỗi giờ ra chơi, các em đã tự tìm đến tủ sách và lựa chọn những cuốn sách, cuốn truyện ưng ý, phù hợp với lứa tuổi để đọc. Em Nguyễn Dương Thiện (học sinh lớp 9B, Trường THCS Ngô Mây) chia sẻ, ngày trước, em và các bạn rất ít xuống thư viện mượn sách, nhưng từ khi mỗi lớp có một tủ sách, cả lớp ai cũng hào hứng với việc đọc sách. Đọc nhiều sách giúp các em học hỏi thêm được nhiều điều bổ ích, hiểu biết thêm về lịch sử, khoa học. Giờ ra chơi, nhiều bạn cũng chọn sách làm “bạn” để giải trí sau khoảng thời gian học tập, rèn luyện căng thẳng trên lớp.

Đại diện
Đại diện "Tủ sách nhân ái" tặng sách cho Trường THCS Ngô Mây (xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar).

Cùng với việc xây dựng “Tủ sách lớp em”, để duy trì thói quen đọc sách và lan tỏa văn hóa đọc, Trường THCS Ngô Mây cũng đưa đọc sách thành một tiết học trong thời khóa biểu của nhà trường. Cứ vào ngày thứ 5 hằng tuần, tất cả giáo viên, học sinh của trường sẽ tham gia đọc sách trong vòng một tiết học. Vào những ngày bình thường, mỗi lớp có một tủ sách và đến tiết đọc sách, thầy cô cùng học sinh sẽ ngồi đọc trong lớp. Nếu gặp ngày thời tiết đẹp trời, râm mát, điều kiện thuận lợi, trường sẽ tạo thành những tủ sách “lưu động”, đặt giữa sân trường để cả tập thể ngồi đọc, vừa thay đổi không gian đọc sách, giúp các em có không gian thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên, lại tạo được sự hứng thú cho học sinh và giáo viên.

Đến nay, tiết đọc sách đã trở thành một tiết học vui vẻ, tạo thành thói quen cho học sinh và giáo viên nhà trường. Thư viện Trường THCS Ngô Mây cũng đã xây dựng được 3.100 đầu sách đa dạng về thể loại.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.