Lớp học đặc biệt ở Ea M'droh
Đã 3 năm nay, ở buôn Ea M’droh (xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) có một lớp học đặc biệt, hoàn toàn miễn phí...
Lớp học của tình thương
Chúng tôi có dịp đến lớp học đặc biệt ở Ea M’droh vào một buổi tối của ngày đầu tháng 6. Trong khoảng sân rộng được đổ bê tông sạch sẽ, các em nhỏ đang nô đùa, cười nói vui vẻ. Đúng 19 giờ, các em ùa vào lớp, tự chọn cho mình chỗ ngồi rồi mở sách vở ra và bắt đầu một buổi học mới. Vốn là người đã xây dựng và gắn bó với lớp học từ năm đầu tiên, thầy Mai Văn Chuyền (giáo viên Trường THCS Ngô Mây, xã Ea M’droh) chia sẻ, với mong muốn giúp các em học sinh tiến bộ hơn trong học tập, qua đó tạo môi trường và thói quen học bài, động viên các em không vì học yếu mà dẫn tới chán nản, bỏ học, lớp học đã được mở ra với tên gọi “Lớp học yêu thương”. Trong quá trình triển khai, lớp học được chính quyền và các mạnh thường quân hỗ trợ thêm đồ dùng học tập như: sách giáo khoa, vở trắng, bút… cho các em nhỏ. Đây đã là năm thứ ba lớp học được duy trì, và thật mừng vì số lượng học sinh đến lớp ngày càng tăng.
Cô Vũ Thị Nhung (giáo viên Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, xã Ea M'droh) hướng dẫn bài cho các em tại lớp học. |
Khác với những năm trước lớp học được tổ chức ở Nhà văn hóa cộng đồng buôn Ea M’droh, năm nay “Lớp học yêu thương” đón nhận một diện mạo mới khi được chính quyền cho phép cải tạo một nhà mẫu giáo ở buôn Ea M’droh bị bỏ hoang nhiều năm làm địa điểm học tập. Với sự chung tay góp sức từ Huyện Đoàn Cư M’gar, Đoàn cơ sở Công an huyện Cư M’gar, chính quyền xã, cùng các mạnh thường quân, nhóm thiện nguyện đã huy động được khoảng 60 triệu đồng để tu sửa lớp học và xây dựng các hạng mục như: bồn nước, sân chơi bê tông, bồn rửa tay, vườn hoa… Cứ đều đặn mỗi tối, sau khi ăn cơm xong, các em nhỏ ở buôn Ea M’droh lại tất bật mang sách vở, rủ nhau đến đây để học. Vì số lượng học sinh đông nên các em được chia làm nhiều lớp nhỏ theo lớp học sinh khối 1 và 2, lớp học sinh khối 3 và 4, lớp học sinh từ khối 5 đến khối 9. Mỗi lớp sẽ học 2 buổi/1 tuần và mỗi buổi sẽ có 2 giáo viên chính phụ trách đứng lớp.
Không chỉ là địa điểm để các em tham gia học tập dưới sự chỉ bảo của thầy, cô giáo, “Lớp học yêu thương” còn là điểm sinh hoạt được nhiều em học sinh lui tới. Bởi ở đây còn xây dựng được “Thư viện cộng đồng” ngay tại lớp học với hơn 500 đầu sách đủ thể loại như: sách thiếu nhi, truyện tranh, sách kỹ năng sống, lịch sử, khoa học… giúp các em thỏa sức đến đọc hoặc mượn mang về. Em H’Mươi Ksơr (lớp 4A, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, xã Ea M’droh) cho hay, năm ngoái em cũng tham gia “Lớp học yêu thương”, được thầy cô chỉ dạy các bài khó. Năm nay lớp lại được mở, nhiều bạn bè cùng tham gia học, lại có thêm nhiều sách hay nên em cảm thấy rất vui và hào hứng mỗi khi đến lớp.
Những “người lái đò” thầm lặng
Ba năm qua, tuy không nhận bất kỳ một khoản trợ cấp nào, nhưng các thầy, cô giáo tình nguyện vẫn bỏ công sức, tình cảm của mình để duy trì lớp học. Họ như những “người lái đò” thầm lặng, chuyên chở các em đến với bến bờ tri thức. Nhớ lại những ngày đầu tiên mở lớp, thầy Mai Văn Chuyền không khỏi bồi hồi, lúc ấy, qua quá trình dạy học trên trường nhận thấy học sinh bỏ học nhiều, điều kiện học tập ở nhà thiếu thốn, nhiều em không có góc học tập đầy đủ như bàn học, đèn… nên không có thói quen học bài khiến thầy không khỏi trăn trở. Vẫn biết là muốn mở lớp và duy trì nó không hề dễ dàng, cần nhiều yếu tố như: địa điểm, cơ sở vật chất dạy học, nguồn nhân lực giảng dạy, đặc biệt là công tác vận động học sinh đến lớp… Tuy vậy, nhờ sự cố gắng, nỗ lực của các thầy, cô giáo, không nề hà khó khăn cũng như sự hỗ trợ nhiệt tình từ Chi đoàn buôn Ea M’droh mà đặc biệt là Bí thư Chi đoàn buôn Ea M’droh Y Knáp, qua năm thứ hai, lớp học đã được triển khai bài bản hơn, thu hút nhiều học sinh hơn.
Thầy Mai Văn Chuyền, giáo viên Trường THCS Ngô Mây, phụ trách “Lớp học yêu thương” xã Ea M’droh
|
Hiện tại đã có 8 giáo viên tình nguyện tham gia đứng lớp, đó là giáo viên ở các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn xã, lại có thêm cả giáo viên đã về hưu ở xã Ea M’droh và thị trấn Quảng Phú. Cô Vũ Thị Nhung (giáo viên Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân) đã 3 năm gắn bó với lớp trải lòng: năm đầu tiên tham gia đứng lớp, nhà cách trường hơn 7 km, con trai nhỏ lại mới 9 tháng tuổi nhưng mỗi tối đến buổi dạy cô lại gửi con cho bà ngoại để đến lớp. Điều khiến cô cảm thấy phấn khởi khi tham gia lớp là có những em học sinh bị khiếm khuyết, chậm tiếp thu hơn các bạn cùng trang lứa, thế nhưng khi tham gia lớp, các em đã hứng thú hơn với việc học, tham gia xung phong phát biểu và có tiến bộ hơn trong học tập. Còn đối với cô Nguyễn Thị Khuyên (giáo viên Trường THCS Ngô Mây) thì mong muốn thông qua lớp học sẽ tạo cho các em một sân chơi lành mạnh, giúp các em mạnh dạn trước tập thể, hiểu được mục đích, mục tiêu của việc học tập. Qua đó, thầy cô có cơ hội tiếp xúc, gần gũi, lắng nghe, hiểu được tâm tư nguyện vọng, khó khăn của các em để tìm những giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời.
Nhiều em nhỏ hào hứng tham gia đọc sách từ "Thư viện cộng đồng" ở lớp học. |
Cứ thế, tối đến, buôn Ea M’droh lại râm ran tiếng các em học sinh tập đánh vần, tập đọc. Các em nắn nót viết từng con chữ, làm toán dưới sự kèm cặp của thầy cô giáo - những tình nguyện viên “tiếp lửa” cho các em, giúp các em có kiến thức tốt nhất để vững bước trên con đường học tập.
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc