Multimedia Đọc Báo in

Cô giáo góp tiền ăn bán trú cho học sinh nghèo

10:08, 02/08/2020
Đóng trên địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, trong những năm qua, cán bộ, giáo viên và nhân viên Trường Mẫu giáo xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) đã đóng góp kinh phí để hỗ trợ bữa ăn bán trú cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 
 
Năm học 2019 – 2020, Trường Mẫu giáo xã Cư M’gar có 272 học sinh, trong đó học sinh người dân tộc thiểu số chiếm 90%. Nhà trường có 1 điểm trường chính và 6 phân hiệu ở các thôn, buôn với 25 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Hằng năm, trong quá trình giáo viên vận động học sinh đến trường thì phát hiện trên địa bàn các thôn, buôn trong xã có nhiều cháu đã đủ 5 tuổi nhưng không được đến trường. Nguyên nhân là do các gia đình này hoàn cảnh quá khó khăn, không có tiền chi phí cho bữa ăn bán trú tại trường nên đành để con ở nhà.
 
Trước tình cảnh ấy, xuất phát từ lòng yêu nghề, mến trẻ và niềm mong mỏi muốn các cháu được đến trường như bạn bè cùng trang lứa khác, từ năm học 2016 - 2017, Ban Giám hiệu Trường Mẫu giáo xã Cư M’gar đã phát động phong trào ủng hộ bữa ăn bán trú cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và được cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường hưởng ứng nhiệt tình. 
 
Học sinh Trường Mẫu giáo xã Cư M'gar ăn bữa phụ tại trường.
Học sinh Trường Mẫu giáo xã Cư M'gar ăn bữa phụ tại trường.
Hằng tháng, các cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã tự nguyện bỏ tiền túi đóng góp mỗi người từ 50.000 - 60.000 đồng hoặc nhiều hơn để lo bữa ăn cho các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Điều đáng trân trọng là nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên có điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng vẫn tích cực tham gia phong trào với mong muốn cùng chung tay giúp các cháu đều được đến lớp, đến trường học tập, vui chơi.
Từ khi phát động phong trào đến nay, Trường Mẫu giáo xã Cư M’gar đã hỗ trợ trên 1.600 suất ăn cho 15 học sinh dân tộc thiểu số tại chỗ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng trị giá trên 24,1 triệu đồng. 

Cháu H’Iêm Ayun (6 tuổi, ở buôn Bling, xã Cư M’gar) đã được Trường Mẫu giáo xã Cư M’gar hỗ trợ bữa ăn tại trường từ năm học 2018 - 2019 đến nay. Gia đình H’Iêm thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình không có đất sản xuất, bố bị bệnh hiểm nghèo mất sớm. Hằng ngày mẹ em phải cõng đứa con út 3 tuổi đi làm thuê, làm mướn khắp nơi trang trải chi phí sinh hoạt, nuôi 4 người con ăn học và trả nợ tiền chữa trị bệnh cho chồng trước đó. Do quá khó khăn nên khi H’Iêm đủ tuổi đi mẫu giáo, mẹ em vẫn quyết định để con ở nhà vì không có tiền đóng bữa ăn bán trú tại trường. 

Trước hoàn cảnh đó, các thầy cô giáo Trường Mẫu giáo Cư M’gar đã đến tận nhà vận động gia đình để cháu H’Iêm ra lớp và hỗ trợ 100% chi phí bữa ăn bán trú cho cháu. Chị H’Băn Ayun, mẹ cháu H’Iêm Ayun xúc động: “Các cô giáo đến động viên, góp tiền hỗ trợ bữa ăn cho con mình và các cháu khó khăn khác, mình rất vui và cảm động bởi nhờ vậy mà con mình mới được đến trường như các bạn”.
 
Cô Nguyễn Thị Hường, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Cư M’gar cho biết: “Năm học đầu tiên phát động phong trào ủng hộ, tập thể nhà trường đã đóng góp hỗ trợ 379 suất ăn cho 3 trẻ, trị giá trên 5,6 triệu đồng. Thấy các cháu được hỗ trợ bữa ăn tại trường rất vui vẻ, thích đến lớp, đến trường học tập, vui chơi nên các cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường càng có động lực tiếp tục duy trì phong trào này trong những năm sau và nhân rộng số lượng các cháu được hỗ trợ bữa ăn bán trú tại trường”.
 
Không chỉ vậy, trong những năm qua, cán bộ, giáo viên nhân viên nhà trường còn nuôi “heo đất tiết kiệm” để có kinh phí tặng quà cho trẻ thuộc diện hộ nghèo ăn Tết. Với số tiền nuôi heo đất trong 4 năm qua, nhà trường đã trao tặng 107 suất quà Tết cho học sinh thuộc diện hộ nghèo của trường với trị giá trên 24,2 triệu đồng.
 
 
H’Xiu Êban
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.