Multimedia Đọc Báo in

"Ma trận" thông tin tư vấn tuyển sinh

08:56, 05/09/2020

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, công tác tư vấn tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng khá đa dạng.

Đối tượng tiếp cận không chỉ là học sinh lớp 12 mà đã mở rộng đến học sinh ở các lớp dưới với những hoạt động như tham quan trường, tham gia một số hoạt động ngoại khóa…

Bên cạnh đó, các trường cũng có hẳn các ban phụ trách công tác tuyển sinh, luôn sẵn sàng tiếp cận với thí sinh trên tất cả các “mặt trận”: Zalo, Facebook, website chính thức của trường… và cả nhắn tin SMS vào số điện thoại của thí sinh. Ban này còn tổ chức “livestream” (phát sóng trực tiếp, tương tác với mọi người trên mạng xã hội) giải đáp thắc mắc có tặng quà cho người tham gia.

Một số trường còn phối hợp với các báo tổ chức chương trình “Khám phá trường học” và được phát cả trên kênh Youtube riêng… Nhờ có các hoạt động đa dạng, phong phú nên thí sinh có điều kiện tìm hiểu rõ hơn, từ đó lựa chọn trường học phù hợp với điều kiện của bản thân. Nhưng cũng từ chính áp lực phải tuyển sinh sao cho đủ chỉ tiêu đã dẫn đến xuất hiện “tai nạn nghề nghiệp” trong công tác tư vấn.

Học sinh tham gia  trải nghiệm nghề tại một  chương trình  tư vấn tuyển sinh. Ảnh: Lan Anh
Học sinh tham gia trải nghiệm nghề tại một chương trình tư vấn tuyển sinh. Ảnh: Lan Anh

Điển hình như mới đây, tin nhắn SMS theo kiểu gửi hàng loạt của Trường Đại học Gia Định đã khiến nhiều thí sinh bức xúc. Ngay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh đã nhận được tin nhắn của Trường Đại học Gia Định gửi với nội dung: “Điểm thi của bạn rất thấp, đừng chờ đổi nguyện vọng, đến ngay Đại học Gia Định để nhập học sớm”. Oái ăm là ở chỗ nhiều học sinh được nhận tới vài tin cùng nội dung, trong đó có em điểm thi không hề thấp chút nào! Đại diện nhà trường đã lý giải đây là một sự cố kỹ thuật. Mục đích của nhà trường là gửi đến thí sinh thông điệp nếu thí sinh điểm không cao thì đừng chờ nguyện vọng mà có thể đăng ký xét tuyển vào trường. Nhà trường mong thí sinh có điểm thấp - từ đủ điểm sàn của Bộ GD-ĐT cũng được vào học đại học. Tuy nhiên, thay vì nhắn “Điểm thi của bạn rất thấp?” thì dấu “?” đã bị lỗi thành dấu “,” nên ý nghĩa mới bị chuyển thành khẳng định thí sinh có điểm thấp. Ngay sau đó, nhà trường đã có tin nhắn xin lỗi thí sinh và đăng cả lời xin lỗi công khai trên website chính thức và fanpage của nhà trường.

Sự cố tin nhắn “Điểm thi của bạn rất thấp” chỉ là một trong vô vàn tình huống bi - hài của công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Trước đó một vài tuần, nhiều học sinh miền Trung Tây Nguyên đã nhận được thư nặc danh nói xấu một số trường đại học ở Đà Nẵng. Sự việc gây bức xúc đến mức PGS.TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng đã ký văn bản gửi Công an TP. Đà Nẵng, Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an TP. Đà Nẵng đề nghị xác minh, xử lý.

Tháng 6-2020, nhiều học sinh dù chưa thi tốt nghiệp THPT lại bất ngờ nhận được thông báo trúng tuyển (có điều kiện) của Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh trong khi tại các hội nghị, tập huấn về tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã luôn nhắc nhở các trường không công bố trúng tuyển trước khi thí sinh tốt nghiệp THPT. Việc gửi giấy báo này được lý giải chỉ mang tính chất thông báo nhưng cũng đủ gây xôn xao dư luận.

Nhiều người nói vui “công tác tư vấn tuyển sinh là một nghệ thuật và người làm công tác này cũng là nghệ sĩ”. Thiết nghĩ, dù có sáng tạo đến mức nào thì các trường cũng nên vì lợi ích của thí sinh và các em học sinh cần phải tỉnh táo trước mọi thông tin mà mình nhận được dù là của chính các nhà trường.

Lại Thị Ngọc Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.