Multimedia Đọc Báo in

Triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 đối với giáo dục tiểu học

16:54, 15/09/2020
Chiều 15-9, Sở GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 đối với giáo dục tiểu học.
 
Năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 405 trường tiểu học và trường có dạy cấp tiểu học với trên 190.000 học sinh. Mặc dù dịch bệnh Covid-19, học sinh phải nghỉ học dài ngày ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục và cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, nhờ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ GD-ĐT với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, các cơ sở giáo dục tiểu học đã vận dụng các hình thức dạy học trực tuyến một cách linh hoạt, chủ động điều chỉnh kế hoạch, nội dung dạy học; đồng thời vận dụng nhiều hình thức tổ chức dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, gắn kiến thức học trong nhà trường với thực tiễn, tăng cường kỹ năng sống… 
 
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Thị Thanh Xuân phát biểu tại hội nghị.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Thị Thanh Xuân phát biểu tại hội nghị.
Qua đó, chất lượng giáo dục tiểu học được nâng cao: Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 97,1%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,8%; có 87.561 học sinh được khen thưởng cấp trường (46,08%); 585 học sinh được khen thưởng cấp trên (0,3%).
 
Việc tổ chức dạy Ngoại ngữ và Tin học được tăng cường; công tác vận động học sinh ra lớp, tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,8%; trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 91,5%. Tính đến tháng 12-2019, toàn tỉnh có 100% đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố và đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập phổ cập tiểu học mức độ 1 trở lên; có 240/405 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia (59,2%), trong đó có 7 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2…
 
Đại biểu tham dự hội nghị.
Đại biểu tham dự hội nghị.
 
Bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn một số hạn chế: Tình trạng học sinh bỏ học vẫn diễn ra ở một vài địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; thực hiện đánh giá giáo viên theo Chuẩn nghề nghiệp ở một số trường còn hình thức, chưa phản ánh đúng năng lực và hiệu quả công việc; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều; cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý, vẫn còn tình trạng thiếu – thừa cục bộ giáo viên các môn như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục; biên chế giáo viên dạy học tiếng Anh và Tin học chưa đảm bảo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
 
Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian thảo luận các giải pháp, triển khai nhiệm vụ năm học mới 2020 - 2021. Trong đó nhiều ý kiến tập trung vào việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn thông qua hoạt động dự giờ, nghiên cứu bài học trong chương trình giáo dục phổ thông mới; tăng cường cơ sở vật chất, ưu tiên bố trí các phòng học cho lớp 1 đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày; đảm bảo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đủ về số lượng, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao chất lượng theo Chuẩn nghề nghiệp; đồng thời chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng cường quyền tự chủ của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục đi đôi với việc nâng cao năng lực quản trị nhà trường, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục…
 
Lan Anh
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.