Học sinh được dùng điện thoại trong lớp: Giáo viên và phụ huynh cần làm gương
Ngày 15-9-2020, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó, nội dung được nhiều người quan tâm nhất là Điều 37.
Điều 37 quy định rõ các hành vi học sinh không được làm; trong đó có hành vi: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Trước đây, việc sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học bị cấm hoàn toàn. Tương tự, trước đây giáo viên THCS, THPT không được sử dụng điện thoại di động khi đang dạy học trên lớp thì nay quy định này cũng đã bị bãi bỏ.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-11-2020. Như vậy, có thể hiểu rằng từ ngày 1-11-2020, học sinh THCS, THPT được dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập khi được giáo viên cho phép. Đồng thời, giáo viên không còn bị cấm sử dụng điện thoại di động khi đang dạy trên lớp.
Quy định này đã tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi của cả giáo viên lẫn phụ huynh với hai luồng ý kiến chính: ủng hộ và phản đối. Bên ủng hộ cho rằng việc cho phép học sinh dùng điện thoại trong giờ học là xu thế tất yếu trong thời đại 4.0 hiện nay. Nhưng bên phản đối cũng mạnh mẽ không kém bởi thực tế hậu quả của việc học sinh "nghiện" điện thoại là điều dễ thấy. Hơn nữa chính các nhà nghiên cứu xã hội học cũng đã không ít lần bày tỏ lo ngại về một thế hệ “cúi đầu”, chỉ biết “sống ảo” mà không thể tương tác trực tiếp vì chỉ cắm mặt vào chiếc smartphone (điện thoại thông minh).
Ảnh Internet |
Tuy nhiên, từ thực tế hiện nay cho thấy, dù thầy cô và phụ huynh có muốn hay không, cấm hay cho phép thì học sinh vẫn sẽ dùng điện thoại trong trường học, trong giờ học chỉ là công khai hay lén lút mà thôi. Cũng giống như việc giáo dục giới tính cho học sinh. Bất kể gia đình và nhà trường cứ tranh cãi về việc có nên “vẽ đường cho hươu chạy” hay không thì các em vẫn cứ tò mò, tự tìm hiểu và “lạc đường” dẫn đến hậu quả mang thai ngoài ý muốn. Vì vậy, điều quan trọng lúc này không phải là tranh luận học sinh phổ thông có được/nên sử dụng điện thoại trong giờ học hay không mà là phải hướng dẫn, kiểm soát để các em có thể phát huy lợi ích của điện thoại và hạn chế tối đa tác hại của việc “nghiện” điện thoại.
Ngay từ buổi học đầu tiên giáo viên cần trao đổi và thống nhất với các em nội quy sử dụng điện thoại trong lớp học. Giờ học nào được dùng điện thoại, dùng để làm gì và trong bao lâu? Các em nên và không nên truy cập vào trang web nào, ứng dụng nào và lý do vì sao? Tất cả những điều này giáo viên phải trao đổi, giải thích và thống nhất với học sinh, phụ huynh để cả ba bên cùng thực hiện.
Ngoài ra, giáo viên và phụ huynh cũng cần làm gương trong việc sử dụng điện thoại. Trong giờ lên lớp, giáo viên không được “lướt” Zalo, Facebook, chơi game… khi học sinh làm bài tập. Tương tự, phụ huynh cũng không nên cắm cúi vào smartphone mọi lúc, nhất là những lúc thực hiện những sinh hoạt chung cùng gia đình.
Tôi tin rằng một khi đã có sự thống nhất và gương mẫu của giáo viên lẫn phụ huynh thì nếu các em có lén lút dùng điện thoại không vì mục đích học tập cũng chỉ là thiểu số mà thôi. Còn nếu chính giáo viên, phụ huynh cũng tranh thủ thì đừng trách học sinh sao làm… giống mình thế!
Lại Thị Ngọc Hạnh
Ý kiến bạn đọc