Multimedia Đọc Báo in

Phụ huynh "gánh" hàng trăm triệu đồng vốn đối ứng xây dựng phòng học

06:26, 05/10/2020

Trong hai năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022, phụ huynh có con em học tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm (TP. Buôn Ma Thuột) phải đóng hàng trăm triệu đồng để xây dựng phòng lớp học. Nhiều phụ huynh cho rằng, việc huy động này chưa phù hợp, gây bức xúc trong dư luận.

Một số phụ huynh Trường THCS Đoàn Thị Điểm cho biết, cuộc họp phụ huynh đầu năm học 2020 – 2021, ngoài việc thông báo các khoản thu như học phí, bảo hiểm, quỹ Đội... còn có thêm khoản xây dựng cơ sở vật chất khiến nhiều phụ huynh không đồng tình.

Cụ thể, trong Phương án số 01/PA-ĐTĐ, ngày 14-9-2020 về xây dựng nhà lớp học 8 phòng Trường THCS Đoàn Thị Điểm dự kiến huy động trong hai năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022 là 450 triệu đồng. Năm học này, Trường THCS Đoàn Thị Điểm dự kiến có 257 học sinh, do đó trường xây dựng mức đóng góp tương ứng với từng khối.

Cụ thể, khối lớp 6 sẽ đóng tiền xây dựng là 300.000 đồng/em; khối lớp 7 là 250.000 đồng/em; khối lớp 8 là 200.000 đồng/em và khối lớp 9 là 50.000 đồng/em. Mức huy động này vào năm học 2021 – 2022 mỗi khối từ lớp 6 đến lớp 8 sẽ giảm 50.000 đồng/em, khối lớp 9 giữ mức đóng 50.000 đồng/em.

Một phụ huynh có con học tại trường (xin giấu tên) cho rằng, với mức đóng như phương án trường đưa ra, một em học sinh lớp 6 khi theo học tại đây sẽ phải đóng 500.000 đồng trong vòng hai năm học liên tục. Với gia đình có điều kiện thì đơn giản, nhưng đối với những gia đình có nguồn thu nhập không ổn định thì đó là một khoản đóng góp lớn.

Tương tự, một phụ huynh khác cũng phản ánh, theo như phương án giáo viên của trường phổ biến ở cuộc họp phụ huynh đầu năm thì năm nay, phụ huynh học sinh toàn trường phải đóng góp hơn 260 triệu đồng. Đó là “gánh nặng” rất lớn đối với phụ huynh, bởi đầu năm học có rất nhiều khoản phải đóng góp. Phụ huynh này cũng thắc mắc, sao huy động vốn xã hội hóa 10% dự án lại chỉ “áp” vào học sinh mà không phải là toàn dân để giảm bớt kinh phí đóng góp.

Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra các khoản thu chi tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm.
Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra các khoản thu chi tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm.

Trao đổi vấn đề này, ông Trần Mậu Hòa, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm cho biết, đối với nguồn thu đối ứng 10% để xây dựng 8 phòng học, nhà trường căn cứ vào Công văn số 4312/UBND-TCKH, ngày 7-10-2019 của UBND TP. Buôn Ma Thuột về Kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối Dự án nhà lớp học 8 phòng Trường THCS Đoàn Thị Điểm; Quyết định số 7587/QĐ-UBND, ngày 16-10-2019 của UBND TP. Buôn Ma Thuột về việc phê duyệt chủ trương đầu tư công trình nhà lớp học 8 phòng tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm và Công văn số 408/UBND-XD của UBND phường Tân Thành về triển khai chủ trương huy động đóng góp kinh phí xây dựng hạ tầng năm 2020. Trên cơ sở đó, nhà trường đã tuyên truyền chủ trương huy động đóng góp cho phụ huynh vào cuối năm học 2019 - 2020 và đầu năm học 2020 - 2021. Ông Hòa chia sẻ thêm, Trường THCS Đoàn Thị Điểm mặc dù đứng chân ở khu vực trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, song lại có khá nhiều trường hợp học sinh là con hộ nghèo, hộ khó khăn. Do đó, trường cũng mong muốn các cấp xem xét giảm tỷ lệ đóng góp để giảm bớt khó khăn cho phụ huynh.

Qua tìm hiểu, ở mục thể hiện nguồn vốn xây dựng công trình tại Quyết định số 7587 ghi rõ "Nguồn vốn đầu tư: Ngân sách TP. Buôn Ma Thuột 90%, huy động đóng góp từ các nguồn hợp pháp khác 10%". Nhưng tại Công văn số 408, UBND phường Tân Thành yêu cầu Ban giám hiệu Trường THCS Đoàn Thị Điểm tổ chức xây dựng phương án huy động đóng góp 10% tổng dự toán công trình. Địa phương cũng giao Ban giám hiệu nhà trường phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức hội nghị thống nhất triển khai huy động đóng góp số tiền 10% theo phương án...

Dự kiến mức huy động đóng góp xây dựng lớp học tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm.
Dự kiến mức huy động đóng góp xây dựng lớp học tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm.

Nhận được thông tin phản ánh từ cơ quan báo chí, cuối tháng 9-2020, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Buôn Ma Thuột đã lập tổ kiểm tra về việc thu chi đầu năm học tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm. Qua kiểm tra, tổ yêu cầu trường phải gửi phương án để Phòng nắm bắt. Bên cạnh đó, việc xây dựng phương án chưa có mục miễn, giảm đối với học sinh thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ khó khăn để tránh trường hợp phụ huynh thắc mắc. Phòng cũng đề nghị trường không được thu gộp các khoản đóng, phải chia nhỏ ra để giảm áp lực đóng tiền cho phụ huynh. Đối với vốn huy động đóng góp xây dựng phòng học cũng thế, phải chia nhỏ ra thành nhiều đợt.

Trên đây chỉ là một trường hợp huy động đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường học bằng hình thức thu qua số học sinh đang theo học. Tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) cũng đã thực hiện việc huy động đóng góp từ phụ huynh để xây dựng lớp học từ năm học 2019 – 2020 và trong năm học này. Rõ ràng, việc huy động tiền xây dựng phòng lớp học là chủ trương đúng đắn, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh theo học tại các trường học. Tuy nhiên, nguồn đối ứng 10% theo quy định giao về cho địa phương huy động từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng thực chất chỉ thu dựa vào số lượng học sinh là chưa thấu tình hợp lý. Điều này không chỉ "đổ" gánh nặng lên vai phụ huynh mà còn gây áp lực thu cho chính trường học có công trình xây dựng.

Theo Quyết định số 8036/QĐ-UBND, ngày 30-10-2019 của UBND TP. Buôn Ma Thuột, tổng mức công trình nhà lớp học Trường THCS Đoàn Thị Điểm (phường Tân Thành) là 4,5 tỷ đồng do UBND phường Tân Thành làm chủ đầu tư. Trong đó, nguồn ngân sách thành phố 90%, huy động đóng góp từ các nguồn khác 10% (tương ứng 450 triệu đồng).

Phạm Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.