Multimedia Đọc Báo in

Cách làm hay để tăng cường tiếng Việt cho trẻ của Trường Mầm non Hoa Ban

08:18, 27/11/2020

Với tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số (Hmông, Dao) trên 98%, Trường Mầm non Hoa Ban (xã Cư K’bang, huyện Ea Súp) đã và đang triển khai nhiều hoạt động, giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh và đạt những kết quả nhất định.

Việc xây dựng và thực hiện các giải pháp tăng cường tiếng Việt được lồng ghép song song với chương trình học đến 100% nhóm lớp ở môi trường trong lớp học, ngoài lớp học và ngoài xã hội. Cụ thể, ngoài lớp học có hệ thống cây xanh, vườn rau; khu vườn cổ tích; thư viện; góc địa phương “Bản sắc quê em” với nhà sàn truyền thống, váy, áo thổ cẩm…

Trong mỗi phòng học, hệ thống cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học được bố trí liền kề, nhưng vẫn có ranh giới để phân chia cho mỗi nhóm trẻ hoạt động. Đơn cử, góc hoạt động yên tĩnh bố trí xa góc hoạt động ồn ào, góc thư viện sử dụng sách, tranh nơi nhiều ánh sáng; góc vui chơi ưu tiên sử dụng vật liệu tái tạo, mang tính "mở" như bình hoa, hoa bằng chai nhựa, cây, lá cây có sẵn trong tự nhiên và có các trò chơi dân gian: ô ăn quan, ném vòng cổ chai, lộn cầu vồng.

Riêng góc nghệ thuật được trang trí gần gũi bằng dụng cụ âm nhạc khác nhau như đàn, trống lắc, trống cơm, nón quai thao. Với môi trường này, cô và trẻ cùng nhau giới thiệu, gọi tên các đồ vật, hoạt động, kết nối từ, câu bằng tiếng Việt nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu "học mà chơi, chơi mà học".

Học sinh Trường Mầm non Hoa Ban (xã Cư K’bang) trong giờ học.
Học sinh Trường Mầm non Hoa Ban (xã Cư K’bang) trong giờ học.

Cô Nguyễn Thị Hóa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Ban cho biết, năm học 2020 - 2021 toàn trường có 381 học sinh đến từ thôn 14, 15, 16, cụm 8, 9, 10 theo học tại 10 lớp, với các nhóm nhà trẻ, lớp búp, mầm, chồi, lá. Mỗi nhóm trẻ có khả năng tiếp thu ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt trẻ nhỏ tuổi thích bắt chước trẻ lớn hơn nên mỗi chủ đề sẽ tổ chức hoạt động ngoại khóa giao lưu bằng tiếng Việt giữa các nhóm lớp như: tham quan triển lãm, tổ chức biểu diễn văn nghệ…

Năm 2019, Trường Mầm non Hoa Ban đã đoạt giải A cấp tỉnh Hội thi tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số năm học 2018 - 2019.

Theo cô Võ Thị Thanh, giáo viên phụ trách lớp chồi, ở độ tuổi 4 - 5 tuổi, các bé còn nhiều bỡ ngỡ, nhiều em mới đi học năm đầu tiên nên chậm thích nghi hơn. Điều quan trọng nhất vẫn là giao tiếp nên các cô phải trò chuyện thật nhiều, mỗi ngày thêm một ít, thậm chí muốn đứng lớp phải học tiếng dân tộc thiểu số để làm quen với trẻ thông qua những từ cơ bản như giỏi, ngoan, đứng lên, ngồi xuống, đi vào, đi ra, chạy, nhảy… Sau đó, dần dần các bé nói tiếng Việt tốt hơn. Có khoảng 70% trẻ ở lớp chồi nói được tiếng Việt.

Tương tự, cô Trần Thị Thu Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp lá nhiều năm nay cho hay, trường ưu tiên việc dạy học đối với các em 5 - 6 tuổi nên số lượng học sinh lớp lá trong các năm học đều trên 40 em/lớp. Số học sinh đông, nhưng mỗi lớp chỉ có hai cô giáo, trong khi đó trường xa, đường sá đi lại khó khăn gây sức ép lớn đối với giáo viên đứng lớp khi phải đón và trả trẻ đúng giờ. Tuy nhiên, sự tiếp xúc nhiều giữa cô và trẻ từ sáng đến chiều cũng là cơ hội để cô trò gần gũi nhau, cùng nhau dạy, học, thực hành tiếng Việt. Nhờ đó, khi ra trường đa số các em đều nghe và nói tiếng Việt thành thạo, tạo nền tảng vững chắc khi vào lớp 1.

Bữa trưa bán trú dân nuôi tại Trường Mầm non Hoa Ban.
Bữa trưa bán trú dân nuôi tại Trường Mầm non Hoa Ban.

Bên cạnh đó, sự phối hợp trong công tác giáo dục cũng được nhà trường, chính quyền địa phương và gia đình quan tâm.

Cô Nguyễn Thị Hóa tâm sự, mỗi lần đón và trả trẻ, các giáo viên luôn khuyến khích phụ huynh tăng cường nói tiếng Việt tại nhà, khi sinh hoạt chung tại gia đình, cộng đồng. Đa số các em đều có sự tiến bộ nhất định khi theo học tại trường nên phụ huynh tin tưởng gửi trẻ cho nhà trường, nỗ lực tương hỗ để cùng dạy dỗ, chăm sóc các em.

Năm học 2020 - 2021, Trường Mầm non Hoa Ban đã tổ chức học bán trú dân nuôi. Theo đó, các phụ huynh chuẩn bị cơm để trẻ mang theo đi khi đến trường. Các em và cô giáo có thêm cơ hội thực hành nói tiếng Việt khi chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp, vệ sinh sau khi ăn, đi ngủ, dậy và học đúng giờ…

Thanh Hường

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.