Multimedia Đọc Báo in

Bồi đắp tình yêu đọc sách cho sinh viên

12:29, 16/01/2021

Năm 2020 là năm đầu tiên Cuộc thi “Đọc và Cảm nhận” được tổ chức tại Trường Đại học Tây Nguyên và đã thu hút nhiều sinh viên tham gia; trở thành sân chơi bồi đắp, thắp lên tình yêu đọc sách.

Phát động và triển khai từ tháng 10 đến tháng 12-2020, Ban tổ chức cuộc thi nhận được 61 bài dự thi. Qua quá trình đánh giá và xem xét, Ban tổ chức đã chọn ra 10 sinh viên xuất sắc tham gia tranh tài vòng chung kết. Tham gia dự thi chung kết, trên sân khấu mỗi thí sinh có 5 phút thuyết trình về cuốn sách mình tâm đắc.

Thông điệp từ những cuốn sách

Vòng loại cuộc thi được tổ chức trên trang Facebook của thư viện nhà trường. Có 61 bài viết cảm nhận về cuốn sách yêu thích đã được đăng. Các bài viết của những thí sinh dự thi đều thể hiện những rung động, cảm xúc rất thật mà sách đã đem lại, tạo nên ấn tượng sâu sắc cho các thầy cô, sinh viên.

Như bài viết của sinh viên Bùi Thị Thu Hương (lớp Sư phạm Anh K18) về cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” vô cùng xúc động: “Tôi đã được nghe rất nhiều lần, ở rất nhiều nơi, trong những ngày đặc biệt của đất nước, về công lao to lớn, của những anh hùng đã hy sinh cả tuổi trẻ, cả ước mơ cá nhân để cùng thực hiện một ước mơ to lớn vĩ đại hơn là giải phóng đất nước.

Và tôi đã được thấm thía hơn qua cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Trong hoàn cảnh khốc liệt của bom đạn, chiến tranh, trong nỗi đau của đất nước, chị Đặng Thùy Trâm lúc bấy giờ khoảng mười tám đôi mươi đã lấy lý tưởng cộng sản cao đẹp, sẵn sàng xả thân vì sự an nguy của đất nước, coi đó là hạnh phúc, ước mơ, sẵn sàng gác lại cái riêng tư thầm kín của cá nhân vì sự nghiệp chung, cao cả, thiêng liêng, vĩ đại của cả dân tộc. Khi đọc nhật ký của chị, tôi tin chắc rằng không chỉ tôi mà nhiều người khác cũng sẽ rơi lệ.

Những giọt nước mắt của sự kính trọng, cảm phục đối với một bác sĩ, một chiến sĩ đã dũng cảm từ chối hạnh phúc cá nhân để tự nguyện sẻ chia, gánh vác nỗi đau của muôn triệu đồng bào, hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng. Khi đọc cuốn nhật ký, tôi luôn nhắc nhở bản thân phải đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện để góp một phần công sức của mình xây dựng đất nước”.

Những cuốn sách mang lại nhiều cảm xúc cho các bạn sinh viên.  Ảnh: N.Hạnh
Những cuốn sách mang lại nhiều cảm xúc cho các bạn sinh viên. Ảnh: N.Hạnh

Hay sinh viên Lê Thị Thảo Quyên (lớp Sư phạm Anh K18) chia sẻ về cuốn sách “Điểm đến của cuộc đời” của tác giả Đặng Hoàng Giang như sau: “Sau khi đọc xong cuốn sách này, tôi đã rất đồng cảm với những người trong giây phút cận tử, và những người thân của họ. Tôi đã nhận ra được giá trị của cuộc sống lớn lao như thế nào. Khi thấy được hình ảnh của những người cận tử, tôi cảm thấy bản thân mình phải cố gắng hơn nữa, trân trọng những gì đang có ở cuộc sống này, đặc biệt là gia đình, những người mình yêu thương để cho cuộc sống này trở nên ý nghĩa hơn, không phải hối tiếc”.

Bạn H’Nhan (lớp Giáo dục mầm non K18) thì nhận được năng lượng tích cực sau khi đọc cuốn sách “Đời ngắn đừng ngủ dài” của tác giả Robin Sharma: “Khi bạn đọc cuốn sách này, chắc hẳn những bế tắc, chán nản trong cuộc sống của bạn sẽ tiêu tan nhanh đi, mà thay vào đó là những nguồn năng lượng tích cực, động lực mạnh mẽ để bạn tiếp tục chinh phục những khó khăn và thử thách trong cuộc sống, như chính những gì mà tác giả và những người thành công đã làm được trước đó”.

Sinh viên Lê Thị Thu Thảo (lớp Giáo dục mầm non K18) – người đã được trao giải Nhất đêm chung kết – lại có nhiều suy nghĩ về giáo dục con người sau khi đọc cuốn sách “Totto-chan bên cửa sổ” của tác giả Kuroyanagi Tetsuko: “Khi đọc quyển sách này tôi chợt nhận ra ở trên thế giới nói chung và Việt Nam mình nói riêng, nếu mọi trẻ em đều được tiếp nhận nền giáo dục như Totto-chan đã từng được nhận và những nhà giáo dục ai cũng tâm huyết và lỗi lạc như thầy hiệu trưởng của Totto-chan thì tốt biết mấy. Cuốn sách cho người lớn chúng ta thấy rằng, không có đứa trẻ ngỗ nghịch và vô dụng, chỉ có những đứa trẻ còn quá nhiều tố chất tốt mà chúng ta chưa kịp khám phá ra mà thôi. Giá trị nhân văn của giáo dục là giáo dục nhân cách trước, sau đó mới trang bị kiến thức. Đó là cái nền để tạo ra một con người có ích cho xã hội. Cách dạy nhẹ nhàng, nhưng thấm sâu vào ý thức của mỗi đứa trẻ. Tạo nên cho chúng một nền tảng nhân cách vô cùng chắc chắn sau này”.

Ban tổ chức trao giải  cho các  thí sinh có bài dự thi  xuất sắc nhất.   Ảnh:  Thư viện  Đại học  Tây Nguyên cung cấp
Ban tổ chức trao giải cho các thí sinh có bài dự thi xuất sắc nhất. Ảnh: Thư viện Đại học Tây Nguyên cung cấp
“Một nền giáo dục muốn đổi mới toàn diện thì cần phải nâng cao khả năng tự học, tự đọc của học sinh, sinh viên. Để có thể “cảm” được một cuốn sách, các em phải đọc một cách nghiêm túc, khi nhận thấy giá trị từ sách mang lại, thì việc đọc sách cũng trở nên nhẹ nhàng hơn”.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Trung Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên

Chia sẻ về cuốn sách “Bí mật của may mắn” của tác giả Alex Rovira và Fernando Trias de Bes, bạn Phạm Đức Triệu (lớp Ngôn ngữ Anh K19B) viết rằng: “Cuốn sách mặc dù ngắn nhưng mang theo đó là một chân lý: hãy tạo ra may mắn cho mình, biết theo đuổi chúng. Và điều quan trọng nhất là luôn tin tưởng vào niềm tin của mình. Có thể một ngày nào đó bạn sẽ tìm ra được may mắn từ những niềm đau, lỗi lầm, bất hạnh của chính mình”.

Chung kết cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 3 giải Khuyến khích, 1 giải thí sinh có bài thuyết trình hay nhất và 1 giải tập thể cho lớp có số thí sinh tham gia nhiều nhất. Cuộc thi đã kết thúc nhưng tình yêu với sách trong các bạn sinh viên đã được thắp lên.

Không dừng lại ở cuộc thi

Xác định việc đọc sách không chỉ dừng ở cuộc thi, Ngày Sách hay Tuần lễ Sách mà phải trở thành thói quen thường xuyên của sinh viên. Thông qua các học phần trong chương trình đào tạo, giảng viên nhà trường đã định hướng cho sinh viên những nguồn tài liệu cần thiết để bổ sung, tích lũy kiến thức và hướng dẫn cách đọc hiệu quả. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Thơ, giảng viên bộ môn Ngôn ngữ, Khoa Sư phạm, đọc là một trong những kỹ năng quan trọng hàng đầu của sinh viên đại học. Việc tạo cho sinh viên có được thói quen đọc sách, hứng thú tìm hiểu kiến thức qua sách, giáo trình là nền tảng để xây dựng một thế hệ tương lai độc lập, có kỹ năng và kiến thức. Khi đọc sách, giáo trình, sinh viên cần phải ghi chép, lập dàn bài cho những phần cần nghiên cứu, đầu tiên là dàn ý sơ lược, sau đó chi tiết hóa dần. Trong khi đọc nên dùng bút đánh dấu những chỗ quan trọng hay chưa hiểu để có thể xem lại. Thỉnh thoảng cần dừng lại đặt những câu hỏi để kích thích và tự tìm câu trả lời.

Trường Đại học Tây Nguyên tặng sách cho sinh viên.  Ảnh: N.Quỳnh
Trường Đại học Tây Nguyên tặng sách cho sinh viên. Ảnh: N.Quỳnh

Hiện nay, Trường Đại học Tây Nguyên thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ và dạy học theo hướng lấy người học làm trung tâm, giảm thời gian lý thuyết, tăng thời gian tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên. Chính vì vậy, nhà trường đã đầu tư kinh phí xây dựng thư viện với hơn 500 chỗ ngồi thoáng mát không chỉ phục vụ nhu cầu học tập và nghiên cứu tài liệu của sinh viên, giảng viên mà còn là không gian kết nối, trao đổi và sáng tạo. Nhờ không gian tiện nghi và nguồn tài liệu tham khảo phong phú của nhiều chuyên ngành nên thư viện luôn tấp nập sinh viên ra vào. Em Hồ Thị Quỳnh Trâm (lớp Ngôn ngữ Anh K20A) chia sẻ: “Em thường lên thư viện của trường để học nhóm, luyện nghe, nói tiếng Anh trực tuyến. Không gian thư viện rất thoáng, máy móc hiện đại và đầy đủ tài liệu nên em có thể tham khảo và tra cứu dễ dàng”.

Như Quỳnh – Ngọc Hạnh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.