Multimedia Đọc Báo in

Những "nhà khoa học nhí"

06:54, 31/01/2021

Xuất phát từ những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra, cùng niềm say mê nghiên cứu khoa học, nhiều sáng chế độc đáo, hữu ích đã được học sinh sáng tạo và xuất sắc đoạt giải cao tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật – Khởi nghiệp dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2020 – 2021 vừa được tổng kết và trao giải vào trung tuần tháng 1-2021.

Màng bọc thực phẩm là đồ dùng không thể thiếu trong gian bếp của các gia đình hiện nay. Trên thị trường có rất nhiều đồ dùng có chức năng bảo quản thực phẩm nhưng chủ yếu được làm từ nilon tái chế, thời gian phân hủy lâu, tác động xấu đến môi trường. Trước thực trạng trên, hai em Nguyễn Thị Tường Vi và Phan Thị Hằng, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Tô Hiệu (huyện Krông Ana) đã ấp ủ ý định nghiên cứu làm màng bảo quản trái cây từ nguyên liệu thiên nhiên.

 
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Tường Hiệp trao Giấy khen tặng nhóm tác giả Dự án  
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Tường Hiệp trao Giấy khen tặng nhóm tác giả Dự án "Chế tạo khẩu trang dễ phân hủy từ vỏ cà phê và vỏ ngô".

Ý tưởng của các em đã nhận được sự động viên, hướng dẫn tận tình của thầy Nguyễn Tiến Dũng, giáo viên dạy môn Sinh học của trường. Qua nhiều lần thử nghiệm, các em quyết định chọn hạt cà phê và lá trầu để sản xuất màng bảo quản trái cây vì nhận thấy nguồn pectin đã loại bỏ trong phương pháp chế biến ướt cà phê là một polymer không gây hại, có tính chất tạo màng, nguồn gốc từ thực vật. Tinh chất từ lá trầu có khả năng kháng vi khuẩn, nấm mốc. Quan trọng là hạt cà phê và lá trầu khá dồi dào, có sẵn tại địa phương..., giúp giảm giá thành sản phẩm.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật – Khởi nghiệp dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2020 - 2021 có 195 sản phẩm, dự án của 359 tác giả đến từ 50 trường THPT và 49 trường THCS trong tỉnh tham gia tranh tài. Kết thúc Cuộc thi, Ban tổ chức trao 129 giải thưởng cho các dự án, sản phẩm xuất sắc, mang tính thực tiễn cao, gồm: 11 giải Nhất, 22 giải Nhì, 36 giải Ba, 48 giải Tư và 12 giải Khởi nghiệp.

Em Nguyễn Thị Tường Vi chia sẻ: “Sau gần 4 tháng “đi đi, lại lại” từ phòng thí nghiệm của trường đến Viện Khoa học công nghệ và Môi trường (Trường Ðại học Tây Nguyên) và trải qua nhiều lần thất bại trong thực nghiệm, chúng em đã tạo ra được sản phảm dạng gel tạo màng có nguồn gốc tự nhiên để bảo quản trái cây hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường”.

Với tính khả thi và công dụng thiết thực, dự án “Nghiên cứu, chế tạo màng bảo quản trái cây từ nguyên liệu thiên nhiên” của Trường THCS Tô Hiệu đoạt giải Nhất Cuộc thi và được chọn tham dự cuộc thi cấp quốc gia dự kiến diễn ra tại TP. Huế vào tháng 3-2021.

Dự án "Chế tạo khẩu trang dễ phân hủy từ vỏ cà phê và vỏ ngô" của hai em Đào Thị Khánh Huyền và Phan Thị Hải Trang, học sinh lớp 12, Trường Tiểu học, THCS - THPT Hoàng Việt cũng được trao giải Nhất nhờ tính thời sự và khả năng ứng dụng thực tiễn. Chia sẻ về lý do thực hiện dự án, các em Huyền và Trang cho hay là rất tâm huyết với vấn đề môi trường hiện nay. Để chung tay phòng chống dịch Covid-19, đồng thời giảm nhẹ gánh nặng ô nhiễm môi trường do rác thải từ khẩu trang dùng một lần gây ra đã thôi thúc hai em tạo ra một loại khẩu trang dễ dàng phân hủy trong môi trường tự nhiên.

Từ những kiến thức học được ở trường và tích cực tìm hiểu, nghiên cứu, nhóm tác giả đã tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp từ hạt cà phê và ngô để làm khẩu trang. Sản phẩm gồm ba lớp: lớp ngoài làm bằng vỏ ngô, lớp giữa là than hoạt tính được làm từ cà phê và lớp trong cùng là vải cotton. Khẩu trang có màu sắc, thiết kế đẹp mắt, độ bền hơn một năm. Sau khi sử dụng, sản phẩm phân hủy hoàn toàn sau 2 – 5 tháng trong môi trường tự nhiên.

Là giáo viên hướng dẫn hai em Huyền và Trang  thực hiện dự án, cô Trần Hiếu Minh, dạy môn Sinh học, Trường Tiểu học, THCS - THPT Hoàng Việt cho biết, khi các em đề xuất ý tưởng, tôi nhận thấy đề tài này khá hay và thiết thực nên sẵn sàng hỗ trợ. Trong quá trình triển khai thực hiện, cô và  trò gặp không ít khó khăn nhưng vượt qua đó đã thấy được sự đam mê sáng tạo khoa học, thể hiện bản thân của học sinh.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật – Khởi nghiệp dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2020 - 2021 xuất hiện nhiều dự án mới, có tính ứng dụng cao, thể hiện được chiều sâu nghiên cứu của học sinh, sự đầu tư của nhà trường cũng như công tác tư vấn, hướng dẫn của giáo viên đối với các dự án. "Những mô hình, sản phẩm của các em mang đến cuộc thi không chỉ kết tinh chất xám, sức sáng tạo, khả năng phát hiện vấn đề mà còn là sự ghi nhận thực tế, khát vọng giải quyết các nhu cầu trong thực tiễn cuộc sống", ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT đánh giá.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.