Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea H'leo: Vượt khó xây dựng trường chuẩn quốc gia

08:54, 28/03/2021

Với nhiều giải pháp đồng bộ cùng sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (CQG) của huyện Ea H’leo những năm qua đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, bậc học.

Toàn huyện hiện có 36/68 trường đạt CQG mức độ 1 (chiếm 52,9%), vượt 2 trường so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Trong đó có nhiều trường khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở những khu vực vùng sâu, vùng xa cũng đã đạt CQG. Đạt được kết quả đó, ngành GD-ĐT huyện đã sớm xây dựng kế hoạch xây dựng trường CQG; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chính quyền địa phương đến các đơn vị, doanh nghiệp và phụ huynh học sinh ủng hộ việc xây dựng trường học đạt CQG.

Một tiết học Tin học của học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Ea Nam).
Một tiết học Tin học của học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Ea Nam).

Trường Tiểu học Ea Wy (xã Ea Wy) là đơn vị có bề dày thành tích trong phong trào dạy và học của địa phương. Năm học 2020 - 2021, trường có 15 lớp với 398 học sinh, trong đó hơn 83% là học sinh dân tộc Tày, Nùng. Từ khi được công nhận trường đạt CQG năm 2009 đến nay, các hoạt động giáo dục của nhà trường không ngừng được đẩy mạnh theo hướng đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường còn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên.

Đến nay, tất cả giáo viên của trường đều đạt trình độ chuẩn, trong đó đạt trình độ trên chuẩn chiếm 75%; 12 giáo viên dạy giỏi cấp huyện và 2 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên nhà trường luôn nằm trong top các trường có chất lượng giáo dục tốt của huyện với 100% học sinh được đánh giá hoàn thành chương trình học; không có học sinh bỏ học giữa chừng. Hiện Trường Tiểu học Ea Wy đang phấn đấu đạt CQG mức độ 2 vào năm 2024.

Thầy Nguyễn Văn Phung, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Khó khăn nhất trong quá trình thực hiện vẫn là việc huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất và kết quả học tập của học sinh. Về cơ sở vật chất, nhà trường sẽ tiếp tục kêu gọi sự đầu tư của các cấp, doanh nghiệp và nhà hảo tâm để xây dựng nhà đa chức năng, nâng cấp dãy nhà hiệu bộ. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, huy động học sinh đến lớp đúng độ tuổi, nỗ lực đạt những tiêu chí quy định.”

 
Các trường đạt CQG đã khẳng định được chất lượng giáo dục, tạo uy tín và niềm tin đối với phụ huynh học sinh cũng như toàn xã hội. Điều đáng ghi nhận là một số trường ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đã rất nỗ lực phấn đấu hoàn thành các tiêu chí”.
 
Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng GD-ĐT huyện Ea H'leo Phạm Văn Đảng

Tại Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Ea Nam), công tác xây dựng trường học đạt CQG cũng được Ban giám hiệu nhà trường chú trọng. Mặc dù điều kiện kinh tế của địa phương còn khó khăn, song nhà trường đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành các tiêu chí và được công nhận CQG năm 2016. Ngoài tập trung xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao trình độ giáo viên thì việc thực hiện hiệu quả nội dung đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh được xem là khâu đột phá để nhà trường duy trì và giữ vững danh hiệu trường đạt CQG những năm qua. Với phương châm “Lấy học sinh làm trung tâm” hầu hết giáo viên đều sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực như: tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa, chú trọng công tác phụ đạo cho học sinh yếu, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh bảo đảm khách quan. Nhờ đó những năm gần đây, chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng nâng cao với tỷ lệ học sinh khá, giỏi hằng năm đạt trên 50%; học sinh có hạnh kiểm tốt, khá đạt trên 90%.

Giờ tập thể dục của học sinh Trường Tiểu học Ea Wy (xã Ea Wy).
Giờ tập thể dục của học sinh Trường Tiểu học Ea Wy (xã Ea Wy).

Ngành giáo dục huyện phấn đấu đến 2025 tỷ lệ trường đạt CQG đạt 80% - đây là "bài toán" khó vì qua khảo sát để công nhận trường đạt CQG phần lớn các trường trên địa bàn huyện đều không có kinh phí để nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học.

Bên cạnh đó, chất lượng học tập của học sinh không đồng đều, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; gia đình ít quan tâm đến việc học của con cái cũng đang là vấn đề nan giải của nhiều trường trong xây dựng trường đạt chuẩn. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành GD-ĐT huyện tiếp tục tăng cường các giải pháp về kiểm định và nâng cao chất lượng giáo dục; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng cảnh quan môi trường sư phạm và bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo theo yêu cầu cho các trường phấn đấu đạt chuẩn.

Thầy Phạm Văn Đảng, Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng GD-ĐT huyện nhấn mạnh: "Mấu chốt các trường học phải nghiêm túc nhìn thẳng vào thực tế, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong giai đoạn đầu triển khai. Thực hiện nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả để huy động các nguồn lực, hoàn thiện 5 tiêu chí trường CQG theo quy định mới".

 

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.