Multimedia Đọc Báo in

"Thay áo mới" cho trường vùng sâu

08:53, 28/03/2021

Những ngày qua, cô trò ở nhiều điểm trường mầm non trên địa bàn huyện Cư M’gar hân hoan đón niềm vui mới, khi những phòng học nơi đây đã được khoác lên mình “chiếc áo mới” rực rỡ sắc màu.

Tháng 3 Tây Nguyên, dù thời tiết có phần nắng nóng khá gay gắt nhưng không ngăn được niềm say mê và lòng nhiệt thành của các tình nguyện viên tham gia “thay áo mới” cho những phòng học cũ kỹ trên địa bàn huyện Cư M’gar; mọi người hào hứng sơn mới, vẽ tường để kịp tiến độ. Được biết, đây là dự án tình nguyện “Sắc màu tuổi thơ” do Đội Công tác xã hội Sắc màu (TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.

Chị Tạ Thùy Linh, Đội trưởng Đội Công tác xã hội Sắc màu (Đội công tác) chia sẻ, dự án mong muốn giúp các trường mầm non cũ, điều kiện khó khăn ở vùng sâu, vùng xa có một diện mạo mới, mang đến không gian sinh động thông qua những bức tường đầy màu sắc, qua đó kích thích sự sáng tạo, ươm mầm ước mơ của trẻ. Kinh phí thực hiện được Đội công tác kêu gọi từ các nhà hảo tâm, còn chi phí ăn uống, đi lại do các thành viên trong Đội tự đóng góp. Lần đến với Đắk Lắk này, dự án thực hiện “thay áo mới” cho 11 điểm trường thuộc Trường Mẫu giáo Ea M’droh (xã Ea M’droh) và Trường Mẫu giáo Hoa Mai (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar).

Các tình nguyện viên trang trí cho điểm trường thôn Đoàn Kết (Trường Mẫu giáo Ea M'droh).
Các tình nguyện viên trang trí cho điểm trường thôn Đoàn Kết (Trường Mẫu giáo Ea M'droh).
 
“Dự án “Sắc màu tuổi thơ” được Đội Công tác xã hội Sắc màu triển khai từ năm 2016, gồm chuỗi hoạt động “thay áo mới” cho các trường mầm non khó khăn ở những vùng nông thôn xa xôi. Tính đến nay, dự án đã “thay áo mới” được cho 264 phòng học ở các tỉnh: Đồng Tháp, Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Nông, Lâm Đồng... Theo kế hoạch, từ năm 2021, dự án sẽ "thay áo mới" cho khoảng 100 phòng học tại Đắk Lắk”.
 
Chị Tạ Thùy Linh, Đội trưởng Đội Công tác xã hội Sắc màu

Tranh thủ hai ngày cuối tuần, gần 60 tình nguyện viên của Đội công tác phối hợp cùng lực lượng đoàn viên thanh niên, giáo viên đối ứng địa phương tại hai xã Ea M’droh và Ea Kiết tất bật sơn tường, phác họa những bức vẽ và sơn màu hoàn chỉnh cho các điểm trường mầm non. Không khí tại đây trở nên rộn ràng bởi tiếng trò chuyện, cười đùa, một số em nhỏ thích thú đến xem và cùng tham gia vẽ tranh tường dưới sự hướng dẫn của người lớn. Trước đó, nhiều phụ huynh đã chung tay chà sạch tường cho các phòng học, bởi thế tiến độ thực hiện diễn ra khá nhanh. Chỉ trong thời gian hai ngày, nhờ sự nhiệt tình, tấm lòng nhân ái, say mê của tất cả mọi người, 11 điểm trường đã được “thay áo mới”.

 Cô Nguyễn Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Ea M’droh cho hay, trên địa bàn xã Ea M’droh hiện không có trường mầm non tư thục. Riêng Trường Mẫu giáo Ea M’droh có 9 điểm trường tại các thôn, buôn, với 326 học sinh (từ 2 – 5 tuổi), trong đó trên 90% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Các điểm trường đa số đã cũ, không có kinh phí sơn sửa, trang trí. Nay được đón nhận dự án “Sắc màu tuổi thơ” giúp các điểm trường có diện mạo mới, sạch đẹp hơn.

Các em học sinh hào hứng tham gia trải nghiệm vẽ sơn lên tường trường học tại điểm trường thôn Đoàn Kết (Trường Mẫu giáo Ea M'droh).
Các em học sinh hào hứng tham gia trải nghiệm vẽ sơn lên tường trường học tại điểm trường thôn Đoàn Kết (Trường Mẫu giáo Ea M'droh).

Tại điểm trường buôn Ea M’droh (Trường Mẫu giáo Ea M’droh), dãy tường phòng học cũ kỹ, nay trở nên rực rỡ, đầy màu sắc với nhiều hình ảnh sinh động, gần gũi, mang tính giáo dục như: cỏ cây, hoa lá, con vật, nhân vật hoạt hình… Cô H’Viên Niê, giáo viên tại điểm trường buôn Ea M’droh chia sẻ, trở lại trường sau hai ngày nghỉ cuối tuần, học sinh tỏ ra ngạc nhiên và thích thú khi ngôi trường trở nên mới lạ. Nhiều em chưa muốn vào lớp mà cứ đi lại quanh trường để ngắm nghía. Các phụ huynh rất phấn khởi với diện mạo mới của ngôi trường, nhiều phụ huynh hào hứng cùng con chụp ảnh lưu niệm với những bức tranh sinh động trên tường phòng học.

Hi vọng, “chiếc áo mới” đầy màu sắc của những ngôi trường sẽ khiến các em học sinh thêm “yêu trường – mến bạn”, từ đó khơi gợi trong tâm trí các em tinh thần học tập, ươm mầm ước mơ của trẻ, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.