Multimedia Đọc Báo in

Trung tâm Phát triển thể thao quần chúng: Vượt khó để xây dựng phong trào

18:49, 30/08/2010

Trong những năm qua, khi đời sống kinh tế ngày càng phát triển thì người dân đã quan tâm hơn đến việc tập luyện thể dục thể thao (TDTT) nhằm nâng cao sức khỏe. Nhờ đó, phong trào TDTT quần chúng của tỉnh có bước tiến vượt bậc, phát triển đồng đều từ thành thị đến nông thôn với lực lượng tham gia đông đảo.

Phải nói rằng, TDTT là một công tác quan trọng trong sự nghiệp phát triển chung của xã hội, là hoạt động nâng cao sức khỏe, tăng cường thể lực, góp phần nâng cao thể trạng người Việt. Ý thức được tầm quan trọng đó, ngành TDTT tỉnh ta luôn đề cao công tác TDTT quần chúng và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Để việc phổ biến phong trào được quy củ, bài bản, tháng 9 - 2008, Trung tâm Phát triển TDTT quần chúng trực thuộc Sở VH - TT - DL đã được thành lập. Tuy là một đơn vị mới được thành lập với những khó khăn cả về con người lẫn cơ sở vật chất nhưng những hoạt động tích cực của Trung tâm đã góp phần quan trọng đẩy mạnh phong trào TDTT của tỉnh phát triển lên một tầm cao mới. Phong trào TDTT quần chúng phát triển khá đồng đều từ nông thôn đến thành thị, lực lượng tham gia đông đảo, nhất là trong tầng lớp thanh niên, học sinh. Hệ thống thi đấu từ xã đến tỉnh được hình thành và đi vào hoạt động nền nếp. Số lượng quần chúng nhân dân tham gia đông đảo và các môn thể thao ngày càng tăng, đặc biệt là những môn có tính đại chúng như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông…Đáng chú ý là việc tổ chức thành công Đại hội TDTT 3 cấp đã tác động to lớn trong việc vận động nhiều người tham gia. Các hoạt động TDTT hướng về vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa làm không khí nông thôn trở nên vui tươi lành mạnh hơn, góp phần hạn chế những tệ nạn tiêu cực trong xã hội.

Hội thi thể thao dân tộc thiểu số tỉnh Dak Lak năm 2010 tổ chức tại huyện Krông Năng.
Hội thi thể thao dân tộc thiểu số tỉnh Dak Lak năm 2010 tổ chức tại huyện Krông Năng.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển TDTT quần chúng cho biết, các hoạt động TDTT quần chúng thường được tổ chức gắn với việc kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống của dân tộc. Không những vậy, qua phong trào TDTT quần chúng thì việc bảo tồn các môn thể thao dân tộc được thực hiện có hiệu quả. Các môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, vật, đua thuyền, kéo co…được nâng cấp và đưa vào hệ thống thi đấu cấp tỉnh đã thu hút đông đảo nhân dân trong tỉnh tham gia. Điển hình như Giải đua thuyền truyền thống huyện Krông Ana đã thu hút gần 10 nghìn khán giả địa phương và các huyện đến xem và cổ vũ; Giải vật Vụ Bổn (huyện Krông Pak) có gần 100 VĐV đến từ các huyện trong tỉnh và tỉnh Dak Nông cũng thu hút đông đảo người dân tham gia…Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức thành công hàng loạt hội thao cấp cơ sở tạo ra không khí tập luyện sôi nổi trong đội ngũ cán bộ công nhân viên chức trong tỉnh. Theo ông Nguyễn Xuân Hòa, TDTT quần chúng là nền tảng vững chắc để thể thao đỉnh cao phát triển. Thông qua các giải đấu phong trào như vậy thể thao đỉnh cao có cơ hội phát hiện, tuyển chọn những vận động viên có tiềm năng để tiếp tục bồi dưỡng và phát triển.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận như trên, công tác phát triển TDTT quần chúng còn có những tồn tại cần khắc phục, đặc biệt là làm thế nào để phong trào có thể phát triển về chất. Hiện cơ sở vật chất phục vụ công tác chuyên môn tại Trung tâm đang rất thiếu, nhất là các trang thiết bị phục vụ giảng dạy như máy chiếu, máy quét…Hơn nữa là về con người, ngoài đội ngũ cán bộ công nhân viên của Trung tâm Phát triển TDTT quần chúng, tại các địa phương hiện có khoảng 180 hướng dẫn viên rải đều ở các xã trong tỉnh tuy  nhiên, chất lượng của các hướng dẫn viên cơ sở chưa cao đã ảnh hưởng phần nào đến việc phát triển TDTT quần chúng có chiều sâu. Hiện các hướng dẫn viên cơ sở mới chỉ được bồi dưỡng về luật và cách tổ chức các môn thi đấu còn việc tổ chức tập luyện bài bản thì gần như chưa có. Việc tổ chức tập luyện mới là nguồn gốc sâu xa của TDTT quần chúng nhưng do kinh phí hoạt động của Trung tâm có hạn nên chưa thể tổ chức các lớp tập huấn như vậy cho các cộng tác viên của mình, ông Nguyễn Xuân Hòa trăn trở.

 

Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.