Multimedia Đọc Báo in

Vovinam Dak Lak - 40 năm xây dựng và phát triển

15:50, 10/10/2010

Trong thời gian qua, môn võ Vovinam (Việt Võ đạo) đang được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ, quảng bá nhằm xây dựng môn phái trở thành quốc võ. Từng bước đưa môn Vovinam trở thành môn thi đấu chính thức tại các kì SEA Games, Indoor Games, Asia Games,… Cùng sự thăng trầm của môn phái, phong trào Vovinam tại tỉnh ta cũng đã có những bước phát triển vượt bậc trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại của mình.

Môn phái Vovinam được cố võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc thành lập năm 1938, ngay lập tức đã thu hút đông đảo tầng lớp thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh và công nhân lao động theo tập. Đến năm 1970, phong trào tập luyện Vovinam bắt đầu xuất hiện tại Dak Lak. Võ đường đầu tiên của phong trào luyện tập Vovinam được mở  tại số 116 Hai Bà Trưng, thị xã Buôn Ma Thuột, do HLV Nguyễn Văn Bính cùng một số đồng môn khởi xướng đã thu hút gần 800 võ sinh tham gia. Năm 1972, tổ chức huấn luyện võ thuật cho học sinh với phong trào võ thuật hóa học đường tại Trường Trung học Tổng hợp nay là Trường THPT Buôn Ma Thuột với hơn 100 môn sinh. Năm 1973, với đòn thế đơn giản, hữu hiệu phù hợp với mọi đối tượng giúp phong trào luyện tập, Vovinam phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, nhiều phòng tập được mở ra tại tỉnh Dak Lak đã thu hút được đông đảo thanh thiếu niên tham gia luyện tập. Nội dung huấn luyện chú trọng đến giáo dục đạo đức cho môn sinh thông qua các bài giảng về kiến thức võ đạo để vừa giáo dục thanh thiếu niên sống có lý tưởng, hướng các võ và môn sinh đến các giá trị Chân - Thiện – Mỹ như tâm nguyện của cố võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc. Từ năm 1973 – 1975, mặc dù phong trào luyện tập Vovinam đang phát triển rộng khắp và thu hút một số đông thanh thiếu niên luyện tập nhưng do tình hình chung của xã hội, phong trào tập luyện Vovinam cũng như các môn võ khác có phần bị hạn chế. Giai đoạn từ năm 1975 – đến 1989, khi đất nước hoàn toàn được giải phóng, phong trào bắt đầu phát triển trở lại nhưng do đội ngũ HLV bận lo toan cho cuộc sống hoặc chuyển nơi công tác nên phong trào luyện tập chỉ gói gọn trong nhóm nhỏ hoặc ở những người tâm huyết với môn phái. Năm 1989, được sự cho phép và hỗ trợ của ngành TDTT tỉnh nhà, phong trào luyện tập Vovinam phát triển trở lại một cách nhanh chóng trong thời gian ngắn. Đến năm 1991, từ chỗ chỉ có một điểm tập tại Sân vận động tỉnh đã lần lượt được mở rộng ra khắp Buôn Ma Thuột và các huyện lân cận như huyện Ea Kar, Krông Buk, Krông Pak và Cư Jut, Dak Mil (nay thuộc tỉnh Dăk Nông)… Cũng trong năm này, Sở TDTT Dak Lak (nay là Sở VHTT-DL) cho phép thành lập Bộ môn Vovinam, HLV Lê Hữu Đức được đề cử làm trưởng bộ môn, từ đây bộ môn này phát huy được trí tuệ của các cá nhân và tập thể trong việc chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và đề ra các biện pháp sát với thực tiễn để giúp phong trào phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Năm 1992, phong trào luyện tập Vovinam tại Dak Lak chuyển sang một giai đoạn mới với việc Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh giúp bộ môn Vovinam có một phòng tập riêng biệt để huấn luyện. Tất cả võ sư và môn sinh đều coi phòng tập Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh là Trung tâm điều hành mọi hoạt động của Bộ môn Vovinam Dak Lak. Nơi đây đã đào tạo ra nhiều thế hệ võ sư, HLV chuẩn về tư cách tác phong và giỏi về chuyên môn, đó là những hạt nhân tiêu biểu đi xây dựng phong trào ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh. Với kế hoạch ban đầu xây dựng phong trào là chính nhưng đến giai đoạn phát triển mạnh và có chiều sâu, năm 1994, lần đầu tiên đoàn vận động viên Vovinam tỉnh Dak Lak tham dự Giải vô địch Vovinam toàn quốc tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP. Hồ Chí Minh) và đã đoạt HCĐ nội dung biểu diễn đòn chân tấn công. Đến tháng 7-2007, Bộ môn Vovinam đã được UBND tỉnh, Sở VH-TT-DL cho phép thành lập Hội Vovinam tỉnh Dak Lak, võ sư Lê Hữu Đức được bầu làm Chủ tịch Hội cùng 14 ủy viên Ban Chấp hành với đầy đủ các chức năng nhiệm vụ cụ thể, mọi hoạt động dựa trên Điều lệ và Quy chế của Hội đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đây là bước ngoặc lớn trong việc xây dựng, củng cố và phát triển phong trào luyện tập Vovinam tại tỉnh ta. Đến nay Hội Vovinam tỉnh Dak Lak có tổng cộng 13 chi hội, 25 câu lạc bộ với hơn 2000 võ sư và môn sinh đang tập luyện, đạt nhiều thành tích đáng kể khi thi đấu trong khu vực và trên cả nước.

Theo ông Lê Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Vovinam Dak Lak, phát huy truyền thống của phong trào Vovinam tại Dak Lak, trong thời gian tới Hội Vovinam Dak Lak sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động của mình. Đặc biệt, sẽ phối hợp với ngành giáo dục tỉnh để sớm đưa Vovinam vào trường học một cách bài bản nhất.

 

Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc