Multimedia Đọc Báo in

Khi những “bóng hồng” cầm cơ

16:29, 14/08/2011

Billiards (bi-da) thường chịu tiếng xấu vì bị cho là trò tiêu khiển của giới ăn chơi. Mỗi khi nhắc đến bi-da người ta hay liên tưởng đến nạn cá độ đỏ đen. Chính vì thế mà những người chơi bi-da thường nhận lãnh những ánh mắt không mấy thiện cảm, nhất là đối với nữ giới. Vậy mà ngày càng có nhiều “bóng hồng” cầm cơ...

Vòng chung kết Giải Billiards & Snooker vô địch quốc gia 2011 diễn ra tại Dak Lak có 120 tay cơ, trong đó có 18 cơ thủ nữ. Tuy số lượng tham dự khá khiêm tốn so với nam nhưng sự xuất hiện của các bóng hồng đã tạo nên một làn gió mới cho môn thể thao này. Mỗi người đến với Billiards & Snooker ở mỗi hoàn cảnh khác nhau, 18 nữ cơ thủ là 18 ước mơ, 18 khát vọng khác nhau nhưng điểm chung của họ là cố gắng thi đấu thật tốt để khẳng định mình. Với Nguyễn Thị Ngọc Trâm, một cơ thủ đến từ TP. Hồ Chí Minh, đến với môn thể thao giàu trí tuệ mang tính nghệ thuật từ chính việc kinh doanh Billiards & Snooker của chính mình – CLB Billiards quốc tế Quận 6. Do “ngứa ngáy tay chân” trong những lúc quản lý CLB của mình, Trâm thường cầm cơ thụt vài đường để tiêu khiển. Mãi rồi cũng quen, càng chơi càng yêu thích, càng đam mê và chơi ngày càng lên cơ. Với điều kiện như thế, hành trình  trở thành một vận động viên chuyên nghiệp của Nguyễn Thị Ngọc Trâm thuận lợi hơn rất nhiều so với những nữ cơ thủ khác. Ngay sau khi được người đàn anh Trương Minh Trí người hiện nay đang là HLV trưởng đội tuyển Billiards & Snooker nữ TP. Hồ Chí Minh, giới thiệu vào năm 2004, Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã thể hiện đẳng cấp của một cơ thủ trẻ nữ đầy triển vọng của Việt Nam khi giành hạng ba tại VCK giải Billiards & Snooker toàn quốc khi mới 19 tuổi. Thành tích ấn tượng tại giải quốc gia năm 2004 đã giúp Trâm trở thành vận động viên trong biên chế của đội tuyển Billiards & Snooker TP. Hồ Chí Minh. Sau thành tích đáng tự hào ấy, Ngọc Trâm liên tục gặt hái được nhiều thành công ở các giải A1 toàn quốc, như: giải nhất Pool 9 bi năm 2007, giải nhất Pool 9 bi và giải ba Pool 8 bi năm 2009. Tuy nhiên, con đường đi đến một vận động viên chuyên nghiệp thực thụ của Nguyễn Thị Ngọc Trâm bị gián đoạn sau tai nạn giao thông vào đầu năm 2008, làm chị bỏ lỡ tất cả các giải đấu trong năm 2008. Một năm vắng bóng trên đấu trường quốc gia khiến cô gái đam mê môn thể thao nghệ thuật này mất rất nhiều. Không buông xuôi, năm 2009 Ngọc Trâm đánh dầu sự trở lại ấn tượng khi trở thành chủ nhân của chức vô địch hạng A1 Pool 8 bi và Pool 9 bi, để từ đó tạo bước đà giúp Ngọc Trâm xếp hạng ba  trong 8 tay cơ nữ xuất sắc tại VCK Giải Billiards & Snooker vô địch quốc gia 2010.

Ngày càng có nhiều cô gái cầm cơ.
Ngày càng có nhiều cô gái cầm cơ.
Với nữ cơ thủ người Tiền Giang Đoàn Sao cũng đến với bi-da từ niềm đam mê. Sau khi tốt nghiệp khoa ngoại ngữ trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, Đoàn Sao trải qua nhiều công việc khác nhau, chủ yếu là làm phiên dịch viên cho các công ty nước ngoài. Tuy kinh tế khó khăn nhưng điều đó không ảnh hưởng gì nhiều đến lòng đam mê môn thể thao trí tuệ mang tính nghệ thuật cao của người con gái miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Nếu như Ngọc Trâm dành rất nhiều thời gian cho việc tập luyện bi-da thì với Đoàn Sao một tuần chị chỉ có vài giờ rảnh để luyện tập. Tuy chỉ mới làm quen với nội dung Pool 9 bi và dù rất bận rộn với công việc nhưng chị vẫn ấp ủ nhiều khát vọng. Đoàn Sao bộc bạch: "Hiện nay nhiều người vẫn có quan niệm khắt khe và có cái nhìn không tốt về nữ giới đánh bi-da. Trước đây chúng tôi từng rất thất vọng khi có những lời đồn đoán rằng các cô gái ra vào ở các CLB bi-da thường với mục đích chính là chiêu dụ khách hàng. Thật không hiểu nổi, chúng tôi cũng có nghề nghiệp ổn định, mỗi người một ngành nghề, thích chơi bi-da vì đơn giản đó là niềm đam mê của mình”. Trưởng bộ môn Billiards và Snooker (Tổng cục TDTT) Đoàn Anh Tuấn cho biết, tuổi nghề của cơ thủ nữ ở Việt Nam thường rất thấp. Các cô thường bắt đầu chơi khi đã gần đến tuổi trưởng thành, nhưng một khi đã lập gia đình thì đành phải "gác cơ" vì chẳng mấy ai được đức lang quân của mình đồng ý cho suốt ngày luyện cơ bên bàn bi-da.

Thành tích tốt nhất của Billiards & Snooker nữ Việt Nam trên đấu trường quốc tế là chiếc huy chương đồng của Dương Thúy Vy ở SEA Games 25. Hy vọng với những khát khao thể hiện mình của những Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Đoàn Sao…sẽ giúp Billiards & Snooker nữ Việt Nam ngày càng phát triển hơn trong những năm tới, gặt hái được nhiều thành công ở sân chơi khu vực và quốc tế.

Giang Nam

Ý kiến bạn đọc