Tìm HLV trưởng đội tuyển quốc gia – sao VFF lại phải dùng “luật”?
Vừa qua, HLV Phan Thanh Hùng đã chính thức ra mắt trên cương vị quyền HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Thế là loay hoay mãi, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng đã tìm ra được vị thuyền trưởng cho đội tuyển (dù chỉ là tạm thời). Nhiều người thở phào lạc quan, nhưng cũng không ít người lo lắng cho quyết định này.
Người viết xin dùng từ “loay hoay” để nói về quá trình tìm kiếm người ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia (ĐTQG) vì bóng đá Việt Nam vốn đã tồn tại quá nhiều bất cập không giống ai, chẳng hạn như tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” hay “vừa đá bóng vừa thổi còi”, nay lại thêm một ông HLV kiêm nhiệm cả ĐTQG lẫn CLB thì không hiểu bè bạn quốc tế sẽ nhìn chúng ta bằng con mắt như thế nào. Điều này cũng đã được Tổng Cục TDTT quán triệt khi yêu cầu VFF thực hiện nghiêm trong việc lựa chọn vị trí HLV trưởng ĐTQG. Vì vậy, HLV Phan Thanh Hùng đã được lựa chọn, nhưng phải nhắc lại là vị HLV này chỉ đảm nhiệm cương vị quyền HLV chứ không phải là HLV chính thức. Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung cũng khẳng định, trong lần tập trung này, VFF chưa ký hợp đồng dài hạn với các HLV mà chỉ triệu tập họ như các HLV và cầu thủ khác lên làm nhiệm vụ tại ĐTQG theo đúng Điều lệ VFF và Quy chế hoạt động các ĐTQG. Thế nên, dù trước đó HLV Phan Thanh Hùng đã đặt điều kiện là “phải được kiêm nhiệm” thì mới làm, nay đã bị “quy chế” khuất phục mà VFF cũng tránh được tiếng là “HLV kiêm nhiệm cả ĐTQG lẫn CLB”.
Quả là nghịch lý khi mà việc dẫn dắt ĐTQG không chỉ là nghĩa vụ và trách nhiệm, đấy còn là cơ hội nghề nghiệp cực kỳ hứa hẹn với bất cứ HLV nào, chỉ cần một giải đấu thành công thì lập tức số phận của HLV trưởng ĐTQG sẽ thay đổi rất nhiều. Với ĐTQG Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Vị trí HLV trưởng ĐTQG Việt Nam từng là mục tiêu được thèm muốn của không ít tên tuổi lừng danh của bóng đá thế giới như Hristo Stoichkov, Walter Zenga…nhưng nay lại bị một số “ông thầy” tỏ ra hững hờ, chỉ vì VFF ra điều kiện phải làm việc chuyên trách và dài hạn. Rõ ràng, trong việc lựa chọn vị trí HLV trưởng ĐTQG, tất cả các bên đều chưa có sự chuẩn bị. Với VFF, trước nay đều kiên quyết “phải chuyên trách”, và dẫu đã gọi là “quyền HLV trưởng” thì ai cũng hiểu rằng, đến nay VFF đã thừa nhận “kiêm nhiệm cũng được”. Bởi khi mà kế hoạch tập huấn và giao hữu quốc tế đã như “nước đến chân” thì VFF gặp phải “thế khó” và cần phải “bốc” cho bằng được một ai đó “có vẻ được được” mà dẫn dắt đội tuyển. Phải chăng, VFF chỉ tạm “chữa cháy” mà chưa có kế sách làm yên lòng các HLV nội nên đành phải nghĩ cách ràng buộc bằng “quy chế” để triệu tập các HLV? Như thế liệu có đòi hỏi được sự tiến bộ của ĐTQG hay không, hiệu quả của đợt tập trung và tập huấn tại Trung Quốc tới đây sẽ như thế nào? Và nếu sau chuyến tập huấn, HLV Phan Thanh Hùng tiếp tục đưa ra điều kiện “kiêm nhiệm” thì VFF sẽ phải xử trí ra sao? Trong khi đó, một HLV khi được mời lên nắm giữ đội tuyển thì lại đặt điều kiện “phải được kiêm nhiệm” mới làm. Đây chỉ là cái cớ. Rõ ràng, HLV Phan Thanh Hùng không muốn rời bỏ vị trí đang có ở CLB T&T Hà Nội để đảm nhiệm vị trí mới. Nhiều người sẽ đặt dấu hỏi về năng lực thực sự của HLV Phan Thanh Hùng, nhưng cũng không ít người thông cảm cho ông này. Bởi ít nhiều gì thì HLV Phan Thanh Hùng cũng đã chứng tỏ được mình cả ở cấp độ CLB cũng như ở đội tuyển. Và khi đã ngồi vào chiếc “ghế nóng” ở ĐTQG, HLV này sẽ phải “đánh đu” với sự nghiệp bởi đã có những HLV phải ra đi trong cay đắng không phải vì yếu tố chuyên môn mà chỉ vì “không được lòng” một quan chức nào đó trong VFF.
Phát biểu tại buổi lễ công bố vị trí HLV trưởng ĐTQG, Phó chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung nói: “Chúng ta cần phải thay đổi nhận thức về ĐTQG, không chỉ những người làm chuyên môn bóng đá, HLV, cầu thủ, truyền thông báo chí, mà toàn xã hội cần thấy được tầm quan trọng của việc đầu tư, xây dựng chiến lược lâu dài, nỗ lực để xây dựng đội tuyển Việt Nam, nâng cao sức mạnh để đội tuyển Việt Nam trở thành một đội bóng có sức cạnh tranh trong khu vực”. Phát biểu to tát này của ông Trung bắt nguồn từ thực trạng của bóng đá Việt Nam. Quả đúng như vậy, nhưng dường như là quá thừa và không đúng thời điểm chút nào. Cái cần thay đổi không chỉ là nhận thức về ĐTQG mà của cả nền bóng đá. Mà cái nơi cần phải thay đổi nhất cả về nhận thức lẫn việc làm đối với bóng đá Việt Nam lại chính là VFF.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc