“Bản sắc” - Yếu tố làm nên sự thành bại của các đội bóng tại Euro 2012
Euro 2012 đã kết thúc, một mùa hè sôi động và rực rỡ đã trôi qua với rất nhiều kỷ niệm vui – buồn. Và sẽ là lỗi thời nếu nhắc đến hai từ bản sắc tại vòng chung kết lần này khi có quá nhiều đội bóng đã từ bỏ lối chơi truyền thống của mình. Tuy nhiên, tại Euro 2012, yếu tố “bản sắc” đó lại chính là yếu tố làm nên sự thành – bại của các đội bóng.
Dù không đoạt chức vô địch, nhưng Bồ Đào Nha là một trong số ít những đội bóng giữ được “bản sắc” của mình tại Euro 2012. |
Nền bóng đá thế giới không có quá nhiều đội bóng xây dựng và duy trì được lối chơi mang phẩm chất riêng của mình để mỗi khi nhắc đến một đội bóng nào đó người ta lại nghĩ ngay đến những phẩm chất ấy. Tại châu Âu cũng vậy, khi nói đến những Hà Lan, Italia, Bồ Đào Nha, Đức hay Tây Ban Nha, người hâm mộ môn túc cầu thường nghĩ ngay đến “Cơn lốc màu da cam”, “lối chơi catenaccio”, “Brazil của châu Âu”, “Cỗ xe tăng”, “Cuồng phong màu đỏ”…
Đầu tiên phải kể đến đội tuyển Hà Lan. Thất bại tại Euro 2012 được xem như là “vết nhơ” trong lịch sử của bóng đá nước này. Biểu tượng mĩ miều “Cơn lốc màu da cam” mà họ có được nhờ lối chơi tấn công tổng lực đã không được các cầu thủ Hà Lan phát huy. Điều này không phải đến Euro 2012 người ta mới nhận ra mà ngay từ World Cup 2012 đã xuất hiện. Dù lọt vào đến trận chung kết trên đất Nam Phi, nhưng sự thận trọng thái quá đã khiến Hà Lan thất bại và “di chứng” ấy kéo dài đến tận hôm nay. Ngược lại với Hà Lan là đội tuyển Italia và đội tuyển Đức. Đội tuyển Italia dưới thời HLV Prandelli đã mạch lạc hơn trong lối chơi tấn công chứ không quá thiên về lối chơi phòng ngự sở trường. Còn với bóng đá Đức, hình ảnh “cỗ xe tăng” quá chắc chắn nhưng chậm chạp và khô khan bắt đầu thay đổi khi HLV Klinsmann dẫn dắt đội tuyển vào năm 2006. Và cho đến thời của HLV Joachim Loew thì bộ mặt bóng đá Đức đã thay đổi hẳn với lối chơi tấn công đầy tính cống hiến. Đó là những thay đổi tích cực, mang lại cho người hâm mộ những trận đấu hấp dẫn đầy tính cống hiến. Thế nhưng, để đạt đến thành công, hai đội bóng này lại đánh mất “bản sắc” ở những thời khắc quyết định.
Đội tuyển Đức đã có một lộ trình hết sức hoàn hảo trước khi gục ngã trước chính Italia trong trận bán kết. Khi “cỗ xe tăng” cần sự thận trọng, khoa học nhất thì người Đức đã để sự chủ quan lấn át mình. Nhìn cái cách nhập cuộc của tuyển Đức, có vẻ như họ muốn hạ gục Italia ngay trong hiệp đấu thứ nhất. Ngay sau tiếng còi khai cuộc, các học trò của HLV Joachim Loew đã tràn lên tấn công và nếu không có Andrea Pirlo lui về khung thành đỡ đường bóng thay cho thủ môn Buffon thì trung vệ Hummels đã ghi tên mình trên bảng điện tử ở phút thứ 6 của trận đấu. Việc một trung vệ lên tham gia tấn công ngay từ những phút đầu của trận đấu chứng tỏ tuyển Đức không hề thăm dò trong một trận cầu đỉnh cao và có tính chất quan trọng như một trận bán kết của VCK Euro. Và đây cũng là lúc vấn đề bản sắc được đặt ra. Nếu như người Đức giữ lại một chút bản sắc của “cỗ xe tăng” chậm chạp, với lối chơi thăm dò để tìm ra kẽ hở của hệ thống phòng ngự Italia, thì chắc chắn họ sẽ không phải đón nhận hai bàn thua ngay trong hiệp đấu thứ nhất. Và nếu như HLV Joachim Loew giữ lại một chút bản sắc của “cỗ xe tăng” lạnh lùng thì tuyển Đức đã không quá nôn nóng, dẫn đến những pha phối hợp thiếu chuẩn xác ở hiệp thi đấu thứ hai. Trong khi đó, đội tuyển Italia lại dẫm lại đúng vết xe đổ của kẻ đã bị mình đánh bại khi đối đầu với Tây Ban Nha ở trận chung kết. Chính sự thận trọng đã giúp Italia lần lượt vượt qua Anh, Đức. Thế nhưng, với màn thể hiện tuyệt vời trước đội tuyển Đức đã khiến người Italia bộc lộ sự tự mãn. Chưa bao giờ người Italia lại hưng phấn đến như vậy. Chính sự hưng phấn thái quá đã khiến cái chất catenaccio dường như biến mất mà thay vào đó là sự “ngây thơ” đến khó hiểu. Họ nhập cuộc với tư tưởng ăn thua với “Bò tót” và đã phải trả giá đắt.
Hai đội bóng được xem là thể hiện khá thành công trong việc lưu lại chút “bản sắc” là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha và chính điều đó đã tạo nên sự thành công cho hai người láng giềng trên bán đảo Iberia này. Sự thận trọng cũng đã bắt đầu xuất hiện trong lối chơi của Bồ Đào Nha, nhưng những phẩm chất làm nên thương hiệu “Brazil của châu Âu” vẫn bộc lộ rõ nét. Không quá ào ạt như trước đây, nhưng lối chơi đậm chất Nam Mỹ đầy cống hiến vẫn còn nguyên vẹn. Bên cạnh sự cống hiến, người Bồ cũng đang thể hiện một bộ mặt tấn công cực kỳ đa dạng và hiệu quả. Sự hoa mỹ, cuốn hút trong lối chơi được thầy trò HLV Paulo Bento trình diễn khá thành công. Trong khi đó, Tây Ban Nha đoạt chức vô địch bằng lối chơi tiqui-taca đầy biến ảo. Tuy nhiên, điều đáng nói là người Tây Ban Nha đã biết nổi “trận cuồng phong màu đỏ” rất đúng lúc. Nhìn lại cả quá trình bảo vệ ngôi vô địch châu Âu của Tây Ban Nha mới thấy được hiệu quả khi mà “bản sắc” được thể hiện đúng lúc. Từ vòng bảng đến bán kết, Tây Ban Nha chỉ chơi tạm được trong trận ra quân gặp đội tuyển Italia. Rất nhiều người tỏ ra nghi ngờ sức mạnh thật sự của “Bò tót”. Thế nhưng đến trận chung kết, họ đã đạt đến đỉnh điểm trong lối chơi tiqui-taca của mình.
Euro 2012 đã chứng minh bóng đá không nằm ngoài quy luật phát triển của nhân loại. Trong sự phát triển ấy, nếu “bản sắc” được phát huy đúng lúc thì sẽ mang lại hiệu quả to lớn. Ngược lại, nếu đánh mất “bản sắc” coi như cũng tự đánh mất mình.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc