Thể thao Việt Nam tham dự Olympic London 2012: Lại là “cọ xát, học hỏi”
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic London 2012 với lực lượng hùng hậu nhất từ trước đến nay với 18 VĐV và thi đấu ở 11 môn thể thao. Đáng chú ý, các VĐV Việt Nam có mặt ở cả 5 môn thể thao truyền thống của Olympic là Điền kinh, Bơi lội, TDDC, Vật, Bắn súng, Cử tạ và đa phần trong số này đều giành quyền tham dự thông qua các tấm vé chính thức nhờ thành tích đạt chuẩn. Rõ ràng, đây là bước tiến đáng kể của thể thao Việt Nam, tuy nhiên hy vọng có huy chương tại đại hội thể thao lớn nhất thế giới này lại đang là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn cho các VĐV Việt Nam.
Phan Thị Hà Thanh là gương mặt sáng giá nhất có thể mang về tấm huy chương cho doàn thể thao Việt Nam tại Olympic London 2012. |
Nhìn vào danh sách 18 suất tham dự Olympic London 2012 của đoàn Thể thao Việt Nam, có thể thấy khả năng tranh chấp huy chương là rất nhỏ. Ở một số môn như Rowing, Bơi lội, Điền kinh, Bắn súng, Judo, Vật...mặc dù trình độ của các VĐV Việt Nam đã có bước phát triển đáng ghi nhận tuy nhiên do đây là những môn thi mà có rất nhiều quốc gia trên thế giới đã có trình độ rất cao, dẫn đến cuộc cạnh tranh sẽ là cực kỳ khốc liệt và cơ hội để các VĐV Việt Nam đoạt huy chương dường như là “nhiệm vụ bất khả thi”. Các môn thi đấu có khả năng mang lại huy chương như Cử tạ, TDDC hay Teakwondo thì thành tích hiện tại cũng chưa thể xếp vào nhóm có khả năng làm nên điều bất ngờ. Những gương mặt như: Phan Thị Hà Thanh – Ngân Thương hay Phạm Phước Hưng (TDDC), Trần Lê Quốc Toàn (Cử tạ) hay Lê Huỳnh Châu – Chu Hoàng Diệu Linh (Taekwondo) dù đã đạt chuẩn, nhưng nếu không thể hiện được hết năng lực của mình (khả năng rất hay xảy ra với thể thao Việt Nam ở những giải đấu lớn do thiếu sự cọ xát) thì thành tích chưa hẳn đã được như kỳ vọng.
Có thể nói, hy vọng có huy chương của đoàn thể thao Việt Nam “dồn” hết vào môn TDDC. Đây là bộ môn mà thể thao Việt Nam đã đầu tư từ rất lâu và được đánh giá là phù hợp nhất đối với thể thao Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, sự góp mặt của các thành viên trong đội TDDC cũng chưa hẳn là ấn tượng. Với Ngân Thương, dù đã gây ấn tượng mạnh tại SEA Games 26 sau án treo giò vì dính doping ở Olympic 2008, nhưng cũng chỉ là một trong số những VĐV nằm trong danh sách dự bị tại Olympic 2012. Ở vòng loại, Đỗ Thị Ngân Thương không đạt thành tích tốt khi chỉ xếp 72 trong số 96 VĐV tranh tài. Và “Búp bê Hà Nội” được đôn lên danh sách chính thức do có VĐV bị chấn thương nặng không thể tham dự. Trong khi đó, Phước Hưng cũng là một VĐV nhận “vé vớt” khác của đội TDDC. Theo cách tính của TDDC thế giới (FIG), mỗi quốc gia sẽ chỉ có 1 VĐV đạt thành tích tốt nhất được tham dự ở Olympic 2012. Nhưng vì trong số 98 nam VĐV tham dự vòng loại, có nhiều VĐV thi đấu ở nội dung đội tuyển nên sau khi FIG loại các VĐV không đáp ứng với tiêu chí trên, Phước Hưng đã được xếp thứ 26 và đoạt vé chính thức dự Olympic 2012, dù trước đó thứ hạng của anh sau 6 bài thi là 43. Nổi bật nhất trong số những “gương mặt vàng” của đội TDDC là Phan Thị Hà Thanh. Sau khi “tỏa sáng” ở SEA Games 26, Hà Thanh lại khẳng định mình ở các giải quốc tế hàng đầu trong hệ thống thi đấu của FIG. Nhờ đó cô gái này đoạt quyền đến London tranh tài ở cả 2 nội dung nhảy ngựa và toàn năng. Những pha nhảy nhuần nhuyễn, có độ khó cao ở bài thi nhảy ngựa được Hà Thanh thực hiện thuần thục. Đây cũng là nội dung sở trường từng mang về cho Hà Thanh nhiều thành tích cao như ngôi vô địch giải Nhật Bản mở rộng, HCĐ Giải vô địch thế giới…Thế nhưng, những thành tích đó cũng chính là áp lực không nhỏ đối với Hà Thanh khi bước vào một giải đấu quy tụ những VĐV ưu tú nhất của thể thao thế giới.
Đáng tiếc nhất là những VĐV được tập trung đầu tư trọng điểm trong thời gian khá dài cho Olympic lần này như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng (Điền kinh) hay Hoàng Quý Phước (Bơi) lại không thể giành quyền góp mặt tại London. Đây là những VĐV có bề dày kinh nghiệm, cùng với việc đã từng gặt hái nhiều thành công ở đấu trường châu Á và có khả năng vươn lên tầm thế giới. Mặc dù đã tiêu tốn khá nhiều tiền của để “bồi dưỡng”, nhưng ở những thời điểm quyết định (thời điểm tham dự các giải để đạt chuẩn tham dự Olympic) thì cả 3 VĐV này đều thể hiện phong độ không cao, đặc biệt là Quý Phước và Vũ Thị Hương.
Nếu xét tương quan thành tích giữa các VĐV Việt Nam với các VĐV của thể giới trong thời điểm hiện nay, rõ ràng việc kiếm được huy chương tại Olympic London là điều gần như không tưởng. Thế nhưng, hy vọng sự nỗ lực cũng như quyết tâm, sự khát khao chiến thắng của mỗi VĐV sẽ mang về một kỳ Olympic thành công cho thể thao Việt Nam.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc