Multimedia Đọc Báo in

Để quần vợt Dak Lak vươn lên tầm cao mới…

21:58, 02/10/2012

Những năm đầu thập kỷ 90, trên bảng thành tích quần vợt nước nhà, Dak Lak được xem như một điểm sáng, trong đó nổi bật nhất là chiếc Huy chương Đồng SEA Games 22 của “cây vợt” Phan Như Quỳnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, quần vợt tỉnh ta đã và đang bị chựng lại, chưa xuất hiện nhân tố mới nào và chỉ còn phát triển dưới dạng phong trào.

“Vang bóng một thời!”

Những năm đầu thập niên 90, quần vợt được xem là môn thể thao thế mạnh của Dak Lak tại mọi giải đấu khu vực và toàn quốc, chỉ đứng sau Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Sóc Trăng. Lúc đầu, cả tỉnh chỉ có 2 sân Tennis với số lượng người tập rất khiêm tốn bởi đây là môn thể thao đòi hỏi người chơi phải có lòng đam mê và kiên trì. Trước nhu cầu của xã hội đồng thời nhằm thúc đẩy phong trào quần vợt phát triển theo hướng xã hội hóa, năm 1996 Liên đoàn Quần vợt Dak Lak chính thức được thành lập. Từ đó, môn quần vợt có những bước phát triển mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Số lượng người tập luyện, thi đấu không ngừng tăng lên, không chỉ phát triển dưới dạng phong trào mà thể thao thành tích cao cũng xuất hiện nhiều “cây vợt” có tiếng tăm. Đặc biệt, đã xuất hiện một “hiện tượng” của làng quần vợt, một tài năng với những cú đánh bằng cả hai tay rất uy lực, đó là “cây vợt” Phan Như Quỳnh. Quỳnh bắt đầu cầm vợt lúc mới 15 tuổi và tiếp cận “trái banh nỉ” chẳng phải là “cơ duyên” gì đặc biệt, đơn giản là vì gia đình kinh doanh sân Tennis, giúp cha mẹ nhặt banh, thấy người ta đánh thì thích quá, đòi bố cho tập. Chỉ sau 2 tháng cầm vợt, Quỳnh được tham dự Giải Thanh thiếu niên toàn quốc năm 2000 tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh và đoạt giải ba, sau đó được triệu tập vào đội tuyển quốc gia. Trở thành vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp Quỳnh thi đấu chính thức tại SEA Games 22 (tổ chức ở Việt Nam năm 2003) cùng các đồng đội Huỳnh Mai Huỳnh, Nguyễn Thùy Dung, Trần Kim Lợi mang về cho thể thao Việt Nam tấm huy chương Đồng nội dung đồng đội nữ. Ngoài Phan Như Quỳnh đã làm rạng danh môn quần vợt Dak Lak trên đấu trường quốc gia và khu vực, lúc bấy giờ tỉnh ta còn có VĐV Lê Nguyễn Thùy Trang cũng là “cây vợt” có tiếng tăm và từng được đưa đi tập huấn ở một trường đào tạo nhà nghề tại Mỹ với kinh phí luyện tập lên tới 30.000 USD…

Các
Các "cây vợt" phong trào thi đấu tại Giải Quần vợt lãnh đạo, cán bộ quản lý tỉnh Dak Lak năm 2012.

Câu chuyện về những ngày tháng huy hoàng của quần vợt Dak Lak những năm đầu thập niên 90 xem ra chỉ còn “vang bóng một thời”. Hơn chục năm nay, dù số lượng hội viên chính thức và không chính thức ở các câu lạc bộ (CLB) thường xuyên tham gia tập luyện, thi đấu phát triển nhanh chóng nhưng xem ra môn thể thao này chỉ còn mang tính chất phong trào, còn với thể thao thành tích cao dường như đã bị “xóa tên” trên bảng thành tích quần vợt nước nhà.

Thế mạnh cần được phát huy

Theo thống kê, hiện nay hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều đã xây dựng hệ thống sân bãi, trong đó nhiều sân đạt chuẩn quốc gia, hằng ngày thu hút khá đông “cây vợt” phong trào tập luyện và thi đấu. Toàn tỉnh có gần 70 sân quần vợt (chủ yếu là sân của các đơn vị, doanh nghiệp và tư nhân đầu tư xây dựng) với trên 1.500 hội viên. Hằng năm Liên đoàn Quần vợt phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức các giải quần vợt nhằm tạo điều kiện cho VĐV được thi đấu cọ xát, giao lưu, đồng thời đánh giá trình độ của VĐV phong trào. Bên cạnh đó, còn phối hợp hỗ trợ các ban,  ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tổ chức giải tại đơn vị, thông qua các giải tuyển chọn những VĐV tiềm năng để bổ sung cho đội tuyển của Liên đoàn Quần vợt tỉnh tham dự các giải khu vực và quốc gia. Ông Đoàn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Quần vợt Dak Lak cho biết: Quần vợt là môn đầu tư khá tốn kém nên nhiều gia đình ngại, muốn tập trung cho con cái học văn hóa, nhiều em có năng khiếu tốt nhưng cũng chỉ mãi là năng khiếu, quẩn quanh trong các giải tỉnh. Chi phí đầu tư một sân quần vợt từ vài trăm triệu đồng trở lên, nếu không bảo quản, sử dụng tốt sân sẽ xuống cấp khá nhanh. Để có một cây vợt “đạt chuẩn” người chơi phải bỏ ra số tiền ban đầu là không nhỏ (chừng 3 triệu đồng). Ngoài ra, tiền thuê sân bãi thi đấu hằng ngày cũng khá tốn kém (50-100 nghìn đồng/giờ). Một hạn chế khác của quần vợt là lớp trẻ tập luyện môn này rất ít, đa số những người lớn tuổi đến với môn thể thao này chủ yếu rèn luyện sức khỏe, chơi phong trào…

Phong trào quần vợt ở tỉnh ta đang phát triển rộng, tiềm năng dồi dào nhưng chưa được khơi dậy, chưa phát huy hết thế mạnh hiện có. Nếu được quan tâm đầu tư về mọi mặt, hy vọng trong tương lai không xa quần vợt Dak Lak sẽ có sự phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng.

Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc