Multimedia Đọc Báo in

V-League trên đường tìm lại giá trị thật

14:08, 10/11/2012

Giải Vô địch bóng đá Quốc gia Việt Nam (V-League) từng được xem là giải đấu hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng đến hôm nay, sau hơn 10 năm mang tên V-League, giải đấu này lại đang đứng trước nguy cơ không thể tồn tại được.

Vòng luẩn quẩn mang tên V-League

Còn nhớ mùa bóng 2000-2001, lần đầu tiên giải Vô địch bóng đá Quốc gia Việt Nam mang tên V-League, đã xảy ra “nghi án” đội Sông Lam Nghệ An dùng tiền "mua" chức vô địch. Khi ấy, “nghi án” rộ lên khi Ban tổ chức ở vòng đấu cuối đã mang sẵn cúp vô địch đến sân Vinh chứ không phải sân Thống Nhất, dù lúc đó SLNA đang kém đội đầu bảng Nam Định 2 điểm. Khởi đầu ấy dường như đã báo hiệu sự bất ổn cho một giải đấu ngay từ lần đầu tiên được tổ chức. Thực tế đã chứng minh điều đó. Mỗi mùa giải đi qua để lại sau nó hàng loạt vấn đề cần giải quyết. Từ vấn đề trọng tài, đến chuyện một ông bầu nắm nhiều CLB…Nhưng tất cả đều không tìm thấy lối ra, thậm chí mùa giải sau vấn đề lại càng nghiêm trọng hơn mùa giải trước. Duy chỉ có điều dễ nhận thấy nhất là sau mỗi mùa giải, khán giả lại đến sân ít hơn. Đến mùa giải 2011-2012, V-League được trao vào tay Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) lại mang đến cho người hâm mộ chút hi vọng với những tuyên bố hùng hồn về việc “chung tay xây dựng nền bóng đá nước nhà” của các “ông bầu” được đưa ra. Thế nhưng đâu lại vào đấy. Chính các “ông bầu” ấy lại là những người không tuân thủ luật chơi khiến cho giải đấu đến tận ngày hôm nay không những không thể mang dáng vóc “chuyên nghiệp” mà còn đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Bởi suy cho cùng, dù không nói ra nhưng ai cũng thừa hiểu V-League là “sân chơi” của các “ông bầu” lắm tiền nhiều của này. Mới đây nhất, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã tổ chức Hội thảo bóng đá chuyên nghiệp và chuẩn bị mùa giải 2013. Đáng ra sau quãng thời gian dài “lên chuyên”, những hội thảo như vậy phải là nơi để bàn về sự phát triển lên tầm cao mới của bóng đá nước nhà, nhưng hội thảo này lại được mở ra để…xác định số đội tham dự giải vô địch quốc gia và hạng nhất quốc gia năm 2013. Mà đâu đã xong, Hội thảo đã “tranh luận” gay gắt và biểu quyết thông qua quyết định…lùi thời điểm đăng ký tham dự giải tới ngày 8-12, tức là muộn hơn so với kế hoạch hơn 1 tháng.

Thế nên có thể nói, kết quả của hơn 10 năm làm bóng đá “chuyên nghiệp”, V-League là con số không tròn trĩnh, là người hâm mộ mất niềm tin và quay lưng với bóng đá trong nước…

Khán đài ngày càng vắng khán giả là kết quả dễ nhận thấy nhất của Giải vô địch quốc gia sau hơn 10 năm mang tên V-League.   Ảnh: Internet
Khán đài ngày càng vắng khán giả là kết quả dễ nhận thấy nhất của Giải vô địch quốc gia sau hơn 10 năm mang tên V-League. Ảnh: Internet

Tìm về giá trị thực

Rõ ràng, trong một thời gian dài tiến lên “bóng đá chuyên nghiệp”, V-League đã bộc lộ quá nhiều sư khập khiễng. Nền tảng nội lực không có cùng với việc “dựa dẫm” quá nhiều vào túi tiền của một vài “ông bầu” khiến V-League luôn ở trong thế “đi trên dây”. Đến khi những ông bầu này “chán bóng đá” hay “hết tiền” thì đương nhiên cả nền bóng đá cũng phải lao đao. Chẳng hạn, trước nay CLB bóng đá Hà Nội và Trẻ Hà Nội sống hoàn toàn bằng tiền túi của bầu Kiên nên khi ông bầu tóc bạc bị bắt, hai đội bóng này không còn nguồn thu, tương lai của các đội bóng này trở nên vô cùng u ám. Thế nên việc đưa V-League về với giá trị vốn có của nó là điều sớm muộn phải làm. Tuy nhiên cũng cần phải có những bước đi phù hợp, có lộ trình bài bản. Chẳng hạn mới đây tại Hội thảo bóng đá chuyên nghiệp và chuẩn bị mùa giải 2013, một trong những điều khoản sửa đổi, bổ sung Quy chế bóng đá chuyên nghiệp đó là từ mùa giải mới, các câu lạc bộ bị nghiêm cấm trả phí ký hợp đồng (phí lót tay) cho cầu thủ. Đây là điều cần phải bàn đến. Đồng ý là suốt thời gian qua giá trị cầu thủ đã bị đẩy lên quá cao, khác xa với giá trị thật mà họ mang lại. Thế nhưng ai cũng biết, không chỉ bóng đá Việt Nam, cả ở nền bóng đá thế giới thì thu nhập hay nói chính xác hơn là cuộc sống của giới cầu thủ phụ thuộc hoàn toàn vào khoản phí lót tay và lương. Họa hoằn lắm mới có được những hợp đồng quảng cáo, mà cũng phải thuộc dạng “siêu sao” thì mới được các nhà kinh doanh để ý đến. Vậy nên nếu điều này được thực thi thì có thể nói đây là bước lùi lớn đối với bóng đá Việt Nam, và không ai dám chắc rằng các cầu thủ không làm việc khác thay vì toàn tâm toàn ý chơi bóng, bởi suy cho cùng thì “có thực mới vực được đạo”. Điều quan trọng nhất là các “ông bầu” tuân thủ đầy đủ luật chơi, không “chạy đua”, không “đi đêm” với cầu thủ thì chắc chắn cầu thủ cũng  không có cơ hội để “làm giá”. Hay như quy định về số lượng cầu thủ ngoại của 1 CLB. Theo đó, tại mùa giải mới, các CLB V-league sẽ được đăng ký 3 cầu thủ ngoại, đưa vào sân 3 cầu thủ; các đội bóng hạng Nhất được đăng ký 2 cầu thủ ngoại đưa vào sân thi đấu 2 cầu thủ; ở Cúp Quốc gia và Siêu Cúp Quốc gia các đội bóng được đăng ký 2 cầu thủ ngoại, sử dụng 2 cầu thủ trên sân cũng chưa hẳn là phương án tối ưu. Mục đích của quy định trên là tạo điều kiện để cầu thủ trong nước có nhiều cơ hội ra sân hơn và giảm bớt gánh nặng kinh tế cho các CLB. Thế nhưng, nếu các đội bóng vẫn cố chạy theo thành tích thì cầu thủ nhập tịch sẽ được họ lựa chọn và cơ hội với các cầu thủ trong nước vẫn chưa hẳn đã nhiều. Và quy định này sẽ có tác dụng ngược bởi sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh trong mỗi đội bóng.

Rõ ràng, V-League đang còn quá nhiều vấn đề. Để tồn tại và phát triển được, V-League cần có chiến lược phù hợp hơn trong thời gian tới. Cần có những thay đổi triệt để về tư duy lẫn cách làm từ những người đang nắm trọng trách đối với bóng đá Việt Nam.

Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc