Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam đăng cai ASIAD 2019: Rằng vui thì thật là vui...

10:39, 16/11/2012

Việt Nam vừa được Hội đồng Olympic châu Á (OCA) trao quyền đăng cai Đại hội Thể thao châu Á lần thứ  18 (ASIAD 2019). Đây được xem là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, niềm vui ấy lớn bao nhiêu thì nỗi lo cũng lớn bấy nhiêu…

Thể thao Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng kế cận đủ tầm tranh tài ở ASIAD.
Thể thao Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng kế cận đủ tầm tranh tài ở ASIAD.

Việc xin đăng cai ASIAD là cả một quá trình đầy khó khăn thử thách đối với không chỉ riêng Việt Nam mà ở hầu hết các quốc gia. Bởi lẽ để trở thành nước chủ nhà của một Đại hội thể thao mang tầm châu lục cần đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn. Ngoài việc bảo đảm các điều kiện về hệ thống cơ sở vật chất cho tập luyện và thi đấu các môn thể thao theo tiêu chuẩn của OCA, còn phải đảm bảo các yếu tố về môi trường, giao thông, an ninh... Hơn thế, việc đăng cai một kỳ đại hội thể thao lớn như ASIAD không chỉ giúp nền thể thao trong nước phát triển mà còn tạo cơ hội hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và tạo hiệu ứng kinh tế, xã hội tích cực (tạo công ăn việc làm và nguồn thu lớn từ du lịch). Rõ ràng đó là cơ sở thực tiễn để ngành thể thao nhận được sự ủng hộ của Chính phủ khi quyết định chạy đua giành quyền đăng cai ASIAD 18. Tuy nhiên phải nhấn mạnh rằng, cơ sở thực tiễn ấy chỉ mang tính lý thuyết, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Để tổ chức một Đại hội thể thao lớn người ta phải thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ. Việt Nam đã từng tổ chức thành công SEA Games 22 năm 2003, ASIAN Indoor Games 2009 (Đại hội Thể thao châu Á trong nhà) năm 2009… nhưng ASIAD lại là vấn đề hoàn toàn khác. Quy mô, trình độ tổ chức, điều hành, cơ sở vật chất thi đấu và phục vụ thi đấu, chuẩn bị lực lượng VĐV tham gia...đều đòi hỏi cao hơn rất nhiều. Thực tế theo đề án ban đầu của Tổng cục Thể dục Thể thao, để tổ chức được ASIAD 19, Việt Nam sẽ phải bỏ ra 300 triệu USD. Trong thời điểm Chính phủ đang phải giải quyết rất nhiều vấn đề như việc cải thiện mức sống, tăng tiền lương, ngân sách… nay phải đầu tư một khoản rất lớn để tổ chức ASIAD ngay lập tức vấp phải sự phản đối của dư luận. Để nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, kinh phí đăng cai ASIAD 18 đã được Tổng cục Thể dục Thể thao giảm xuống còn một nửa. Trả lời phỏng vấn của báo chí, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Vương Bích Thắng cho biết, trong số 150 triệu USD thì 72 triệu USD dùng để xây mới các sân bóng bầu dục, bóng chày, hockey, sân đua ngựa, trung tâm tennis, đồng thời hoàn thiện một số công trình cần thiết khác của Khu Liên hợp Thể thao Xuân Trạch; ngoài ra, còn có thêm trung tâm đua canoeing, rowing tại Hồ Tây, sân đua xe đạp lòng chảo nằm trong Khu Liên hợp Thể thao Mỹ Đình… Bên cạnh đó, những công trình ở Hà Nội từng được sửa chữa năm 2009 để phục vụ Asian Indoor Games sẽ được nâng cấp, tu bổ để phục vụ ASIAD. Phần còn lại là dành cho hoạt động của ban tổ chức, tiểu ban chuyên môn... Như vậy, với cách tính của Tổng cục Thể dục Thể thao thì 300 triệu USD cũng được mà 150 triệu USD cũng xong! Chỉ nhìn vào khía cạnh này thôi cũng đã đủ gây quan ngại cho những người quan tâm đến vấn đề này. Bởi tổ chức được và tổ chức như thế nào lại là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Nhưng đáng lo hơn là kiểu “chuyện đã rồi”, “đâm lao thì phải theo lao”. Lúc ấy, kinh phí tổ chức có bị “đội” lên bao nhiêu lần đi nữa cũng phải “cắn răng” mà làm để giữ thể diện với bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, để tổ chức ASIAD cần huy động nguồn nhân lực rất lớn, tham gia trực tiếp các hoạt động thi đấu với rất nhiều vị trí khác nhau từ vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, giám sát, cán bộ kỹ thuật, tình nguyện viên... Với trình độ tổ chức và thi đấu cao như ASIAD, đây lại là vấn đề hết sức khó khăn với thể thao Việt Nam. Trước hết là những người phụ trách điều hành các môn thi đấu phải có kinh nghiệm qua nhiều lần công tác điều hành trong nước và quốc tế; các trọng tài cần phải có trình độ đẳng cấp quốc tế. Thế nhưng chương trình thi đấu của ASIAD có rất nhiều môn lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam như hockey, kabokaBaddi, 5 môn phối hợp hiện đại, bóng bầu dục, Squash... thì một “bài toán khó” nữa lại đặt ra với những nhà tổ chức. Nhưng khó khăn nhất là các vận động viên trực tiếp thi đấu. Lực lượng vận động viên thành tích cao của Việt Nam đang "hiếm" hơn bao giờ hết. Việc đầu tư theo kiểu "ăn xổi" khiến cho lực lượng vận động viên kế cận không đầu tư đúng mức. Liệu thời gian 7 năm còn lại, thể thao Việt Nam có cho "ra lò" một thế hệ vận động viên có thể tranh chấp huy chương ở tầm châu lục không?

Trong nhiều ngày qua, việc Việt Nam đăng cai ASIAD 2019 không những không nhận được sự đón nhận hào hứng, ngược lại, nhiều người còn ví việc Việt Nam đăng cai ASIAD 2019 như thể đã “ngồi lên lưng hổ”. Đã ngồi lên lưng hổ thì kiểu gì cũng phải đi đến đích. Thế nhưng, những nhà quản lý thể thao Việt Nam cần phải có chiến lược đúng đắn để việc đăng cai ASIAD không để lại những hậu quả nặng nề…

 Giang Nam

Nước chủ nhà thường lỗ nặng vì ASIAD

Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á từng 4 lần đăng cai ASIAD vào các năm 1966, 1970, 1978 và 1998. Theo báo cáo của Ban tổ chức ASIAD 1998, chi phí điều hành ước tính 2,67 tỷ baht tại thời điểm đó (hơn 86,8 triệu USD tính theo tỷ giá mới nhất). Trong khi đó, doanh thu do Á vận hội mang về đạt 2,73 tỷ baht, tương đương 88,8 triệu USD. Nhưng thực tế Thái Lan đã chi tới 19,3 tỷ baht (627,7 triệu USD) đầu tư cho cơ sở hạ tầng liên quan tới ASIAD.

Năm 2002, Hàn Quốc đăng cai ASIAD 14, địa điểm tổ chức là Busan. Chi phí điều hành cả kỳ hồi đó khoảng 182,5 tỷ won (167,4 triệu USD), trong khi doanh thu đạt 243,4 tỷ won (223,2 triệu USD). Thế nhưng, tổng vốn đầu tư lại vượt quá xa so với hai con số trên. Busan đã chi tới 3.140 tỷ won (2,9 tỷ USD) tiền đầu tư trực tiếp vào ASIAD 14.

Năm 2010, ASIAD 16 được tổ chức tại thành phố Quảng Châu (Trung Quốc). Vào tháng 3-2005, một thành viên Hội đồng thành phố Quảng Châu tuyên bố "ASIAD sẽ không tốn quá 2 tỷ nhân dân tệ" (317,8 triệu USD). Tháng 10-2010, ông Vạn Khánh Lương, Chủ tịch thành phố Quảng Châu thông báo tổng chi phí cho ASIAD và Asian Para Games khoảng 122,6 tỷ nhân dân tệ (17 tỷ USD). Số tiền cụ thể sẽ được công bố trước năm 2013.

Mới đây nhất, báo cáo của thành phố Incheon (Hàn Quốc) về khoản đầu tư cho Á vận hội 17 được tổ chức vào năm 2014 cho hay, số tiền này đã tăng 110% so với dự toán ban đầu, mặc dù Hàn Quốc đã có kinh nghiệm tổ chức ASIAD 14 vào năm 2002.

(Nguồn: Internet)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.