Bóng đá Việt Nam - đã đến lúc xắn tay hành động
Tại AFF Cup vừa qua, đội tuyển Việt Nam được đánh giá là một trong những ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch. Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam đã phải chia tay giải đấu từ vòng bảng, từ thất bại có thể nói là tất yếu này, những người làm bóng đá Việt Nam cần phải có những hành động kiên quyết để vực dậy nền bóng đá nước nhà.
Đã đến lúc cần có những con người bản lĩnh hơn để chèo lái “con thuyền bóng đá Việt Nam”. |
Chiều 5-12, trong cuộc họp giữa ban huấn luyện đội tuyển quốc gia với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), phân tích về thất bại ở AFF Cup 2012, HLV trưởng Phan Thanh Hùng đã xin từ chức. Quyết định của ông Hùng đã được lãnh đạo VFF chấp thuận. Đây dường như là thông tin được dự báo trước bởi đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Phan Thanh Hùng được đánh giá là đội bóng kém nhất trong lịch sử. Việc HLV Phan Thanh Hùng từ chức là việc nên làm, nhưng điều khiến người hâm mộ “ngã ngửa” là trong cuộc họp giữa ban huấn luyện đội tuyển quốc gia với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, mổ xẻ về thất bại ở AFF Cup 2012, Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng cho biết, trong năm 2012 không có người làm công tác chuyên môn. Bởi Phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn toàn tâm toàn ý cho Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và không thể cống hiến cho VFF. Vì thế, công tác tập huấn của ban huấn luyện không có ai làm. Các thành viên trong VFF cũng đã lên tiếng nhận trách nhiệm về thất bại của đội tuyển nước nhà. Tuy nhiên, ngoài ông Hùng, không thành viên nào khác từ chức. Cả một liên đoàn đặc thù chuyên môn lại…không có ai làm chuyên môn. Thừa nhận của ông Dũng cho thấy cả một “bộ máy quyền lực VFF” cần phải nhìn lại mình chứ không thể để xảy ra tình trạng có “con tốt thí” rồi thì thôi.
Thất bại AFF Cup đã bộc lộ đầy đủ thực trạng của nền bóng đá Việt Nam và là hệ quả tất yếu của một nền bóng đá có quá nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Bên cạnh yếu tố về chuyên môn, mà cụ thể là việc thiếu vắng một loạt các trụ cột quan trọng ngay trước ngày vòng đấu bảng khởi tranh, thì theo nhận định của VFF, còn một nguyên nhân quan trọng không kém khác đã được Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thẳng thắn chỉ ra. Đó là: “Một số trụ cột không có động lực thi đấu!”. Trong báo cáo của HLV Phan Thanh Hùng cũng nêu rõ vấn đề này: vẫn còn có cầu thủ có chủ nghĩa cá nhân, bệnh ngôi sao, gây tâm lý không tốt cho đồng đội trong quá trình thi đấu. Có những cầu thủ bị tác động tâm lý do khủng hoảng tại một số CLB V-League nên không giữ được sự tập trung và thi đấu đúng năng lực. Thế nhưng, “thiếu động lực thi đấu” hay “bị tác động tâm lý” ấy bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là môi trường bóng đá của chúng ta đang bị chi phối quá nhiều những yếu tố…ngoài bóng đá chứ không phải chỉ ở giải đấu này. Có thể khẳng định rằng, xu thế doanh nghiệp hóa bóng đá là đúng đắn và không thể khác. Nhưng trong suốt thời gian qua, bóng đá Việt Nam lệ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp và “chơi” theo “luật chơi” do các “ông bầu” soạn ra mà chưa có ràng buộc, hoặc ràng buộc đó chưa đủ mạnh để buộc các “ông bầu” cam kết gắn bó lâu dài với bóng đá. Vậy nên, khi đã quảng bá xong thương hiệu, hoặc đạt được mục đích nào đó về đất đai, cơ chế làm ăn thì họ sẵn sàng thoái lui khỏi bóng đá. Sự đầu tư nửa vời đó của các “ông bầu” khiến hệ thống đào tạo trẻ bài bản không có hoặc không phát huy tác dụng dẫn đến đội tuyển quốc gia luôn ở tình trạng cạn kiệt nhân tài vì thiếu nguồn cung. Cầu thủ dễ dàng “làm mình, làm mẩy”, mắc bệnh “ngôi sao” là vì vậy. Thế nên đã rất nhiều lần, chúng ta kêu gọi những người làm bóng đá và đặc biệt là các “ông bầu” thể hiện trách nhiệm với sân chơi chung, nhưng kết quả ra sao thì ai cũng biết. Vậy nên không thể cứ hô hào, kêu gọi sự tự nguyện từ các đội bóng để có được một nền bóng đá tử tế. Cần phải có chế tài, có những quy định cụ thể để buộc các doanh nghiệp cam kết gắn bó lâu dài với bóng đá. Bóng đá không phải là chỗ thích là đến, không thích thì đi.
Sau thất bại tại AFF Cup lần này, việc VFF dự kiến sẽ có buổi họp vào ngày 13-12 tới đây để đưa ra phương án tin dùng huấn luyện viên nội hay ngoại cũng không quan trọng bằng việc chúng ta cần có định hướng rõ ràng cho nền bóng đá. Và cái đích mà chúng ta cần hướng tới là một nền bóng đá ổn định, chuyên nghiệp.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc