Multimedia Đọc Báo in

Võ thuật thị xã Buôn Hồ – những bước đi vững chắc

10:34, 05/10/2013

Phong trào luyện tập võ thuật trên địa bàn thị xã Buôn Hồ trong những năm qua luôn được duy trì và phát triển rộng khắp, không chỉ giúp mọi người rèn luyện ý chí, thể chất mà còn góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần ở các khu dân cư. Trong các giải thi đấu cấp tỉnh, các môn phái võ thuật đang dần tạo lập được thế đứng vững chắc bằng chính nội lực của mình, trở thành môn thể thao chiếm lĩnh được tình cảm, sự quan tâm cổ vũ của các tầng lớp nhân dân…

Các võ sinh môn phái Karatedo luyện tập tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã Buôn Hồ.
Các võ sinh môn phái Karatedo luyện tập tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã Buôn Hồ.
Năm 1994, câu lạc bộ (CLB) võ thuật thị xã Buôn Hồ - CLB võ thuật đầu tiên của tỉnh Dak Lak được thành lập, đánh dấu bước phát triển mới của võ thuật thị xã trong chặng đường hội nhập sân chơi quốc gia. Những ngày đầu thành lập, CLB gặp rất nhiều khó khăn như các điểm tập, phân đường luyện tập không có, cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị thiếu thốn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ huấn luyện viên, võ sư và đặc biệt là sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương, CLB đã nhanh chóng khắc phục những khó khăn ban đầu để đi vào hoạt động ổn định, phát triển mạnh mẽ về số lượng thành viên và chất lượng luyện tập. Hiện trên địa bàn thị xã có 4 môn phái võ thuật cùng sinh hoạt và tập luyện tại 10 điểm tập, CLB, võ đường với hơn 300 võ sinh. Trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, CLB chính là điểm đến, sân chơi lành mạnh cho giới trẻ, nhất là những ai đam mê võ thuật. Thông qua phong trào luyện tập và thi đấu, CLB cũng đã phát hiện được những gương mặt nòng cốt, bổ sung vận động viên cho thể thao thành tích cao tỉnh nhà.

 

Võ thuật cổ truyền là thế mạnh của thị xã Buôn Hồ tại các giải đấu hằng năm.
Võ thuật cổ truyền là thế mạnh của thị xã Buôn Hồ tại các giải đấu hằng năm.

So với các địa phương khác trong tỉnh, thị xã Buôn Hồ được coi là địa phương có sự phát triển mạnh mẽ về phong trào luyện tập võ thuật cổ truyền. Bởi lẽ, nơi đây không chỉ có số lượng học viên theo học môn võ thuật này đông mà còn tập trung nhiều võ phái, võ đường như: Bắc phái Tây Sơn Xuân Bình Việt võ đạo, Xuân Anh Sơn, Tấn Tường Kỷ… Hiện võ thuật cổ truyền được tập luyện tại 5 võ đường với khoảng 100 môn sinh, dưới sự dẫn dắt của 9 võ sư, 1 chuẩn sư và hơn 10 huấn luyện viên, trong đó có những võ sư dày dạn kinh nghiệm đến từ lò võ Bình Định như võ sư Xuân Bình, võ sư Nguyễn Xuân Hà... Không những mạnh về phong trào luyện tập, võ thuật cổ truyền còn mang về cho thể thao Buôn Hồ những thành tích nổi bật như: Tại những giải đấu võ thuật cổ truyền tỉnh do sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức hằng năm, đội tuyển thị xã Buôn Hồ luôn đoạt giải Nhất toàn đoàn nhiều năm liền. Mới đây, tại Giải vô địch võ thuật cổ truyền - Đại hội TDTT tỉnh Dak Lak năm 2013, đoàn vận động viên thị xã cũng giành được 7 HCV, 6 HCB, 6 HCĐ và đoạt giải Nhất toàn đoàn. Bên cạnh đó, võ thuật cổ truyền còn cung cấp cho đội tuyển của tỉnh vận động viên ở tất cả các tuyến. Hiện có em Nguyễn Bá Thời và Nguyễn Như Tèo đang tập trung huấn luyện tại đội tuyển võ thuật cổ truyền tỉnh và đội năng khiếu trường Năng khiếu TDTT tỉnh.

Ngoài sự lớn mạnh của môn phái võ thuật cổ truyền, các môn võ thuật mới như Karatedo, Tewondo, Vovinam (Việt võ đạo) cũng nhanh chóng tạo được chỗ đứng và thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Bằng chứng là những môn phái này tập hợp số lượng võ sinh lớn và duy trì đều đặn các lớp học qua từng năm. Hiện môn phái Karatedo có hơn 60 võ sinh, tập luyện tại 3 điểm tập, dưới sự dẫn dắt của 4 huấn luyện viên; môn Taewondo với 30 võ sinh, tập luyện tại 3 điểm tập, dưới sự dẫn dắt của 3 huấn luyện viên; môn Việt võ đạo với hơn 30 võ sinh, tập luyện tại 2 điểm tập, dưới sự dẫn dắt của 3 huấn luyện viên. Để tạo điều kiện cho các võ sinh có cơ hội thi đấu cọ xát, giao lưu học hỏi lẫn nhau, hằng năm CLB võ thuật thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn duy trì đều đặn các giải thi đấu võ thuật một cách có hệ thống từ cơ sở; thường xuyên có sự cải tiến, điều chỉnh nội dung thi đấu để phù hợp với thực tế phong trào; cử huấn luyện viên tham gia các lớp tập huấn và thi lên đai, đẳng các môn phái. Thông qua các kỳ thi lên đai, đẳng và các giải đấu, những người làm công tác chuyên môn sẽ có cơ sở để tuyển chọn lực lượng vận động viên tham gia thi đấu giải cấp tỉnh và quốc gia.

Anh Trương Đình Ry, Trưởng phòng Văn hóa thông tin thị xã Buôn Hồ cho biết: Hằng ngày cứ đều đặn vào khoảng thời gian từ 17 đến 19 giờ, trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa-Thông tin thị xã có rất đông võ sinh đến tập luyện. Tại đây hiện có 3 môn phái võ thuật thường xuyên tập luyện là Vovinam, Taekwondo, Karatedo với gần 150 võ sinh, trong đó đông nhất là CLB Karatedo. Học võ thuật không chỉ giúp người học có sức khỏe dẻo dai tinh thần lại sảng khoái mà còn giúp họ tự vệ khi gặp những trường hợp xấu xảy ra. Để có thể duy trì các lớp học đều đặn thì điều quan trọng trước hết là phải làm thay đổi được quan niệm, nhận thức của người dân địa phương về võ thuật nói chung, nhất là chứng minh được ưu điểm, thế mạnh riêng của từng môn phái. Thời gian tới, để phong trào võ thuật trên địa bàn thị xã ngày càng phát triển, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và CLB võ thuật sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thu hút các tầng lớp nhân dân, học sinh tham gia tập luyện các môn võ, tăng cường tổ chức nhiều lớp học cho học sinh trong dịp hè, tìm nguồn tài trợ tổ chức các giải đấu để đưa phong trào ngày càng trở nên sâu, rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Từ những khó khăn bước đầu, CLB võ thuật thị xã Buôn Hồ đã có những định hướng và bước đi đúng đắn, qua đó duy trì vững chắc phong trào tập luyện võ thuật trên địa bàn, cùng với việc tổ chức các hoạt động thi đấu võ thuật hàng năm cũng làm cho phong trào thêm phong phú. Tin rằng, các thế hệ võ sư, võ sinh, huấn luyện viên các môn võ sẽ không ngừng tiếp nối, phát huy truyền thống thượng võ để “truyền lửa” cho thế hệ sau, đưa phong trào võ thuật thị xã ngày càng phát triển sâu rộng và bền vững.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc