Multimedia Đọc Báo in

Thể thao dân tộc thiểu số Dak Lak tự tin làm nên điều kỳ diệu

09:29, 25/11/2013

Hơn 10 năm qua, Dak Lak luôn là một trong những địa phương dẫn đầu toàn quốc ở các môn thể thao dân tộc. Mới đây nhất, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), một lần nữa đoàn thể thao Dak Lak lại khiến các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam phải “ngả mũ” thán phục khi tiếp tục đoạt giải Nhất toàn đoàn tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số (DTTS) toàn quốc khu vực II lần thứ VIII năm 2013.

Các đoàn đạt thành tích xuất sắc nhận cờ của Ban tổ chức.
Các đoàn đạt thành tích xuất sắc nhận cờ của Ban tổ chức.

Trong các kỳ diễn ra Hội thi thể thao các DTTS toàn quốc khu vực II (gồm 30 tỉnh, thành phố từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào phía Nam), Dak Lak luôn đoạt thứ hạng cao. Qua 8 lần tham gia hội thi, đoàn vận động viên (VĐV) của tỉnh Dak Lak chỉ duy nhất 1 lần xếp thứ Nhì toàn đoàn, còn lại 7 lần dẫn đầu. Hội thi lần thứ VII tổ chức tại tỉnh Quảng Nam, đoàn Dak Lak giành được 26 HCV, 12 HCB, 9 HCĐ, đạt tổng cộng 470 điểm, qua đó đoạt ngôi Nhất toàn đoàn, bỏ xa đoàn xếp thứ Nhì là Quảng Nam tới 18 HCV. Hội thi thể thao các DTTS toàn quốc khu vực II lần thứ VIII năm 2013 (vừa diễn ra tại TP. Pleiku, Gia Lai) có sự tham gia của gần 500 VĐV thuộc 21 DTTS của 15 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đoàn thể thao DTTS tỉnh ta hành quân đến đất Gia Lai với 92 VĐV, tham gia tất cả 7 môn thi đấu, gồm: bóng đá nam, bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, chạy cà kheo, bắn nỏ và việt dã. Kết thúc hội thi, đoàn Dak Lak một lần nữa lại đứng trên bục cao nhất ở khu vực khi giành được 472 điểm (20 HCV, 11 HCB, 8 HCĐ), xếp trên cả đoàn chủ nhà Gia Lai mặc dù đoàn Gia Lai có số lượng VĐV nhiều hơn (99 VĐV). Có được thành tích nổi bật như trên, phải kể đến những đóng góp to lớn của phong trào thể thao quần chúng được phát động rộng rãi trong cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Anh Nguyễn Xuân Trung, Giám đốc Trung tâm Phát triển thể thao quần chúng tỉnh cho biết: “Dak Lak có tiềm năng vô cùng to lớn về thể thao quần chúng, đặc biệt trong vùng đồng bào DTTS. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đưa những chủ trương, chính sách phù hợp đến vùng đồng bào, giúp cuộc sống của đồng bào phát triển vượt bậc nên phong trào luyện tập thể thao đã có tiến bộ đáng kể. Mặt khác, do đồng bào DTTS vốn ưa thích các hoạt động văn hoá - thể thao nên nhiều môn trong hệ thống thi đấu quốc gia nhanh chóng được tập luyện bên cạnh những môn thể thao truyền thống. Hiện nay, 100% số thôn, buôn đồng bào DTTS đều có đội bóng chuyền, điền kinh luôn sẵn sàng thi đấu. Có nhiều xã, buôn làng có đến 2 đội bóng chuyền, bóng đá để luyện tập và thi đấu với nhau cũng như thi đấu với các đội xã khác... nhằm nâng cao trình độ. Đây cũng là điều kiện cho phép hằng năm tỉnh tổ chức các hội thao quần chúng và qua đó phát hiện, bồi dưỡng được nhiều tài năng cho tỉnh. Ngoài ra, công tác tuyển chọn, bồi dưỡng VĐV năng khiếu cho các đội tuyển cũng được chú trọng. Đồng thời, mở các lớp năng khiếu thuộc các môn thể thao trọng điểm và tổ chức luyện tập, sẵn sàng tham gia các giải đấu toàn quốc và khu vực”.

Trận chung kết kéo co nam hạng cân 560 kg giữa đội Dak Lak và Gia Lai  diễn ra gay cấn.
Trận chung kết kéo co nam hạng cân 560 kg giữa đội Dak Lak và Gia Lai diễn ra gay cấn.

Tại hội thi vừa qua trên đất Gia Lai, các môn như: bóng chuyền, bắn nỏ, đẩy gậy, chạy cà kheo, kéo co... được xem là những môn thể thao truyền thống và cũng là thế mạnh của tỉnh ta. Lâu nay, Dak Lak được biết đến là một trong những địa phương mạnh nhất cả nước về môn kéo co, trong đó đa số VĐV kéo co là người DTTS tại chỗ. Đội tuyển kéo co Dak Lak đã từng đại diện cho Việt Nam tham gia tranh tài tại Giải Vô địch Kéo co châu Á. Tại hội thi lần này, đoàn Dak Lak đã thể hiện sự độc tôn khi giành trọn vẹn 4 chiếc HCV ở cả 4 hạng cân thi đấu (480 kg nữ, 520 kg nữ, 520 kg nam, 560 kg nam). Một “mỏ vàng” khác của thể thao Dak Lak phải kể đến môn bắn nỏ bởi đây là môn đã thành lập câu lạc bộ và đưa vào giảng dạy chính khóa (thay cho môn thể dục) tại trường THPT Ea H’leo (huyện Ea H’leo). Chạy cà kheo cũng là nội dung thi đấu mà đoàn Dak Lak đã thể hiện sự vượt trội khi giành ngôi đầu gần như tuyệt đối (6/8 HCV) với những bước chạy thần tốc của VĐV YBhăn Byă, HYuen Siu... Ngoài ra, ở môn việt dã, đoàn Dak Lak tuy không được đánh giá cao nhưng cũng đã có những VĐV biết cách tỏa sáng đúng lúc để mang về cho thể thao tỉnh nhà những thành tích ấn tượng, trong đó phải kể đến tấm HCĐ nội dung 3km nữ của VĐV H'Din Niê, HCB nội dung 5 km nam của Y Khuyên Niê… Ở môn bóng đá nam, đội bóng đá của tỉnh ta tuy đăng ký tham gia với mục đích chính học hỏi, thi đấu cọ xát, tuy nhiên các cầu thủ đã tạo nên một “cơn địa chấn” khi quật ngã các đội bóng sừng sỏ (trong đó có chủ nhà Gia Lai) để tiến thẳng vào trận chung kết gặp đội Lâm Đồng và đội đành nhận tấm HCB sau khi thua Lâm Đồng trong trận chung kết với tỷ số 2-1…

Thành tích mà các VĐV đạt được tại Hội thi thể thao các DTTS toàn quốc, khu vực II lần thứ VIII năm 2013 đã góp phần đưa vị thế của thể thao Dak Lak lên tầm cao so với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Trong những năm tới, ngành TDTT sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, tận dụng mọi lợi thế và tiềm năng của đưa phong trào thể thao DTTS phát triển mạnh mẽ hơn.

Hội thi thể thao các DTTS toàn quốc khu vực II được tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Hội thi năm nay là kỳ thứ 8 được tổ chức với sự tham gia của gần 500 VĐV thuộc 21 DTTS của 15 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Các VĐV tranh tài ở 7 môn thi đấu, gồm: bóng đá, bóng chuyền, việt dã, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ và chạy cà kheo. Kết thúc Hội thao, đoàn Dak Lak giành ngôi Nhất toàn đoàn với 472 điểm (20 HCV, 11 HCB, 8 HCĐ); Nhì: đoàn Gia Lai với 444 điểm (13 HCV, 20 HCB, 9 HCĐ); Ba: đoàn Đồng Nai với 183 điểm (2 HCV, 9 HCB và 10 HCĐ). 

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.