Multimedia Đọc Báo in

Trọng tài - Nghề "làm dâu trăm họ"

12:33, 29/01/2014

Bất kỳ một cuộc thi thể thao nào, dù ở giải phong trào hay thành tích cao thì đội ngũ trọng tài luôn được xem là những người “cầm cân nảy mực” đem lại sự công bằng cho tất cả các vận động viên tranh tài. Điều đó đòi hỏi người trọng tài cần phải có bản lĩnh và “cái tâm”.

“Nghề trọng tài ở các giải đấu thể thao thực sự là nghề “làm dâu trăm họ” bởi lẽ khi đã dấn thân vào nghề thì bản thân mỗi cá nhân trọng tài phải biết cách tự bảo vệ mình trước những hành động cay cú đòi trả đũa của những đối tượng quá khích hay phải biết giữ mình trước những cám dỗ vật chất, giữ hướng đi không lệch chuẩn”, trọng tài Huỳnh Anh Tuấn (60 tuổi, số nhà 63 Đinh Công Tráng, phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) mở đầu câu chuyện khi nói về cái nghề gần như đã gắn bó với ông suốt cả cuộc đời. Đối với những người trong nghề thì có lẽ ông Tuấn không còn xa lạ bởi đã gần 20 năm nay ông cầm còi điều khiển không biết bao nhiêu giải đấu và bao nhiêu trận đấu. Ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện dẫn ông đến với nghiệp trọng tài như một mối tơ duyên tiền định. Trước đây ông từng là danh thủ của đội tuyển bóng đá hạng Nhất Dak Lak từ năm 1976 đến 1984, thi đấu ở vị trí tiền đạo cánh trái đã từng ghi rất nhiều bàn thắng cho đội. Ông cho biết: “Lứa cầu thủ như chúng tôi hồi ấy mỗi khi ra sân chỉ biết thi đấu hết mình để mang niềm vui đến cho khán giả, không bao giờ nghĩ mình thi đấu vì chuyện tiền bạc. Các khán đài luôn tràn ngập tiếng reo hò của người hâm mộ mỗi khi đội nhà thi đấu”. Sau khi từ giã nghiệp cầu thủ, tình yêu với sân cỏ đã níu kéo ông ở lại nhưng không phải đeo đuổi nghiệp “quần đùi áo số” mà chuyển ngạch qua làm công tác trọng tài. Sau đó ông được đi học các lớp đào tạo trọng tài sơ cấp chuyên ngành bóng đá và chính thức cầm còi điều khiển các trận đấu kể từ năm 1990. Mỗi lần tham gia làm công tác trọng tài để lại trong ông những kỷ niệm khó quên.

Các giải đấu thể thao không thể thiếu trọng tài.
Các giải đấu thể thao không thể thiếu trọng tài.

Có khi bị khán giả quá khích, hoặc chính cầu thủ dọa dẫm hành hung. Cũng có khi Ban huấn luyện đội bóng dùng tiền bạc để mong ông “giúp” đội họ thắng trận nhưng ông kiên quyết từ chối và làm việc một cách công tâm, khách quan, không vì vật chất mà “bẻ còi”. Còn nhớ cách đây gần 15 năm ở giải bóng đá phong trào huyện Krông Pak ông điều khiển trận chung kết giữa đội bóng thị trấn Phước An và xã Hòa An. Trước khi trận đấu diễn ra, cổ động viên hai đội đã có nhiều lời nói khó nghe, rồi dọa đánh hoặc “giết” trọng tài (!) nếu để cho đội bóng của họ chịu thiệt thòi khi thi đấu. Dù trận đấu diễn ra rất quyết liệt, không thiếu những pha va chạm mạnh nhưng quan điểm của ông khi làm việc phải công tâm, khách quan. Thật bất ngờ, lãnh đạo đội bóng, cầu thủ hai bên đều nghiêm túc chấp hành mọi quyết định ông đưa ra và trận đấu diễn ra suôn sẻ với chiến thắng 1-0 nghiêng về đội thị trấn Phước An, đội thua phải “tâm phục khẩu phục”. “Trận đấu đó để lại nhiều cảm xúc khó tả bởi sau tiếng còi chung cuộc tôi nhận được rất nhiều cái bắt tay cảm ơn vì “thổi” công bằng” - ông Tuấn xúc động nhớ lại.

Với trọng tài môn bóng đá Trương Bảo Lân (33 tuổi) thì hơn 2 năm được công nhận là trọng tài quốc gia anh cũng không nhớ rõ mình đã cầm còi bao nhiêu trận đấu, và mỗi trận đấu là một câu chuyện vui, buồn lẫn lộn. Trước đây anh cũng từng là thủ môn của đội tuyển bóng đá hạng Nhì Dak Lak, sau khi giải nghệ “rẽ bước sang ngang” với nghề trọng tài. Có những trận anh cảm thấy mình thổi chưa tốt, mắc sai sót nhưng anh sẵn sàng chịu trách nhiệm với sai sót của bản thân. Anh tâm sự: “Ai cũng nghĩ đã là “Vua sân cỏ” thì có quyền sinh, quyền sát trong tay, tuy nhiên có vào nghề mới hiểu, áp lực trăm bề, chỉ cần thổi còi chậm một chút, sai một chút là đã bị khán giả phản ứng rồi, có lúc còn bị chửi nữa, nhưng đã dấn thân vào nghề thì phải chấp nhận tất cả. Có nhiều hôm các đối tượng lạ thường gọi điện hay gửi tin nhắn với nội dung không tốt, có lúc đe dọa. Đã làm nghề này thì những chuyện như thế là không thể tránh. Điều quan trọng là “tâm” mình phải vững, khi ra sân cố gắng làm nhiệm vụ công tâm, khách quan, không thiên vị. Trọng tài cũng là người chứ đâu phải thần thánh để đưa ra quyết định chính xác hoàn toàn, nghề nào cũng có phút giây sai sót. Chỉ có điều phải biết sửa sai để tiếp tục phấn đấu hơn nữa”. Anh nhớ nhất kỷ niệm khi điều khiển trận đấu giữa chủ nhà Vicem Hải Phòng và Hà Nội T&T trong khuôn khổ vòng loại bảng A Giải bóng đá U21 Quốc gia - Báo Thanh Niên lần thứ 17 năm 2013 đã xảy ra tình huống Huấn luyện viên Nguyễn Đức Thắng bên phía Hà Nội T&T không hài lòng với những xử lý của trọng tài chính và có phản ứng dữ dội. Trong trường hợp đó buộc anh phải “mời” HLV Đức Thắng lên khán đài ngồi.

Thi đấu ở môn đẩy gậy
Thi đấu ở môn đẩy gậy.

Đối với cựu trọng tài quốc gia môn bóng đá Nguyễn Xuân Hòa (nay là Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển thể thao quần chúng tỉnh) thì trong nghiệp cầm còi anh đã nếm trải biết bao đắng cay, khắc nghiệt. Anh nhớ lại câu chuyện buồn trong nghiệp cầm còi và cảm thấy mặc cảm khi đã mang tiếng “đổi trắng thay đen” trên sân cỏ. Sự kiện đó diễn ra trong trận đấu giữa SHB. Đà Nẵng và Đồng Tâm Long An trên sân Chi Lăng ở V-Leage 2008, có tình huống đội Đồng Tâm Long An đã ghi được bàn thắng vào lưới SHB. Đà Nẵng ở những phút cuối trận. Lúc đầu, anh công nhận bàn thắng của đội khách nhưng sau khi đội chủ nhà SHB. Đà Nẵng gây áp lực, rồi các giám sát cùng Phó trưởng Ban tổ chức giải xuống sân đề nghị xem lại tình huống buộc anh phải thay đổi quyết định của mình: Không công nhận bàn thắng cho Đồng Tâm Long An, để rồi đội khách chịu thua 2-3 một cách tức tưởi. Sau vụ đó, trọng tài Hòa bị treo còi 4 trận.

Với trọng tài quốc gia môn Boxing và Kick-Boxing Võ Đình Đoài (hiện là Phó trưởng phòng Nghiệp vụ TDTT, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) thì mỗi lần được cử và mời đi điều khiển các trận đấu đều gắn liền với những kỷ niệm khó quên. Theo anh Đoài thì làm trọng tài điều hành các trận đấu không phải là đơn giản. Ngoài việc phải thông hiểu và thành thạo luật của môn thi đấu còn phải biết cách lắng nghe những lời bình luận của khán giả, huấn luận viên nói về mình, qua đó rút kinh nghiệm và sửa chữa những sai sót. Anh tâm sự: “Dù đã là trọng tài điều khiển rất nhiều trận đấu ở cấp tỉnh lẫn quốc gia nhưng mỗi lần điều khiển một giải đấu là một thử thách và là cơ hội để học tập, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong hành nghề”.

Dẫu biết nghề trọng tài khó khăn, nguy hiểm và nhiều cám dỗ song với tình yêu thể thao, yêu nghề, đội ngũ những người làm công tác trọng tài đã biết vượt qua tất cả để đem đến sự công tâm cho những cuộc chơi. So với các địa phương khác trong cả nước, hiện nay trọng tài được xếp hạng cấp quốc gia của Dak Lak chiếm tỷ lệ rất ít, chẳng hạn môn Karatedo có 4 trọng tài, Taewondo 1, Võ thuật cổ truyền 1, Cầu lông 1, Boxing 2, Kick-Boxing 4, Bóng đá 2 và Bóng chuyền 3.

Nguyễn Thế


Ý kiến bạn đọc