Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Ana nỗ lực giữ gìn và phát triển các môn thể thao truyền thống

10:13, 17/09/2014

Trong những năm qua, bên cạnh môn đua thuyền truyền thống đã trở thành “đặc sản” riêng thì ngành Thể dục thể thao (TDTT) huyện Krông Ana luôn quan tâm đến việc giữ gìn và phát triển các môn thể thao truyền thống.

Huyện Krông Ana hiện có 21 dân tộc anh em sinh sống, mỗi dân tộc lại có một nét văn hóa mang bản sắc riêng. Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của tỉnh, sự nỗ lực của địa phương, đã có nhiều môn thể thao truyền thống được đưa vào thi đấu tại các giải thể thao cấp cơ sở như: bắn nỏ, đẩy gậy, đua thuyền, kéo co, đi cà kheo… Hằng năm, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện đều tổ chức các giải thể thao cấp cơ sở, trong đó có đưa các môn thể thao truyền thống vào thi đấu nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Định kỳ 2 năm một lần, Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số (DTTS) cấp huyện diễn ra sôi động với sự tham gia của hàng trăm VĐV đến từ các địa phương trong huyện. Mỗi khi giải đấu thể thao DTTS được tổ chức, các môn đẩy gậy và bắn nỏ luôn thu hút đông đảo VĐV tham gia cũng như người hâm mộ đến xem và cổ vũ. Ông Trần Thanh Đạt, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện cho biết: “Sở dĩ những môn thể thao này có điều kiện để phát triển là vì phù hợp với đồng bào DTTS. Ở môn đẩy gậy, không chỉ những thanh niên cường tráng, khỏe mạnh tìm đến mà kể cả các cô gái có sức lực cũng háo hức tham gia tranh tài. Hiện bộ môn đẩy gậy trở thành  môn thi đấu chính tại các cuộc thi, hội thao DTTS được tổ chức hằng năm”. Từ năm 2009 đến nay, đoàn thể thao DTTS huyện mỗi khi tham gia Hội thao DTTS cấp tỉnh đều đạt thành tích cao, luôn nằm trong top đầu toàn tỉnh. Chẳng hạn, tại Hội thi thể thao các DTTS tỉnh Dak Lak năm 2014 tổ chức tại huyện Ea Súp, đoàn VĐV huyện Krông Ana đứng thứ 5/16 đoàn tham gia.

Giải đua thuyền truyền thống được tổ chức trên Hồ Sen (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana)  Xuân Giáp Ngọ 2014.
Giải đua thuyền truyền thống được tổ chức trên Hồ Sen (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) Xuân Giáp Ngọ 2014.

Trong các môn thể thao truyền thống, có lẽ đua thuyền có “bề dày” thành tích hơn cả và được xem là “đặc sản” mang bản sắc riêng của huyện Krông Ana. Hơn 30 năm nay, cứ vào ngày mùng 4 Tết Nguyên đán, trên Hồ Sen trung tâm huyện, giải đua thuyền truyền thống của người dân vùng sông nước Quảng Nam lại diễn ra sôi động. Đây là hoạt động TDTT được xã hội hóa và tổ chức liên tục kể từ ngày thành lập huyện (19-9-1981) đến nay. Giải đua thuyền truyền thống được khởi nguồn từ một làng chài của những ngư dân quê gốc Quảng Nam vào đây làm ăn. Trải qua hơn 30 năm tổ chức, có những lúc Ban tổ chức địa phương gặp không ít khó khăn trong công tác vận động tài trợ, xã hội hóa nguồn kinh phí nhưng huyện đã nỗ lực duy trì, tăng quy mô, nâng chất lượng để giải ngày càng hấp dẫn. Kể từ Xuân 2006 đến nay, giải đấu được nâng cấp thành giải đấu cấp tỉnh và thu hút sự quan tâm của nhiều người. Xuân Giáp Ngọ 2014 vừa qua, Giải đua thuyền truyền thống tỉnh Dak Lak có sự tham gia 28 thuyền đua. Đây cũng là một trong những hoạt động khởi động cho “Năm du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt” tại Dak Lak.

Hằng năm, để chuẩn bị cho hội thi đua thuyền, người dân đã náo nức chuẩn bị trước cả tháng trời. Thường vào đầu tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), các đội đua bắt đầu lo sơn sửa lại thuyền đua, tỉ mỉ từng nét cọ để tạo nên những chiếc thuyền đẹp với nhiều màu sắc. Anh Lê Văn Lá, Đội phó Đội Thuyền đua Thanh niên xã Bình Hòa cho biết: để có một chiếc thuyền đua đúng tiêu chuẩn, thôn sẽ cử những thanh niên trai tráng “vượt sông” Krông Ana sang rừng Nam Ka (huyện Lak) mua gỗ sao (chiều dài từ 15-20 mét) đưa về để nghệ nhân đục đẽo tạo thành thuyền đua. Mỗi chiếc thuyền làm mới kinh phí từ 35 đến 50 triệu đồng, chủ yếu là do người dân góp. Song song với việc đóng thuyền, việc chuẩn bị lực lượng đua cũng được ưu tiên không kém. Các tay chèo được chọn thường là những chàng trai khỏe mạnh, dẻo dai có kinh nghiệm về sông nước. Trong nhiều tháng trời, tranh thủ lúc rảnh rỗi họ lại kéo nhau ra sông Krông Ana để tập luyện. Nhằm tạo điều kiện cho các đội đua được thi đấu cọ xát, giao lưu học hỏi lẫn nhau, vào mùa nước lên, cánh đồng lúa ngập tràn nước, UBND xã Quảng Điền và Bình Hòa thường tổ chức giải đua thuyền trên cánh đồng nước mênh mông này. Thông qua những giải đấu phong trào, địa phương sẽ duy trì các đội đua để tranh tài tại giải đấu cấp tỉnh…

Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.